Xuân Hinh vẫn giữ nguyên gương mặt te tởn, thủng thẳng bước vào quán miến gà rồi nói to: "Gớm, ăn đâu kệ người ta. Xuân Hinh này có 1 vợ, hai con, một trai một gái, vợ tên Nguyễn Phương Lan nhá, nên không ăn linh tinh được".
Cả đoạn phố bán đồ ăn lại cười hô hố.
Vào quán miến, Xuân Hinh bảo người viết: "Ăn uống tẹt ga nhé, anh trả tiền theo tháng rồi".
Rồi anh tiếp lời: "Có lần, tôi được 4 em xinh xinh trả tiền ăn cho. Mấy cô ngồi một góc, ăn xong trả tiền rồi bỏ đi luôn, không nói gì. Thế là 7 ngày sau đấy, tôi cứ vấn vương, hôm nào cũng ra ngồi ngẩn ở đấy, chờ gặp để cảm ơn và có cơ hội mời lại, đâm ra mình mệt. Vậy nên bây giờ đi ăn, tôi luôn trả trước.
Ngồi cà phê cũng thế, nhiều lúc muốn ngồi quán vắng, tránh ồn ào. Đến giờ, tôi chưa xin ai cái gì. Có người cho, tôi còn phải xem họ có chân thành, thật lòng hay không".
- Có vẻ anh là người rất sòng phẳng tiền bạc, ơn nghĩa...
Giới văn nghệ sĩ gặp tôi đều quý, tôi cũng chưa bao giờ mâu thuẫn với ai. Ngày xưa làm bầu, tôi chưa bớt xén của anh em, toàn cho thêm tiền.
Tôi không treo đầu dê bán thịt chó, cũng chưa nợ nần ai 1.000 đồng nào. Có lần quên không trả 150 nghìn đồng cho người trông coi, treo băng rôn ở Quảng Ninh, tôi cho người từ Hà Nội về đó trả tiền, không để nợ nần.
Người ta hỏi cát-xê Xuân Hinh, tôi bảo từ 0 đồng đến vô biên, không có giá rổ gì cả. Tôi lấy giá cát-xê theo cơn, có khi diễn xong mà thích thì còn cho ngược.
Thấy bầu show lỗ vốn vì tổ chức vào ngày mưa gió, tôi gọi vào bảo: "Thôi bác trả lại hết cát-xê cho mày". Rồi có bầu làm show cận Tết, tôi hỏi: "Thế hôm nay gần Tết rồi có còn lỗ không?". Cháu nó bảo còn lỗ 5 triệu. Thế là tôi lại hẹn: "Mai ra cửa rạp xiếc bác cho nốt, về ăn Tết cho ngon".
Có đứa cháu gọi cho tôi hỏi: "Cháu có mảnh đất ở quê, người ta trả 26 triệu đồng, giờ cháu muốn mua chiếc xe máy 28 triệu đồng. Cháu vừa làm nhà nên thiếu tiền, mà không mua xe máy thì cháu không lấy được vợ". Nghe thương không, thương quá! Tôi bảo: "Thôi để chú mua hộ, rồi cho mượn thêm 2 triệu". Đến khi làm giấy tờ xong, tôi lại nói với cháu: "Chú cho mày luôn, đỡ phải nợ nần".
Thật ra, trong cuộc đời, tôi ngại nhất những người tốt với mình, khiến mình phải vấn vương, suy nghĩ. Còn người xấu chỉ thoáng qua một cái, xong rồi thôi, quên đi làm việc khác. Đầu tôi như cái ngăn kéo ấy, những thứ rác rưởi là tống ngay ra ngoài, không suy nghĩ lằng nhằng. Có người uất lên là ở nhà đóng cửa, chửi thầm, như thế chả mấy mà chết. Mình sốc thì kẻ xấu vỗ tay, sao phải vậy?
- Có tuổi rồi, anh có đi diễn khắp nơi nhiều như trước?
Giờ tôi ít đi diễn, cũng đã có tuổi rồi, làm gì cũng phải chọn lọc. Trước đây, có những năm, tôi diễn đến 204 ngày, nên giờ chẳng thiết gì, cứ lên cơn, thích thì mới làm. Với tôi, cuộc sống như thế này là đủ, đủ lộc, đủ may mắn và cũng đã làm được điều gì cho văn hóa dân tộc.
Bao năm nay, tôi dồn tâm sức cho Bảo tàng Đạo Mẫu. Tôi cứ lên đó, lẩn mẩn với cành cây, ngọn cỏ suốt ngày. Bạn bè nhiều người thích đi đây đó, như Chí Trung dạo này thấy đi du lịch nước trong nước ngoài suốt. Còn mình thì chỉ thích quanh quẩn thế thôi, tránh chỗ ồn ào, tiệc tùng. Tuổi này rồi, không còn có nhu cầu gì nữa, ăn cũng được mấy.
- Anh nói không còn nhu cầu gì nữa, cứ như buông xuôi ấy nhi!
Bây giờ, tôi chỉ thích... mất hết, xong trở về cái năm 18 tuổi ấy, khi mà sức khỏe vẫn còn hừng hực lên, rồi lấy vợ mới, bắt đầu lại tình yêu đầu đời từ những năm 18 đôi mươi, ôm hôn nhau dưới trời mưa, say sưa quá đến ngã lăn xuống cống, ướt như chuột lột. (Cười to)
Còn lại chỉ cần bình yên là được rồi. Để "an nhàn" rất khó đấy! Vợ ngoan, con hư thì không thể an nhàn. Con ngoan, sức khỏe tốt, kinh tế đủ nhưng vợ hư cũng không an nhàn. Mà con ngoan, vợ ngoan nhưng không có sức khỏe thì làm sao an nhàn được. Nói chung chữ "nhàn" cũng chỉ tương đối thôi.
Đến giờ này thì tôi nhàn. Nhưng biết đâu được, tí nữa về nhà, vợ tôi bảo ông phải đi, ra khỏi nhà tôi thì sao? Nay 3 mẹ con bà ấy một phe, một mình tôi một phe. Đến cuối đời là tôi tay không rồi đây (lại cười).
Bây giờ bà ấy nấu nướng, trông nom dạ dày của mình. Nếu làm bà ấy giận, chẳng nhẽ tôi phải đi ăn cơm quán suốt à. Còn thuê ô sin hết 8 triệu/tháng. Cô nào mà ăn thịt nhiều, ngày 3 cân thì 11 triệu/tháng. Thiệt hại kinh tế rất nhiều! Vậy nên, nếu không bị đuổi khỏi nhà, mà chỉ cần bà ấy bỏ đi là thôi chết rồi. Đành ngậm miệng, đến giờ này là không dám cựa quậy gì nữa rồi.
- Dạo này Xuân Hinh hay khoe bà xã lên Facebook, do nhiều khán giả cứ nhầm vợ anh là Thanh Thanh Hiền?
Có người còn gọi điện thẳng đến nhà tôi, nằng nặc đòi gặp Thanh Thanh Hiền - vợ ông Xuân Hinh.
Tôi bảo: "Tôi Xuân Hinh đây, 1 vợ, 2 con, 1 trai, 1 gái, vợ tôi tên là Nguyễn Phương Lan, làm kế toán, gái Hà Nội gốc. Vợ tôi có máu ghen. Bà ấy mà điên lên, đuổi tôi ra khỏi nhà là khổ cái thân tôi. Tôi phải lấy vợ nữa, mà tôi không có nhu cầu, gái gú giờ khinh hết rồi".
Vậy nên, tôi phải đưa lên Facebook để cho mọi người biết.
- Vợ anh có máu ghen không?
Không, tôi nói vui với khán giả vậy thôi, chứ vợ tôi chẳng bao giờ ghen. Mọi vấn đề bà ấy đều được thoải mái, no đủ rồi thì ghen làm cái gì.
Chúng tôi cũng chưa bao giờ cãi nhau. Thứ nhất, bà ấy không có đủ ngôn từ mà cãi lại được với mình (cười). Hai nữa, giữa chúng tôi cũng chẳng có vấn đề gì. Tôi mà làm bà ấy giận, rồi nấu cho mình bát cơm không đến nơi đến chốn thì cũng chết.
Diễn trên sân khấu đã mệt, giờ về sân khấu gia đình, lại còn là sân khấu về khuya, thì mình càng phải biết điều. Tôi là "Việt kiều" Bắc Ninh, vợ là gái Hà Nội gốc, lại kém mình cả chục tuổi. Bà ấy chấp nhận lấy mình lúc khó khăn, nên trừ khi bị vợ điên lên đòi bỏ thì tôi phải chịu. May mà vợ tôi không có "máu điên".
Còn văn nghệ sĩ mà. Trước khi lấy vợ, tôi cũng đã thông báo với bà ấy là đầu tôi "có đạn". Chẳng có ai mà 1,2h sáng lại ngồi mơ màng, múa may vì nhớ đến câu hát điệu múa. Vợ vào nhìn thấy giật cả mình. Tôi bảo: "Úi giờ ơi, chuyện này tôi nói ngay từ lúc chuẩn bị cưới rồi mà, sao phải giật mình".
Đời này không có ai hợp ai đâu, lấy nhau về thì phải biết lựa nhau mà sống thôi. Con tôi đi lấy chồng, tôi cũng nói luôn: "Đã xác định chưa? Mai sau đừng có về nói với bố là không hợp nhé, chẳng có ai hợp ai cả. Tao yêu mẹ mày có mấy tháng thì bị lừa, thế mà vẫn hạnh phúc đến giờ. Vậy nên vợ chồng là phải lựa, tôn trọng đối phương, đừng làm gì ảnh hưởng đến gia đình là được".
- Trong gia đình, anh là người cha như thế nào?
Tôi chiều nhưng cũng nghiêm khắc với các con. Nhiều khi, tôi chỉ cần kể một câu chuyện là các con hiểu ý ngay. Nếu con muốn làm việc gì mà chần chừ, tôi thường ủng hộ. Tôi bảo: "Chúng mày cứ làm đi, bố hỗ trợ. Làm nhanh, "sút" khấn trương, chứ nay mai bố không còn là thôi đấy".
Có những người ở nhà cả ngày nhưng chẳng biết con cái làm gì. Còn tôi thì chỉ cần gọi điện một phát là biết chúng làm gì ngay. Tôi luôn xem mình là tấm gương cho con. Con nhìn vào những gì mình làm sẽ tự hiểu mà làm theo, không cần nói nhiều. Ví dụ tôi không uống rượu, không nghiện thuốc lá thì sao con nghiện được.
Tôi cũng bảo: "Chúng mày có thích hư không thì tỏ thái độ để tao biết. Nếu thích chơi thì chúng mày chỉ là mưa dầm, còn bố cho hẳn sóng thần luôn. Làm gì có cửa chơi lại với bố. Tao phải chơi hết thì chúng mày mới được chơi. Nào, có thích chơi không? Chơi đi! Nào dám".
Xuân Hinh bảo, tuổi này anh chỉ thích vui vẻ, nhẹ nhàng, sống nhàn thôi. Lâu lâu anh không lên báo, vì cũng chẳng cần nổi tiếng thêm nữa.
"Lần này nhận lời là vì vào đúng cơn đấy, có duyên. Tôi hay làm theo cơn, cơn lên mới làm. Điên lắm, không ai điên như Xuân Hinh. Như đi mua hàng, thích là tôi mua ngay và luôn. Nếu không, về ngang đường, cơn hết là thôi tôi nhất quyết không mua. Nói vậy chứ không làm thì thôi, một khi đã làm là tôi làm đến nơi đến chốn".
- Tên anh - Xuân Hinh, nghe vừa hóm hỉnh, lại duyên dáng. Tôi luôn thấy nó rất đặc biệt!
Có một khán giả cắt nghĩa cái tên của tôi thế này: Xuân chính là mùa xuân, sự vui vẻ, tươi mới, trẻ trung. Hinh hay còn gọi là hương, là tiếng thơm bay xa.
Cái tên này như vận vào tôi vậy, giống lắm! Hơn nữa, mùa xuân Tết đến dường như cũng gắn liền với sự nghiệp của Xuân Hinh. Công nhận các cụ ngày xưa đặt tên hay thật.
- Xuân Hinh đúng chuẩn 1 nghệ sỹ đa tài: Hát quan họ, hát chèo đều vô cùng xuất sắc?
Tôi hát quan họ suốt 7 năm. Từ năm 1977, Xuân Hinh đã vào đoàn quan họ Bắc Ninh. Chỉ đi tuyển chơi thôi, không ngờ tôi lại trúng. Khi ấy, tôi có một giọng hát rất lạ, chỉ cần đứng ở trên tầng 2 hát, là người đi qua đường sẽ đỗ lại nghe.
Tôi là lứa thứ hai sau các nghệ sĩ Thúy Cải, Ba Phức, Lệ Ngải, Xuân Mùi, Quý Tráng... Lúc đó, đoàn quan họ Bắc Ninh mới thành lập được vài năm. Có nhiều kỷ niệm lắm. Còn nhớ, tôi sống trên tầng 2, thỉnh thoảng lại chạy xuống tầng dưới xin anh Hai Lẫm - chị Ba Phức (tức bố mẹ Tự Long ấy) nước mắm.
Hát quan họ một thời gian, tôi lại thích chèo. Quan họ thì chỉ cần hát thôi, nhưng chèo là phải diễn, có chất kịch tính, nên tôi bị cuốn hút. Vậy là, tôi thi tiếp vào khóa đầu tiên của Khoa Chèo, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Lớp học trong vòng 6 năm, ban đầu tuyển khoảng 30 người, sau 2 năm loại dần thì chỉ còn ngỏt 20 người.
Vì gia đình khó khăn, nên tôi vừa học, vừa đi buôn để trang trải. Từ chó, mèo, lợn, gà đến sắt vụn... tôi bán hết. Thậm chí, tôi buôn luôn cả vàng cốm.
Cứ chiều thứ 7 học xong là tôi ra đầu cầu Thăng Long, bắt xe đi Hoàng Liên Sơn. Xuống xe, tôi đi thêm trăm cây số nữa lên thị trấn, rồi lại đạp xe 10 cây số vào rừng tìm người dân tộc mua vàng cốm. 1-2h sáng chủ nhật, tôi về đến Hà Nội, vẫn kịp để thứ 2 đi học.
Dù vất vả là vậy, nhưng tôi chưa bao giờ lấy của bố mẹ một đồng. Bởi cứ nghĩ đến hình ảnh mẹ tất tả chạy lên bến xe, đưa cho con từng 2.000 đồng là tôi lại đau lòng. Để có được 2.000 ấy, mẹ tôi phải lội nước đến bụng, vớt 4-5 gánh bèo. Vì thế, tôi cứ đi buôn để trang trải tiền ăn học thôi.
- Giữa những năm tháng cơ cực ấy, Xuân Hinh đã đi lên và nổi tiếng như thế nào?
Tôi chịu khó học lắm, vì mình yêu nghề chèo quá. Học hết trong trường, tôi lại bỏ tiền học riêng thầy Mạnh Tuấn. Không chỉ học hài từ thầy, tôi còn được cụ cho đi diễn cùng. Người ta thấy mình hay hay, có duyên nên lại mời đi tiếp.
Tôi nổi tiếng từ vai hề Cu Sứt, diễn gần 2 tháng trời ở festival ở Cung Văn hóa Việt Xô. Sau khi đã diễn hết các vai trong chèo rồi, tôi bắt đầu cho ra loạt series Xuân Hinh đi hát karaoke, Xuân Hinh đi hỏi vợ, Xuân Hinh đi khám bệnh... Những năm 1989-2000, băng đĩa Xuân Hinh xuất hiện ở khắp mọi nơi. Lúc đó, cứ đến ngày Tết là tôi bán băng đĩa thôi rồi.
- Thời đó, Xuân Hinh còn là bầu show "khét tiếng", cứ tổ chức show là khán giả kéo đến đông nghịt?
Sau khi nổi tiếng, tôi bắt đầu đi làm bầu. Ban đầu, tôi chỉ tổ chức sự kiện nhỏ cho các cơ quan, xí nghiệp thôi. Họ yêu mến nên mời mình đến hát. Thấy vậy, tôi liền gọi các anh em nghệ đi diễn cùng. Tôi chỉ phụ trách tập hợp mọi người lại, còn cát-xêthì phía bên kia tự trả.
Sau này, vì nhu cầu của khán giả ngày một cao, làm bầu show cũng thuận lợi, nên tôi mới mở rộng phạm vi ra. Thời ấy, sân bãi còn vắng vẻ, cỏ mọc đầy, không ai làm. Tôi liền thuê rạp, sân bãi rồi mở bán vé.
Tôi mời tất cả các nghệ sĩ, danh hài, trong Nam ngoài Bắc đủ cả. Đi đến đâu, khán giả cũng đông kín. Mà hay nỗi, suốt 10 năm trời làm bầu show, Xuân Hinh chưa gặp phải một trận mưa nào. Thu tiền về khủng khiếp.
Đến năm cuối cùng làm bầu là 2005, tôi diễn vở Người ngựa ngựa người trong 3 ngày. Đêm diễn ở Vinh mới 5h chiều đã bán được 8.000 vé, đến tối thì bán hết bay 15.000 vé. Đây là một con số khủng khiếp thời đó. Khi về Hà Nội, vở diễn này cũng cháy vé, chỗ ngồi kín hết.
- Làm bầu "mát tay" sao anh lại nghỉ?
Từ khi Xuân Hinh làm bầu có đông khán giả, nhiều người cũng làm theo. Thấy đông quá nên tôi không làm nữa, chỉ đi diễn thôi.
Tôi diễn nhiều lắm, chắc ở Việt Nam này ít người nhiều bằng tôi. Tôi đi khắp Việt Nam, ra nước ngoài cũng nhiều, có nước đi cả chục lần, từ Nga, Tiệp Khắc, đến Canada, Mỹ... Tôi cũng diễn với tất cả các nghệ sĩ nổi tiếng từ Hồng Vân, Bằng Kiều, Quang Linh, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung đến Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Sơn...
Cách đây 5,6 năm, tôi tổ chức liveshow kỷ niệm 40 năm làm nghề - Xuân Hinh - Kẻ chọc cười dân dã. Thời điểm đó, chưa có nghệ sĩ nào làm được liveshow "khủng" như thế, mà lại còn làm về nghệ thuật dân tộc nữa chứ.
Nói chung, tôi đi đâu diễn cũng đông, đến bây giờ vẫn vậy, mà thậm chí còn càng ngày càng đông.
- Xuân Hinh đúng là có lộc nghề, làm gì cũng "đắt khách"?
Tôi quan niệm cấy lúa là phải ra hạt, tác phẩm là phải bán được vé, mà bán vé là phải hết. Nếu lỗ vốn thì làm ra để làm gì.
Hơn nữa, với bất kỳ vai diễn hay sân khấu nào, tôi cũng đều hết mình. Chỗ người nghèo, ít tiền, mình vẫn diễn y như chỗ người giàu, lắm tiền. Mình làm thế nào thì khán giả đều biết. Không phải cứ chạy show, diễn nhanh nhanh chóng chóng lấy tiền rồi đi tiếp chỗ khác.
Kể ra thì tôi là người đầu tiên diễn hài hiện đại, cũng đi đầu về làm băng đĩa, rồi đi đầu về làm bầu show tư nhân (lúc ấy cũng có vài bầu show nhưng quy mô nhỏ hơn). Ngoài ra, tôi còn là người đầu tiên thu băng cát xét có giấy phép. Đến giờ, tôi lại là người đầu tiên xây dựng Bảo tàng Đạo Mẫu.
- Mọi người gọi anh là "vua hài đất Bắc", "vua hề chèo" cũng chẳng sai...
Chuyện này là các nhà báo và khán giả có tội với tôi đấy nhé! Những cái danh như "vua hài đất Bắc", "vua hề chèo" là nhà báo "vu" cho tôi, rồi khán giả yêu mến quá cũng gọi theo. (Cười to)
Tôi xin đính chính lại, tôi chưa bao giờ nhận mình là vua, là nhà báo "vu khống" cho tôi . Tôi chỉ là "kẻ chọc cười dân dã", đại diện cho những người dân nghèo khổ, vất vả. Nếu không thì gọi tôi là danh hài cũng được, tức là người diễn hài và có danh.
Này sợ lắm, có người còn đặt cho tôi mấy danh hiệu như "danh hài hay nhất thời đại", "danh hài nhất thế giới"... Ôi thôi! Cùng lắm thì gọi tôi là "danh hài số 1" thôi, giống như cầu thủ số 1, số 2, số 5, số 10 ấy. Hôm nay thích thì tôi là danh hài số 1, mai có thể là số 5, số 7, vui vui thì là số 9, số 10. Kệ tôi!
- Nhiều năm qua, anh dành bao nhiêu tâm huyết cho Bảo tàng Đạo Mẫu?
Tôi làm bằng cả cái tâm, mang hết "của nả" trong nhà đi làm. Được cái, Mẫu phù hộ cho tôi có sức khỏe phi thường, nên tôi mò mẫm đi được khắp nơi, tìm mua đồ về xây đắp. Nhiều khi sáng đi diễn, đêm có người gọi là tôi lại lên đường đi tìm mua.
Tôi mất 8 năm để mua ngói từ hàng nghìn ngôi nhà. Mua của nhà nào, ở vùng nào, tôi đều ghi lại rõ ràng. Mà thực ra cũng vì mình có tiếng tăm nên mới mua được, chứ không hề dễ đâu.
Ví dụ tôi đăng lên Facebook, có cháu vào bình luận bảo: "Ngày kia bà cháu dỡ nhà đấy". Thấy vậy, tôi liền nhắn cháu cho nói chuyện với bà: "Bà để cho em chỗ ngói đấy, để em làm cái này cái kia". Sau đó thì tháo dỡ từng viên xuống, đưa lên xe. Có nhà ô tô không vào được, tôi phải cho người xếp lên xe bò cải tiến, chở lên chỗ xây, rồi lại huy động 10 người dỡ xuống.
Tuyển thợ xây công trình này cũng khó. Có người một buổi sáng dọn đi 3 lần. Người ta bảo chắc tôi kẹt xỉ. Nhưng với những người thợ vất vả, tôi không bao giờ kẹt xỉ, thậm chí toàn cho thêm. Vậy nên không phải vấn đề tiền nong, mà là vì công trình làm khó quá.
Giờ làm xong rồi, nhìn lại tôi mới thấy sợ. Đó là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ. Không hiểu sao lúc đó mình lại có động lực đến thế. Cứ như có điều gì thúc đẩy, mình không làm không được.
- Quả thật, đó là 1 công trình cô cùng độc đáo!
Đây là bảo tàng đương đại nhưng vẫn mang hồn cốt người Việt. Tất cả đồ đạc ở đây đều là của người Việt. Tôi đã mất vài chục năm để sưu tầm. Có thứ người ta bỏ đi nhưng mình vẫn biến được thành tác phẩm đẹp.
Tôi còn xây cả một ngôi nhà chỉ để giữ một cái cây. Bước vào trong, mọi người phải đi qua một hành lang cây cối bao phủ, mùa hè cứ mát rượi ấy, không cần điều hòa.
Mà phải nói, vườn cây của tôi rất đẹp, rất Việt Nam, có sẵn cả chỗ ngồi thoải mái, gạch lát chỉn chu. Nói chung chụp ảnh lên không thấy hết được vẻ đẹp đâu. Trong ao, tôi dự định đóng một con thuyền truyền thống. Nếu có thể sẽ mời các nghệ sĩ đến đây và tổ chức biểu diễn trên thuyền, hát quan họ, hát chèo.
Ngoài ra, tôi còn lưu lại ở bảo tàng một số vai diễn của mình như Cu sứt, Người ngựa ngựa người... Để ở một góc nhỏ thôi, lưu giữ lại chút dấu ấn bản thân. Bởi từ những vai diễn ấy, tôi mới gom góp, xây được bảo tàng ngày hôm nay. Ngoài ra, tôi cũng muốn tri ân khán giả, có những người gom góp từ 50 - 100 nghìn đồng, lặn lội đường xa đi xem, quý lắm!
- Khi biết tin, nhiều người hâm mộ có đến thăm bảo tàng của anh?
Bảo tàng đã xong được khoảng 90% rồi, giờ chỉ tô điểm cho đẹp thêm. Mọi người cứ nói to tát, còn tôi xây dựng công trình này cũng chỉ vì muốn răn dạy các con trong gia đình về nguồn cội, tổ tiên và văn hóa của mình, để chúng biết yêu thương và trân trọng. Ngoài ra, cũng mong có một ngày bảo tàng mở ra, giới thiệu được văn hóa, cái đạo của người Việt đến mọi người.
Tuy nhiên hiện tại, nơi đây chưa mở cửa, vì tôi vẫn muốn chuẩn bị chu đáo để không bị ai chê trách. Nói chung còn nhiều việc lắm.
Sau này, nếu còn khỏe, tôi cũng muốn tuyển các cháu có tài năng, có tâm có đức nhưng hoàn cảnh khó khăn về đây đào tạo. Hồi mới tốt nghiệp, tôi đã ở lại trường gần 1 năm để làm giáo viên. Đến khi về Nhà hát chèo Hà Nội, tôi cũng tham gia dàn dựng nhiều vở, rồi mở CLB chèo truyền thống vào năm 1980. Sau đó, tôi đi nhiều nơi để dạy đoàn. Này, tôi có duyên dạy lắm nhé. Chương trình nào mà có tôi dựng các trích đoạn chèo truyền thống và bài hát dân ca đều đông khách cả.
Tôi mong dạy dỗ, giúp đỡ cho các cháu có cái nghề, kiếm được tiền từ nghề và yêu bộ môn nghệ thuật này. Vậy nên, nếu không có tài thật sự, tôi sẽ không nhận dạy. Vì dạy xong mà trò không biết làm thì cũng thành công cốc, vừa mất thời gian của họ và mình.
Khi dạy các cháu, mình cũng mong về già mà vợ trẻ không trông nom, các con ở xa không về kịp, thì còn có các cháu chăm sóc, nấu cho ít cháo lão ăn qua ngày.