Danh hài Bảo Chung: Từ chú tiểu trở thành nghệ sĩ tấu hài cải lương đầu tiên ở Sài Gòn

Minh Nhật |

Sinh ra trong một gia đình giàu có, sở hữu những cánh đồng cò bay thẳng cánh, nhưng danh hài Bảo Chung lại được cha mẹ hướng đến con đường tu tập. Nếu không vì cha mất sớm, cuộc sống phải mưu sinh qua ngày, Bảo Chung có lẽ đã không trở thành một nghệ sĩ như hôm nay.

Mê cải lương lại thành chú tiểu

Nhiều năm định cư ở Mỹ, nhưng thỉnh thoảng danh hài Bảo Chung vẫn về nước biểu diễn. Đây có lẽ là lần ông ở Việt Nam lâu nhất vì “có nhiều chương trình mời cộng tác”. Ở tuổi 63, danh hài Bảo Chung vẫn giữ được sự chỉn chu về hình thức, vóc dáng.

Mới có mấy năm xa đời sống nghệ thuật trong nước mà Bảo Chung thấy mình có phần tụt hậu, vì thị trường hài giờ đây quá sôi động và nhiều chiêu trò. "Thời của tôi chủ yếu là tấu hài, chế lời các ca khúc để biểu diễn nên không có chuyện hài tục.

Bao nhiêu năm vậy rồi, giờ mình diễn như lớp trẻ thì thấy hơi gượng, mà gượng thì khó "ăn" vai lắm", danh hài Bảo Chung tâm sự.

Nhân dịp ra Hà Nội hợp tác với nghệ sĩ hài Vượng râu trong một tiểu phẩm "Thông gia đại chiến", danh hài Bảo Chung đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện khá dài về chặng đường làm nghệ thuật và những đồn đại xung quanh cuộc sống vương giả của một "ông hoàng tấu hài".

Nghe danh hài Bảo Chung kể, có cảm giác như cuộc đời ông không chỉ được "tổ đãi" về chất giọng mà còn gặp rất nhiều may mắn.

Ngay cả khi sự nghiệp kinh doanh của anh bị "thất thủ", cuộc sống tưởng như rơi xuống vực thẳm thì vẫn có một bàn tay chìa ra đúng lúc.

Người ta nói, nghệ sĩ mang tiếng cười cho đời thì sẽ nhận về những giọt nước mắt. Với ông, nếu có vị mặn thì đó chỉ là những giọt mồ hôi.

Danh hài Bảo Chung sinh ra trong một gia đình được gọi là điền chủ ở Bình Chánh - một vùng thuộc ngoại thành Sài Gòn lúc bấy giờ.

Trong ký ức của cậu bé 5 tuổi khi đó thì vào mỗi mùa thu hoạch là các tá điền nườm nượp chở lúa đến nhà chất thành từng đống lớn.

Nhớ lại những ngày đó, danh hài Bảo Chung không có nhiều ký ức bằng những câu hát, điệu đàn được ba và hai anh chơi mỗi đêm ở sân nhà. Ông chia sẻ: "Ba tôi ca vọng cổ hay lắm, lại còn chơi đàn cò rất điệu nghệ. Hai anh thì chơi guitar.

Lúc đó tôi mê cải lương lắm, nhưng ba không cho học mà gửi lên chùa làm chú tiểu. Đi học cũng vận đồ nhà chùa, để đầu trọc và chỉ được về nhà vào cuối tuần.

Vì sao ba gửi lên chùa thì tôi cũng không rõ, đến khi biết thắc mắc thì ba mất rồi. Đó là năm tôi 11 tuổi. Mẹ bỏ hết ruộng đất ở quê để đưa các con lên Sài Gòn sơ tán. Từ lúc đó, tôi mới biết thế nào là vất vả".

Vai diễn đầu tiên là chạy qua màn hình

Để có tiền sinh sống, Bảo Chung phải làm thợ sắp chữ ti-pô cho một xưởng in. Đang quen cảnh sống no đủ, vậy mà ông thích ứng rất nhanh.

Vốn thông minh nhanh nhẹn nên làm nghề gì ông cũng có duyên. Làm công nhân 3 năm thì ông được thăng chức lên làm quản lý, trong khi có người làm 20 năm rồi vẫn chưa đến phần.

Nhưng điều may mắn nhất với Bảo Chung là người chủ xưởng in cũng đồng thời là một soạn giả cải lương.

Chính ông này đã phát hiện ra tố chất của Bảo Chung. Ông kể: "Cứ giờ nghỉ trưa người ta ngủ thì tôi nằm hát nghêu ngao.

Ông chủ xưởng bảo: "Mày hát nghe "mùi" lắm, ráng tìm thầy học cho có nghề". Nghe lời khuyên của ông ấy, tôi bắt đầu tìm thầy học cải lương.

Má tôi tất nhiên không đồng ý vì cho đó là nghề xướng ca vô loài và sợ con hút á phiện như tình trạng phổ biến lúc bấy giờ ở các kép hát. Vậy là tôi lén lút học.

Tiền học phí là tiền làm thêm giờ chứ không đụng đến lương. Theo học 3 năm như vậy mà má tôi vẫn không phát hiện ra".

Khi xưởng in bị cháy, không muốn làm ở xưởng khác nên Bảo Chung theo các ban nhạc đi hát đám cưới. Loại hình nào cũng "chơi", miễn là khán giả vui. Thành thử, Bảo Chung trở thành nghệ sĩ "đa năng" khi hát được cả cải lương, tân nhạc và diễn kịch.

Được một, hai năm thì miền Nam giải phóng, các ban nhạc giải tán hết. Khi mà Bảo Chung đang chưa biết làm gì thì được Đoàn cải lương Sài Gòn mời vì thiếu vai quần chúng.

"Vậy mà một lần má tôi xem trên ti vi, thấy cảnh con trai cầm cờ xuất hiện có mấy giây mà má la lên: "Sao hay vậy, học khi nào mà được vô đoàn vậy?".

Từ đó, má không cấm tôi nữa mà cho đi hát thoải mái, gặp ai cũng khoe hoài", danh hài Bảo Chung nhớ lại.

Từ chỗ chỉ cầm cờ chạy qua màn hình, nhờ bản tính lanh lợi sáng dạ, lại có chất giọng nên chỉ qua năm sau là Bảo Chung được đôn lên thành hát kép nhị.

Tưởng yên phận với nghề cải lương thì run rủi thế nào ông lại được bầu hát chọn sang đóng thế vai hề cho vở “Lâm Sanh Xuân Nương”, “Bên Cầu Dệt Lụa”. "Ban đầu tôi tự ái lắm, thấy tổn thương ghê gớm vì lúc đó cải lương đang là đỉnh cao.

Ai ngờ lên hát hề người ta cười quá trời. Bình thường hát kép chính được trả 15.000 đồng thì hát hề được bầu trả 20.000 đồng.

Thường hề được trả thấp hơn kép chính, nhưng bầu hát phải làm vậy để tôi bớt ấm ức. Vậy là chỉ vì được thêm 5.000 đồng đó mà tôi đi hát hề đến giờ", danh hài Bảo Chung hóm hỉnh.

Từ năm 1980 thì Bảo Chung chuyển hẳn sang tấu hài với nghệ sĩ Văn Chung - người ông ngưỡng mộ và học hỏi khá nhiều.

Ông bảo: "Có 3 người để lại dấu ấn lớn trong đời diễn của tôi là Văn Chung, Bảo Quốc và Thanh Điền. Họ không giấu nghề, thấy em út có khả năng là chỉ bảo, nâng đỡ tận tình.

Nghệ danh Bảo Chung của tôi cũng vì học theo điệu cười của danh hài Văn Chung và lối diễu của Bảo Quốc mà đặt thành. Có người bảo, vì đổi tên nên sự nghiệp mới lên.

Vai Trần Lôi trong vở tuồng “Chắp Cánh Chim Bằng” của tác giả Thanh Kim Huệ, đạo diễn Thanh Điền là lần đầu tiên tôi sử dụng nghệ danh Bảo Chung, tên tuổi lên dữ lắm. Rồi đến “Bài ca tìm mẹ” của Đoàn cải lương Sài Gòn 2.

Nhưng dấu ấn rõ nét nhất là năm 88, sau khi tôi hợp tác với hãng băng nhạc Rạng Đông để làm bộ phim ca nhạc đầu tiên của Sài Gòn lúc bấy giờ là “Mưa bụi”. Lúc đó, sức hút của Bảo Chung lớn tới mức, mỗi ngày tôi chạy 6-7 show.

Ngày lễ chạy gấp đôi". Tiền cát-sê của Bảo Chung lúc đó nhiều đến mức tiêu không hết. Hoặc cũng có thể mải chạy show không có thời gian để tiêu. Từ khi có tiền, có tiếng cũng là lúc ông "sa lầy" trong men rượu và những đêm trắng trong vũ trường.

Danh hài Bảo Chung từng được khán giả bầu chọn là "Một trong 10 danh hài được yêu thích nhất" trong năm 1992 và 2 lần được trao Huy chương Vàng trong cuộc thi "Danh hài TP Hồ Chí Minh" trong 2 năm 1996 và 2000.

Khác với vẻ hoạt náo trên sân khấu, ngoài đời Bảo Chung khá trầm tính, nghiêm chỉnh. Vẻ hài hước dường như không xuất hiện trong phong cách giao tiếp của ông. Nụ cười “dê” trứ danh cũng vậy, nó chỉ có ở sân khấu.

Còn ngoài đời, hiếm khi thấy Bảo Chung cười to thành tiếng ngoài cái nhoẻn miệng vô cùng duyên dáng khoe hàm răng trắng đều tăm tắp.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại