Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga được cho là mối đe dọa lớn đối với Mỹ và các đồng minh NATO. Hiện tại, hiếm có hệ thống phòng thủ đáng tin cậy nào có thể ngăn chặn tên lửa siêu vượt âm như Oreshnik. Tuy nhiên các chuyên gia phương Tây cho rằng, một hệ thống có khả năng ngăn chặn được tên lửa này là THAAD (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối). Đây là hệ thống tiên tiến, có tính cơ động cao do Lockheed Martin chế tạo, được thiết kế đặc biệt để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối, ngay trước khi tên lửa đến sát mục tiêu.
Sức mạnh của THAAD
Oreshnik là loại vũ khí siêu vượt âm, có khả năng cơ động khó lường với tốc độ lớn hơn Mach 5. Những tính năng này cho phép nó vượt qua hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu cấu trúc hiện tại của THAAD, được phát triển để chống lại tên lửa bay theo quỹ đạo đạn đạo, có đủ khả năng thích ứng với tên lửa mới của Nga hay không.
Các chuyên gia lập luận rằng về mặt lý thuyết, THAAD có thể đóng một vai trò trong chiến lược phòng thủ nhiều lớp, nhưng hiệu quả của nó trước các hệ thống siêu thanh như Oreshnik sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp với các hệ thống khác, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis hoặc các loại vũ khí năng lượng định hướng trong tương lai.
Bối cảnh chính trị liên quan đến THAAD cũng là một yếu tố đáng lưu tâm. Việc ngày càng có nhiều lời kêu gọi triển khai hệ thống này tới Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính chiến lược của nó. Tuy nhiên, yêu cầu như vậy đã vấp phải sự phản đối gay gắt ở Washington.
Nhiều nhà phân tích như Brandon J. Weichert cho rằng có rất nhiều rủi ro nếu Mỹ cung cấp THAAD cho Ukraine. Trước hết, công nghệ của nước này có thể bị lộ nếu THAAD rơi vào tay các lực lượng đối địch và điều này, có khả năng làm xói mòn lợi thế của Washington trong phòng thủ tên lửa. Thứ hai, do quá trình vận hành và nhu cầu hậu cần phức tạp, THAAD khó có khả năng phát huy hiệu quả cao ở các chiến trường có nhiều biến động, với những đợt giao tranh ác liệt như và Ukraine.
THAAD, do tập đoàn Lockheed Martin phát triển, là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo được thiết kế để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối. Hệ thống tích hợp radar, thiết bị đánh chặn tiên tiến, trung tâm chỉ huy và kiểm soát mạnh mẽ, khiến nó trở thành một nút quan trọng trong mạng lưới phòng thủ tên lửa nhiều lớp.
THAAD có giá trị chiến lược trong việc chống lại các mối đe dọa tên lửa được phóng từ các khu vực bất ổn hoặc các quốc gia đối đấu, giúp tăng cường đảm bảo an ninh cho Mỹ và các nước đồng minh.
Về bản chất, THAAD được thiết kế để vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối trong quỹ đạo bay, khi chúng quay trở lại bầu khí quyển. Điều này giúp nó đặc biệt hiệu quả trước các mối đe dọa tên lửa tiên tiến, trong đó có cả những tên lửa được trang bị các biện pháp đối phó hoặc có khả năng hồi quyển cơ động [MaRV]. Hệ thống này thường được phối hợp vói các phương tiện phòng thủ tên lửa khác, chẳng hạn như Aegis và hệ thống PAC-3, phiên bản mạnh nhất của hệ thống đánh chặn Patriot, bằng cách cung cấp lớp đánh chặn cao hơn để bổ sung cho hệ thống phòng thủ cấp thấp.
Khả năng hoạt động tự chủ hoặc phối hợp trong một mạng lưới phòng thủ rộng lớn hơn giúp tăng cường tính linh hoạt của THAAD, cho phép nó có thể triển khai trong nhiều môi trường khác nhau. Radar băng tần X của hệ thống đảm bảo khả năng phát hiện và theo dõi chính xác mục tiêu, ngay cả đối với những tên lửa phức tạp, có đường bay khó đoán.
THAAD gồm có có radar AN/TPY-2, có khả năng phát hiện và phân biệt nhiều mục tiêu ở tầm xa; tên lửa đánh chặn hạng nhẹ với tính cơ động cao, sử dụng thiết bị tìm kiếm tiên tiến để nhắm mục tiêu chính xác và bệ phóng di động có thể vận chuyển và phóng tới 8 tên lửa đánh chặn. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát điều phối các bộ phận này, tận dụng nhiều thông tin, dữ liệu để tối ưu hóa các quyết định đánh chặn.
Để hệ thống ngày càng trở nên lợi hại hơn, các nhà phát triển đã cho ra mắt nhiều biến thể, cải tiến khả năng đánh chặn và phát triển radar của THAAD, cập nhật phần mềm… nhằm chống lại các mối đe dọa mới.
Kịch bản THAAD đánh chặn Oreshnik
Oreshnik là tên lửa siêu vượt âm đáng gờm. Khi bước vào giai đoạn giữa quỹ đạo bay, tên lửa sẽ triển khai nhiều loại đạn con, mỗi loại đều có khả năng hoạt động độc lập. Hệ thống THAAD, với radar AN/TPY-2, ngay lập tức xác định việc phân tách của tên lửa và bắt đầu theo dõi nhiều vật thể. Tuy nhiên, tình hình trở nên khó khăn hơn chỉ trong vòng vài giây.
Các nhà điều hành hiện phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: ưu tiên đánh chặn những mục tiêu chính. Radar của THAAD đặc biệt tiên tiến, có khả năng phân biệt giữa đầu đạn, mồi nhử và mảnh vỡ, nhưng số lượng vật thể quá lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng theo dõi chính xác tất cả các loại bom, đạn con.
Sau khi xác định mục tiêu, THAAD sẽ phóng tên lửa đánh chặn về phía các đầu đạn. Tên lửa THAAD có thể điều chỉnh quỹ đạo giữa chuyến bay bằng cách sử dụng thiết bị tìm kiếm tiên tiến, nhưng khả năng cơ động khó lường và tốc độ siêu thanh của những quả đạn con khiến các thuật toán của hệ thống bị hạn chế. Một số quả đạn có thể bị đánh chặn, nhưng những quả đạn khác sẽ tiếp tục lao xuống các mục tiêu riêng biệt. Điều này cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại đó là khó đánh chặn các tên lửa siêu vượt âm tiên tiến như Oreshnik.
Nhà phân tích Brandon J. Weichert cho rằng: “Ngay cả khi THAAD được triển khai tại Ukraine, việc ngăn chặn hàng loạt tên lửa hành trình siêu vượt âm vẫn là điều dễ nói nhưng khó làm”.
Sức mạnh thực sự của THAAD nằm ở khả năng phát hiện và theo dõi các tên lửa siêu vượt âm đang bay đến, với độ chính xác cao hơn hầu hết các hệ thống phòng thủ khác. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ phát hiện sang đánh chặn vẫn là một thách thức lớn.
Các tên lửa đánh chặn của hệ thống, mặc dù rất tiên tiến, nhưng được thiết kế để chống lại những tên lửa đạn đạo có đường bay dễ nắm bắt, chứ không phải những tên lửa có khả năng di chuyển với tốc độ cao, khó đoán như tên lửa hành trình siêu vượt âm.
Bất chấp hạn chế này, THAAD vẫn được coi là một trong những biện pháp khả thi của Mỹ để chống lại một cuộc tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm, đồng thời đóng vai trò quan trọng chiến lược trong mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện tại.