Sau thời gian "bão giá" ở thời điểm đầu ra mắt, tôi đã quyết định bỏ ra 1000 USD để sở hữu chiếc iPhone X. Bỏ ra số tiền lớn như vậy cho một chiếc điện thoại rõ ràng không phải là quyết định khôn ngoan.
Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ rằng thà sở hữu một chiếc máy đắt nhưng mới mẻ như iPhone X, hơn là một chiếc máy rẻ hơn nhưng lỗi thời, dùng được một thời gian là lại muốn lên đời như iPhone 8 Plus.
Tính đến nay, tôi đã sử dụng iPhone X được gần 1 năm. Mặc dù có cơ hội tiếp xúc với nhiều siêu phẩm khác, nhưng đây vẫn luôn là chiếc máy chính của tôi. Do ra mắt đã lâu, vậy nên bài viết này sẽ không chú trọng việc đánh giá iPhone X có tốt hay không, mà là nhận xét xem qua thời gian chiếc máy này thể hiện ra sao.
Thiết kế: Tróc sơn? Xước viền? Vỡ kính?
Một năm sau khi ra mắt, iPhone X vẫn là chiếc máy cho chất lượng hoàn thiện bậc nhất hiện nay. Smartphone vỏ kính đã có nhiều, tuy nhiên iPhone X vẫn nằm trong số ít sử dụng viền thép bóng loáng, đem lại cảm giác thật sự cao cấp.
Thứ duy nhất mà tôi không thật sự hài lòng là cụm camera kép đặt dọc trông hơi kỳ quặc, nhưng rồi qua thời gian thì tôi cũng chẳng bận tâm đến nó nữa, đặc biệt là khi các nhà sản xuất khác cũng đạo nhái thiết kế này của iPhone X.
Sau sự ra mắt của iPhone X, hàng loạt nhà sản xuất Android đã sao chép thiết kế của chiếc máy này. Trong đó, camera kép xếp dọc trở thành trào lưu phổ biến nhất.
Tôi đã phải bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu iPhone X, vậy nên đương nhiên là tôi muốn bảo vệ khoản đầu tư của mình. Ngay từ ngày đầu, tôi đã dán màn hình và sử dụng ốp, vậy nên (về cơ bản) là chiếc máy của tôi vẫn rất đẹp.
Dù vậy, mọi thứ không hoàn hảo. Một lượng người dùng cho biết chiếc máy màu Space Grey (xám) của họ gặp tình trạng tróc sơn đen ở viền, để lộ ra phần thép trắng ở dưới. Chiếc máy của tôi cũng gặp phải tình trạng này, mặc dù vết tróc là rất nhỏ.
Ở cạnh đáy, những vết tróc cũng xuất hiện lấm tấm như hạt cát, rất có thể do va quệt trong túi quần và chiếc ốp của tôi thì lại không bảo vệ cạnh đáy.
Chiếc iPhone X màu Space Grey của tôi gặp tình trạng tróc sơn nhẹ ở cạnh đáy
Người dùng máy màu Silver (bạc) cũng có nỗi khổ của riêng mình, khi viền của phiên bản màu này rất dễ bị xước. May mắn hơn màu xám, người dùng phiên bản màu bạc có thể đánh bóng viền của chiếc máy này và đem trở lại vẻ đẹp cho nó. Các bạn có thể tham khảo bài viết hướng dẫn đánh bóng viền iPhone X bạc tại đây.
Viền iPhone X màu bạc rất dễ bị xước dăm
Xước thì thôi còn đỡ, khổ nhất là những người bị vỡ mặt lưng iPhone X. Hiện nay, người dùng sẽ mất khoảng 1.2 triệu nếu muốn thay mặt lưng iPhone X. Đương nhiên mức giá này đến từ các dịch vụ sửa chữa bên thứ ba, còn có lẽ sẽ chẳng chịu chấp nhận bỏ ra 549 USD để sửa chữa tại trung tâm ủy quyền của Apple.
Quay trở lại mặt trước, Apple nói rằng iPhone X sử dụng loại kính "bền nhất trên smartphone hiện nay". Tôi không rõ bền hơn ở đây cụ thể là như thế nào, chỉ biết rằng kính thì vẫn mãi là kính, và một khi rơi thì tỷ lệ vỡ là rất cao. May mắn thay, do đã dán màn hình, màn hình chiếc iPhone X của tôi vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.
Một số người dùng có phàn nàn với tôi rằng màn hình của iPhone X rất dễ xước. Cá nhân tôi cho rằng rất có thể Apple đã hợp tác với Corning để tạo ra một phiên bản đặc biệt của Gorilla Glass 5 dành cho iPhone X, và Gorilla Glass 5 cũng từng bị nhiều người "tố" dễ xước hơn.
Mặc dù Apple nói kính của iPhone X là bền nhất từ trước đến nay, nó lại rất dễ bị xước
Dù sao thì đó cũng chỉ là phỏng đoán. Cho dù nó có đúng hay không, kết luận chung là nếu bạn dùng iPhone X thì hãy dán màn hình. Có thể bạn không bận tâm về những vết trầy xước, nhưng nếu màn hình bị vỡ thì bạn sẽ mất từ 2 đến 7.5 triệu đồng để ép kính/thay màn hình - một cái giá quá đắt chỉ vì một giây phút lầm lỡ.
Màn hình: Tai thỏ có phải là vấn đề? Burn-in có đáng để bận tâm?
Vào thời điểm ra mắt, một trong những điều mà người dùng không ưa nhất ở iPhone X là màn hình "tai thỏ" với vết lẹm dành cho cụm camera TrueDepth.
Thật sự mà nói, tôi cho rằng đây là một vấn đề đang bị thổi phồng quá đáng: cá nhân tôi và rất nhiều người dùng khác đều không gặp bất kỳ vấn đề gì với tai thỏ trong quá trình sử dụng. Có chăng, tai thỏ chỉ trở nên khó chịu khi người dùng xem video mà thôi.
Tôi hoàn toàn không gặp bất kỳ vấn đề gì với tai thỏ của iPhone X
Như đã nói ở trên, không lâu sau sự ra mắt của iPhone X, nhiều nhà sản xuất Android đã nhanh chóng "học tập" và kết quả là hàng loạt mẫu máy với "tai thỏ" đã ra đời.
Tuy nhiên, do đa phần những máy Android không có cụm camera TrueDepth như iPhone, vậy nên phần lẹm đen (notch) cũng bé hơn. Một số nhà sản xuất cho rằng nhỏ hơn là tốt hơn, nhưng cá nhân tôi thích phần lẹm đen lớn của iPhone X vì sự cân đối.
Nhiều máy Android đã copy tai thỏ của iPhone X, tuy nhiên cá nhân tôi thấy tai thỏ của iPhone X vẫn là đẹp nhất
Điều duy nhất từng khiến tôi khó chịu vào thời gian đầu sử dụng iPhone X là các ứng dụng chưa được cập nhật để tận dụng tỷ lệ màn hình dài mới, để lại hai viền đen dày ở trên và dưới. May mắn thay, qua gần một năm, vấn đề này đã dần được khắc phục. Đa số các ứng dụng nay đã có thể hiển thị hoàn hảo.
Vào thời điểm iPhone X mới ra, tất cả các ứng dụng của Vinagame gồm Zing MP3, Zalo, Laban Dictionary và Zing TV đều không tương thích tỷ lệ màn hình mới của chiếc máy này.
Sau gần 1 năm, tất cả các ứng dụng đã được cập nhật ngoại trừ Laban Dictionary
Năm nay là năm đầu tiên Apple chuyển sang sử dụng màn hình OLED thay thế cho LCD. Và, một trong những yếu điểm cố hữu của công nghệ OLED là tình trạng burn-in (lưu ảnh) qua thời gian.
Nhưng có vẻ như Apple đã hiểu rất rõ về vấn đề này và sử dụng các biện pháp riêng của mình để ngăn chặn nó xảy ra: hiện tôi vẫn chưa gặp bất kỳ trường hợp người dùng nào bị burn-in cả. Dù vậy, 1 năm là khoảng thời gian ngắn so với vòng đời của màn hình OLED, và burn-in sẽ là một thứ mà chúng ta cần tiếp tục theo dõi trong tương lai.
Sau một năm, màn hình OLED của iPhone X chưa hề có dấu hiệu bị burn-in
Hiệu năng: Vẫn thuộc hàng top, nhưng không khiến tôi kinh ngạc
iPhone từ lâu vẫn luôn được người dùng tin cậy về hiệu năng, và lần này iPhone X cũng vậy. Là một con chip của năm 2017, A11 Bionic vẫn giữ được ưu thế của mình và cho hiệu năng CPU không những ngang ngửa, mà thậm chí còn vượt qua cả những ứng cử viên của năm 2018 là Snapdragon 845 hay Exynos 9810.
Mặc dù đã ra mắt 1 năm, A11 Bionic vẫn là con chip rất mạnh và chỉ chịu thua người kế nhiệm của nó là A12 Bionic
Mặc dù về cơ bản iPhone X là một chiếc máy cho hiệu năng tốt, nhưng nó không đem lại cho tôi cảm giác ấn tượng như những gì tôi kỳ vọng. So với những chiếc iPhone trước chạy ở phiên bản nguyên gốc (như iPhone 6s ở iOS 9 hay iPhone 7 ở iOS 10), iPhone X chạy iOS 11 không khiến tôi thấy "đã".
Mặc dù mạnh, tuy nhiên iPhone X chạy iOS 11 vẫn không đem lại cảm giác nhanh đến "điên đảo" như những gì mà một số chiếc iPhone trước đây, ví dụ như iPhone 5 chạy iOS 6, từng làm được.
Một trong những yếu tố mà tôi thất vọng nhất là khả năng đa nhiệm - chiếc máy này không giữ được nhiều ứng dụng trong bộ nhớ như tôi tưởng tượng. Có vẻ như dung lượng RAM 3GB đã bắt đầu cho thấy sự xuống sức, và Apple đã khắc phục điều này khi trang bị cho iPhone XS đến 4GB RAM.
Face ID: Quen rồi sẽ cảm thấy không muốn dùng cảm biến vân tay nữa
Apple đã mạnh dạn loại bỏ cảm biến vân tay trên iPhone X để thay thế bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt Face ID. Trước đây, tôi có sử dụng tính năng mở khóa khuôn mặt trên một số máy Android và cảm thấy thật sự thất vọng, vậy nên tôi từng cảm thấy có phần lo lắng trước quyết định này của Apple. Thế rồi, Face ID đã khiến tôi thật sự cầm thấy hài lòng.
Là một người không ra mồ hôi tay, tôi không gặp quá nhiều vấn đề với cảm biến vân tay Touch ID trên các thế hệ iPhone trước.
Mặc dù vậy, cũng có đôi lúc Touch ID bất ngờ không chấp nhận dấu vân tay và buộc lòng tôi phải nhập mật khẩu. Face ID cũng như vậy: có những khi vì một lý do nào đó mà nó cũng không chấp nhận khuôn mặt của tôi, tuy nhiên tỷ lệ cũng chỉ là tương đương với Touch ID và là không cao.
Hơn thế nữa, nhờ khả năng tự học của AI, Face ID hoạt động ngày càng chuẩn xác và nhanh chóng hơn.
Face ID hoạt động hiệu quả ngay cả trong bóng tối
Mặc dù vậy, Face ID không hoàn hảo. Vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải là nó không hoạt động khi tôi đang đeo khẩu trang.
Ngoài ra, vào thời điểm iPhone X mới ra mắt và chạy iOS 11, tôi cũng cảm thấy phiền phức Face ID chỉ cho phép đăng ký 1 khuôn mặt duy nhất chứ không phải 5 dấu vân tay như Touch ID trước đây, khiến tôi gặp khó khăn khi muốn chia sẻ chiếc máy này cho một người khác. May mắn thay, Apple đã cho đăng ký một khuôn mặt thứ hai khi nâng cấp lên iOS 12.
Điều khiến tôi bực mình nhất với Face ID là nó không hoạt động khi đeo khẩu trang
Một điều nữa giúp cho Face ID trở nên nổi trội là khả năng tương tác với các ứng dụng bên thứ ba rất tốt của Apple. Tất cả các ứng dụng trước đây từng hỗ trợ Touch ID nay sẽ tiếp tục hỗ trợ Face ID, và đối với các ứng dụng như vậy, người dùng chỉ cần nhìn vào màn hình là đã có thể xác thực - rất tiện lợi.
Ngoài ra, theo cài đặt mặc định, thông báo trên màn hình khóa sẽ chỉ hiển thị nội dung khi người dùng nhìn vào màn hình - một cách rất trực quan để bảo vệ quyền riêng tư.
Tác vụ xác thực được thực hiện một cách hoàn toàn tự động
Chính vì Face ID hoạt động quá tốt, tôi dần cảm thấy "lười" khi sử dụng cảm biến vân tay ở các máy khác, đặc biệt là khi chúng được đặt mặt lưng (vốn là xu thế của đa số máy Android hiện nay).
Thao tác cử chỉ: Android chưa thể nào sánh kịp
Với việc loại bỏ nút Home vật lý, iPhone X chuyển sang sử dụng thao tác cử chỉ. Nếu bạn đã từng sử dụng iPhone X, chắc chắn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng nó là một trải nghiệm tuyệt vời: thuận tiện, nhanh chóng và mượt mà.
Thao tác cử chỉ của iPhone X vẫn là số 1 và Android chưa thể theo kịp
Sau đó, nhiều nhà sản xuất Android đã cố gắng học tập, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một giải pháp nào có thể sánh bằng.
Giải pháp của Google trên Android 9 Pie thật sự chỉ mang tính chất tạm thời khi nó chưa thể triệt tiêu hoàn toàn phím Back và thanh điều hướng ở dưới. Xiaomi có lẽ là nhà sản xuất với cử chỉ điều hướng giống iPhone X nhất, nhưng về độ mượt mà thì vẫn chưa thể sánh bằng.
Animoji: Nghịch một lần rồi thôi
Một tính năng độc quyền trên iPhone X là Animoji. Phải nói rằng đây là một tính năng rất vui nhộn, ai khi lần đầu cầm máy cũng muốn thử - tuy nhiên sự hào hứng đó không kéo dài lâu. Phần lớn những người dùng iPhone X mà tôi biết chỉ thử trải nghiệm Animoji lúc mới mua máy, sau đó lập tức quên nó đi và chẳng bao giờ sử dụng nữa.
Thực tế đây cũng là một điều dễ hiểu - Animoji chỉ có thể được kích hoạt bên trong ứng dụng Tin nhắn, khá rườm rà và không thật sự trực quan. Nếu Animoji được tách ra thành một ứng dụng riêng, cho phép người dùng dễ dàng lưu trữ video để chia sẻ với bạn bè qua các dịch vụ khác bên cạnh iMessage, có lẽ người dùng sẽ quan tâm nhiều đến nó hơn.
Camera: Không phải là số 1, nhưng vẫn thuộc hàng top
Vài năm trở lại đây, iPhone dần mất ưu thế về chụp ảnh của mình vào tay các đối thủ. Năm nay, điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi hàng loạt mẫu máy như Huawei P20 Pro, Samsung Galaxy S9/Note9 đều tỏ ra lấn lướt, đặc biệt là về khả năng chụp tối.
iPhone X không phải là camera phone tốt nhất, tuy nhiên vẫn thuộc hàng đứng đầu
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa iPhone X là một chiếc máy chụp tệ. Thực tế, nó vẫn là chiếc camera phone xuất sắc và dễ dàng nằm trong top 5 hiện nay.
Một trong những điều tôi cảm thấy hài lòng nhất ở camera iPhone X là khả năng chụp ảnh xóa phông. So với iPhone 7 Plus - thế hệ iPhone đầu tiên với tính năng này, iPhone X chỉ sau 1 năm nhưng đã có thể xóa phông tốt hơn rất nhiều, từ khả năng tách biệt chủ thể/phông nền, màu sắc, chất lượng bokeh, tốc độ chụp và cả khả năng xóa phông trong điều kiện thiếu sáng.
Điều này nhờ sự giúp ích không chỉ bởi phần cứng (camera tele của iPhone X có khẩu độ f/2.4 lớn hơn và hỗ trợ OIS), mà còn nhờ sự hỗ trợ từ khả năng machine learning của Neural Engine bên trong A11 Bionic).
Chế độ chụp ảnh xóa phông trên iPhone X hoạt động hiệu quả không chỉ với con người mà là cả động vật và đồ vật
Mức độ giữ giá sau 1 năm: Smartphone cao cấp giữ giá hiện nay
Sau những ngày đầu loạn giá, iPhone X về đúng giá trị của nó là khoảng 25 triệu đồng cho bản 64GB và 30 triệu đồng cho bản 256GB khoảng 2 tháng sau đó. Tính đến nay, mặc dù iPhone XS đã ra mắt, iPhone X trên thị trường máy mới vẫn nằm trong khoảng 22-24 triệu. Còn trên thị trường máy cũ, con số này nằm trong khoảng 18-21 triệu.
Mặc dù có giá cao ở thời điểm bán ra, tuy nhiên iPhone X vẫn là smartphone cao cấp có mức độ giữ giá tốt nhất. Đối thủ chính của Apple là Samsung cũng tung ra vài mẫu máy "ngàn đô" tại Việt Nam là Galaxy Note8, Galaxy S9+ và mới đây là Galaxy Note9, tuy nhiên giá trị của nó nhanh chóng giảm.
Ra mặt cùng thời với iPhone X, nhưng Galaxy Note8 giờ đây chỉ có giá 15 triệu đồng cho máy mới và khoảng 11 triệu đồng cho máy cũ.
Liệu tôi có nâng cấp lên iPhone XS năm nay?
Apple vừa ra mắt iPhone XS mới, tuy nhiên tôi cảm thấy không thật sự ấn tượng với những nâng cấp của chiếc máy này. Những yếu tố như chuẩn chống nước IP68 tốt hơn, chip mạnh hơn, camera đẹp hơn hay pin lâu hơn đều tốt, tuy nhiên từng đó theo tôi là không đáng để bỏ ra số tiền lớn để lên đời.
Nếu như bạn chưa thỏa mãn với kích thước màn hình của iPhone X, thì bạn nên cân nhắc nâng cấp lên iPhone XS Max
Mặc dù vậy, có hai đối tượng người dùng có lẽ sẽ cảm thấy hứng thú với iPhone XS. Đầu tiên, đó là những người chưa hài lòng với kích thước nhỏ của iPhone X và muốn có một màn hình lớn hơn.
Chắc chắn, iPhone XS Max lần này với màn hình 6.5 inch sẽ không để bạn phải thất vọng. Thứ hai, đó là những người sử dụng 2 SIM - việc không còn phải mang theo hai chiếc máy theo người cũng sẽ đem lại sự tiện lợi cho họ và có thể coi là một "nâng cấp" lớn.
Số tiền 1000 USD có xứng đáng?
Vào thời điểm iPhone X ra mắt, đã có rất nhiều người phân vân lựa chọn giữa chiếc máy này và iPhone 8/8 Plus.
Xét về mặt tính năng, người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn iPhone 8/8 Plus khi nó được trang bị chẳng kém iPhone X là mấy mà lại rẻ hơn.
Đối với những người dùng không quan tâm đến những yếu tố của iPhone X, việc lựa chọn iPhone 8/8 Plus là hoàn toàn hợp lý.
Thế nhưng đối với tôi, mặc dù phải bỏ ra một số tiền lớn cho iPhone X, tôi không hề cảm thấy hối hận khi đã lựa chọn chiếc máy này.
Lý do đơn giản thôi: nếu như bạn quan tâm một chút đến công nghệ và đã phát ngán với những thế hệ iPhone trước, thì mức chênh lệch mà bạn phải trả để có được sự mới mẻ của iPhone X (màn hình OLED tràn viền, Face ID, thao tác cử chỉ...) là hoàn toàn xứng đáng.
iPhone X là bước nhảy vọt của Apple trong lĩnh vực smartphone. Chính vì vậy, tôi không cảm thấy hối hận khi bỏ ra một số tiền lớn cho chiếc máy này.
Sự "xứng đáng" này càng trở nên rõ ràng khi mọi mẫu điện thoại thời nay, kể cả thuộc phân khúc tầm trung, đều đã chuyển sang lối thiết kế tràn viền mới và khiến cho những chiếc máy như iPhone 8 trở nên thật sự lỗi thời.
Nếu như người dùng iPhone X hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng chiếc máy của mình trong một khoảng thời gian dài nữa mà không cảm thấy "lạc lõng", thì đối với người dùng iPhone 8, có lẽ họ đang cảm thấy "nóng mắt" và muốn lên đời lắm rồi đấy!