Đánh chặn tên lửa đạn đạo và mối họa nhãn tiền THAAD treo lơ lửng trên đầu Hàn Quốc

Đại tá Phan Văn Từ |

Tưởng tượng có người cầm đá ném sang nhà mình, ta mang súng ra bắn đá thì khả năng trúng có cao không? Việc đánh chặn tên lửa đạn đạo cũng tương tự nhưng độ phức tạp cao hơn nhiều.

Tên lửa đạn đạo được phóng cũng giống như hòn đá được ném lên, chúng đều có chung dạng quỹ đạo như quỹ đạo của viên đạn được bắn lên, vì vậy mới gọi là tên lửa đạn đạo.

Quỹ đạo tên lửa đạn đạo có thể chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là giai đoạn bay tích cực khi chuyển động của tên lửa do động cơ phóng cấp năng lượng. Ở giai đoạn này, tên lửa có thể còn được điều khiển để bay hướng về mục tiêu.

Đánh chặn tên lửa đạn đạo và mối họa nhãn tiền THAAD treo lơ lửng trên đầu Hàn Quốc - Ảnh 1.

Mô phỏng cơ chế phóng tên lửa

Đây cũng là lúc tên lửa còn đầy đủ thành phần nên có thể trở thành mục tiêu dễ thấy. Nhưng vì địa điểm phóng thường được ngụy trang và nằm sâu trong lãnh thổ bên tấn công nên đối phương rất khó phát hiện.

Nếu đối phương có vệ tinh phát hiện được thì vệ tinh cũng chẳng có vũ khí để tiêu diệt tên lửa, nó chỉ có thể chỉ điểm cho đối phương biết điểm phóng để quyết định có hủy diệt điểm phóng hay không, còn tên lửa thì đã được phóng đi rồi.

Tầng khí quyển danh định được giới hạn ở độ cao 100 km. Tên lửa đạn đạo nói chung đều được phóng vượt qua tầng khí quyển. Tùy yêu cầu tầm xa, nó có thể đạt độ cao cực đại hàng trăm km, có khi đến cả nghìn km. Khi đạt độ cao cực đại thì nhiên liệu động cơ phóng cũng hết. Tầng phóng bị tách bỏ (có thể có một hoặc một vài tầng).

Bắt đầu giai đoạn bay thứ hai, giai đoạn bay thụ động bên ngoài bầu khí quyển. Lúc này tên lửa đạn đạo chỉ còn khối lượng hữu ích (đầu đạn) đang bay ở tầm rất cao với độ cao giảm dần và tốc độ tăng lên.

Khi tách tầng, tên lửa đạn đạo có thể phóng ra một vài vật thể để làm mục tiêu giả đánh lừa đối phương. Hơn nữa trên nó có thể tích hợp thiết bị vô tuyến gây nhiễu cho đối phương.

Ở giai đoạn trung gian, nếu bị đối phương phát hiện thì cũng rất khó bị tấn công vì các hệ thống phòng không mặt đất đều không đủ tầm phóng tới. Việc tác chiến ở khu vực này phải sử dụng những loại vũ khí như "chiến tranh giữa các vì sao", thí dụ vũ khí laser, plasma, neutron…mà không phải quốc gia nào cũng có.

Kết thúc giai đoạn trung gian là khi đầu đạn bay vào tầng khí quyển với tốc độ cực lớn, có khí gấp 3-4 lần tốc độ âm thanh. Đây được gọi là giai đoạn cuối. Lúc này đầu đạn đã có thể nằm trên lãnh thổ đối phương và bị radar đối phương phát hiện.

Đối phương phóng tên lửa đánh chặn gọi là đánh chặn ở tầng cao giai đoạn cuối. Thí dụ như tên lửa của hệ thống THAAD có tầm bắn dưới 200km thì về lý thuyết, nó cũng chỉ tác chiến được ở độ cao dưới 200km. Vì đầu đạn bay với tốc độ rất cao nên muốn bắt được mục tiêu thì tên lửa đánh chặn cũng phải có tốc độ rất cao và cao hơn tốc độ đầu đạn tấn công.

Đánh chặn tên lửa đạn đạo và mối họa nhãn tiền THAAD treo lơ lửng trên đầu Hàn Quốc - Ảnh 3.

Sơ đồ minh họa quá trình phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Nguồn: Business Insider/Zing.

Khi tấn công theo kiểu bắn đón thì quỹ đạo tên lửa luôn phải bẻ theo hướng đầu đạn nhưng vì tốc độ tên lửa lớn nên quả tải lái tên lửa cũng rất lớn, gây khó khăn cho điều khiển và dễ làm mất độ chính xác.

Khi đánh chặn theo kiểu bắn đuổi thì tốc độ tên lửa phải rất cao mới may đuổi kịp, nếu đuổi trượt thì tên lửa phải được hủy nhanh không sẽ bắn vào đội hình hay phạm vi bảo vệ của mình.

Trong tác chiến phòng không thông thường, khi tên lửa đánh chặn tiếp cận mục tiêu ở cự ly nhỏ hơn bán kính sát thương, nó được kích nổ và hủy diệt mục tiêu.

Còn trong trường hợp đánh chặn đầu đạn của tên lửa đạn đạo, đầu đạn tên lửa đánh chặn cần ít bị kích nổ nhất vì đầu đạn hạt nhân, nếu bị nổ, sẽ khiến bên đánh chặn cũng thiệt hại. Do đó, trong trường hợp này, tên lửa đánh chặn không được trang bị đầu nổ mà phải dùng động năng của mình phá hủy mục tiêu hay làm lệch đường bay mục tiêu.

Nói ngắn gọn là tên lửa đánh chặn phải bắn xiên táo đầu đạn. Điều này yêu cầu về độ chính xác rất cao và do đó xác suất tiêu diệt mục tiêu giảm xuống. Hiện nay, các đầu đạn lại được thiết kế kiểu đầu mẹ đẻ ra nhiều đầu con, nên việc đánh chặn gặp vô vàn khó khăn.

Đánh chặn tên lửa đạn đạo và mối họa nhãn tiền THAAD treo lơ lửng trên đầu Hàn Quốc - Ảnh 5.

Tên lửa hiện nay có thể mang nhiều đầu đạn.

Vừa qua, Hàn Quốc đã cho phép Mỹ bố trí hệ thống đánh chặn THAAD trên lãnh thổ của mình, lợi ích chưa thấy nhưng thiệt hại thì nhãn tiền.

Quý độc giả có thắc mắc hoặc phản biện về bài viết này xin vui lòng gửi ý kiến cho chúng tôi qua email: [email protected].

Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại