"Truy cùng, diệt tận" lực lượng Iran tại Syria
Cuộc tấn công do Không quân Israel (IAF) tiến hành nhằm vào các mục tiêu của Iran và Quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar Assad trên lãnh thổ Syria sáng sớm ngày 19/11 vừa qua được đánh giá là một trong những chiến dịch không kích lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Giới chức cấp cao Israel tuyên bố, 16 vị trí của lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, gồm các kho chứa vũ khí, trung tâm chỉ huy - điều khiển và các hệ thống tên lửa gần Sân bay Quốc tế Damascus cũng như một số địa bàn ở phía Nam Syria đã bị phá hủy.
Một số trận địa tên lửa phòng không của Quân đội Syria (SAA) cũng đã bị tập kích sau khi đánh chặn không thành công tên lửa phóng đi từ các máy bay chiến đấu Israel.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở London (Anh), vụ tấn công đã khiến ít nhất 23 người thiệt mạng, trong đó có 16 người bị nghi là công dân Iran.
Lãnh đạo quân sự Israel giải thích rằng, các cuộc không kích của họ là để trả đũa cho việc một đơn vị vũ trang Iran đã phóng 4 quả rocket sang phần lãnh thổ trên Cao nguyên Golan do Tel Aviv kiểm soát trước đó nhưng đã bị hệ thống phòng không Iron Dome đánh chặn.
Tuy nhiên, lý do trên chẳng qua cũng chỉ đóng vai trò như "một lời biện hộ" bởi hành động này của Israel thực tế nằm trong một kế hoạch bài bản, rộng lớn hơn. Israel và Iran cùng với lực lượng ủy nhiệm Hezbollah từ lâu đã tham gia vào một cuộc đối đấu tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông chưa biết bao giờ mới đến hồi kết.
Tiêm kích F-35 Không quân Israel. Ảnh: IBT
Ngay từ năm 2013, Israel đã bắt đầu tấn công các mục tiêu của Iran và Hezbollah ở Syria. Đây là giai đoạn thứ nhất. Lợi dụng cuộc nội chiến hỗn loạn ở Syria, các máy bay chiến đấu Không quân Israel đã tổ chức tổng cộng hơn 800 cuộc tập kích kể từ thời điểm đó cho tới nay.
Mục tiêu chính của Israel là phá hủy các tên lửa đất đối đất và đất đối không do Iran chế tạo và vận chuyển cho phong trào vũ trang Hezbollah ở Lebanon cũng như ngăn chặn Tehran chi viện các thiết bị quân sự tinh vi nhằm giúp Hezbollah nâng cao độ tấn công chính xác của các tên lửa do chính tổ chức này phát triển.
Các vụ không kích của Israel diễn ra tương đối dễ dàng bởi khi đó Quân đội Syria quá yếu và đang trên bờ vực sụp đổ. Hezbollah và Iran thì bận mải cứu giúp chính quyền của Tổng thống Bashar Assad còn Nga vẫn chưa quyết định can dự vào cuộc khủng hoảng tại đây.
Lợi dụng bối cảnh đó, Israel đã âm thầm thực hiện kế hoạch của mình, không phô trương cũng không tuyên truyền ầm ỉ. Quân đội Israel gần như không bao giờ lên tiếng phủ nhận hoặc thừa nhận các chiến dịch không kích mà họ bị cáo buộc đứng đằng sau.
Tuy nhiên, đến năm 2015 khi Nga can dự vào Syria thì cuộc chơi đã thay đổi và đây được coi là giai đoạn thứ hai trong cuộc đối đầu Israel - Iran. Quân đội Nga đã chuyển tới Syria hàng ngàn binh lính cùng các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu chiến, hệ thống tác chiến điện tử, rocket, tên lửa và cả các tổ hợp phòng không tiên tiến nhất - S-400.
Chiến đấu cơ Israel phóng tên lửa Rampage. Ảnh: IAI
Chính vào thời điểm này, khi Syria đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, Iran đã rất nhanh chóng nắm bắt thời cơ củng cố thế trận để gia tăng ảnh hưởng nhằm chuẩn bị trước cho cuộc đối đầu với Israel.
Với cánh tay quân sự nối dài là lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), Tehran đã đẩy mạnh kế hoạch xây dựng tuyến hành lang trên bộ kéo dài từ Iran, qua Iraq tới Syria và Lebanon.
Iran đã thiết lập tại Syria các trận địa tên lửa, pháo phòng không, máy bay không người lái, hệ thống thu thập thông tin tình báo trên đất Syria. Cùng với đó, nước này cũng xây dựng các căn cứ để tiếp nhận hàng chục nghìn tay súng theo dòng Hồi giáo Shi’ite dưới sự chỉ huy của tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds.
Mục tiêu của Iran từ trước đến nay vẫn là thách thức và tìm cách đánh bại Israel qua việc thành lập một mặt trận thứ hai bên cạnh Hezbollah ở Lebanon, và sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh toàn diện chống Israel nếu cần thiết.
Tuy nhiên, kế hoạch này của Iran không dễ dàng thực hiện trước quyết tâm và sức mạnh của Israel. Lãnh đạo quân sự Israel và lực lượng tình báo Mossad chưa khi nào tỏ ra nao núng và liên tục tấn công vào các căn cứ, địa điểm cất giấu vũ khí của Iran, thậm chí còn công khai nhận trách nhiệm trong những cuộc không kích gần đây.
Quân đội Israel không chỉ phát động các cuộc tập kích vào mục tiêu của Iran ở Syria mà còn mở rộng sang cả Iraq và Lebanon.
S-300, S-400 Nga có mặt vẫn cứ đánh!
Truy lùng và hủy diệt các lực lượng do Iran bảo trợ tại Syria dường như đã trở thành sứ mệnh tiên quyết của Quân đội Israel (IDF), cho dù không ít lần các máy bay chiến đấu Không quân IDF phải phóng tên lửa "cắt mặt" các hệ thống S-300 và S-400 được Nga triển khai tại Syria.
Tháng 10/2018, Nga đã hoàn tất việc chuyển giao tên lửa S-300 cho Quân đội Syria sau thảm kịch chiếc máy bay trinh sát IL-20 của họ cùng 15 thành viên phi hành đoàn trên khoang bị chính tên lửa phòng không Syria bắn hạ khi truy đuổi một máy bay chiến đấu F-16 Không quân Israel tấn công trước đó.
Mặc dù vậy, bất chấp động thái này của Nga, không ít lần các quan chức cấp cao Israel gồm cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng tuyên bố, Tel Aviv không ngần ngại hủy diệt cả S-300 nếu các máy bay chiến đấu của Israel bị tên lửa S-300 đánh chặn.
S-300 đã không phát huy được hiệu quả ở Syria. Ảnh: Avia.pro
Diễn biến thực tế tại Syria đã chứng minh điều này: Trong vụ tấn công vào một loạt mục tiêu ở các khu vực gần Thủ đô Damascus và tỉnh Homs ngày 1/7/2019, máy bay Israel đã không kích ngay "trước mũi" của S-300.
Đặc biệt, sự việc diễn ra chỉ vài tiếng sau khi Công ty ảnh vệ tinh ImageSat International cho công bố những bức ảnh mới nhất về việc tất cả 4 bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga chế tạo đã đi vào trực chiến ở gần Masyaf, địa bàn không cách xa vụ tấn công là mấy.
Radar của S-300 tại Syria có tầm phát hiện vài trăm km còn tên lửa thì được cho là có thể đánh chặn các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200 km.
Địa bàn Masyaf nơi hệ thống S-300 được triển khai chỉ cách khu vực bị Israel tấn công hôm 1/7 vài chục km, nghĩa là vụ không kích diễn ra ngay trong tầm bảo vệ của S-300.
Tại Iran, tháng 5/2019, Tư lệnh lực lượng không quân Iran, Thiếu tướng Farzad Ismaili, đã bị nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei sa thải khi ông này thừa nhận đã che giấu hành động xâm phạm không phận Iran của các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Israel trước đó.
Mạng lưới phòng không của Iran, trong đó có cả tổ hợp tên lửa S-300 do Nga cung cấp đã không phát hiện được các máy bay chiến đấu của Israel từ lúc chúng xâm nhập cho tới khi rời khỏi không phận Iran.
S-400 được Nga bố trí ở địa điểm cách không xa các hệ thống S-300 của Syria. Ảnh: Observer IL
Trong vụ tấn công ngày 18/9/2019, chiến đấu cơ Không quân Israel, mà như một số cơ quan báo chí nhận định là những chiếc tiêm kích tàng hình F-35, không chỉ vượt biên giới vào Syria mà còn thâm nhập sâu vào không phận nước này hàng trăm km nằm trong tầm bảo vệ của các hệ thống S-400 Nga và S-300 của Syria.
Các hệ thống tên lửa S-300 và S-400 của Nga, những tổ hợp phòng không được coi là là tiên tiến nhất thế giới đã không phát hiện được máy bay chiến đấu của Israel bay qua Damascus.
Dù phải đối diện với một loạt thách thức trong nước nhưng Iran vẫn tỏ rõ quyết tâm tiếp tục triển khai lực lượng và vũ khí tới Syria cũng như tại khu vực biên giới Iraq-Syria để sẵn sàng đáp trả Israel.
Trong khi đó, chưa biết Bộ trưởng Quốc phòng mới của Israel Naftali Bennett sẽ tiếp nhận chức vụ này trong bao lâu nhưng ông đã đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn nữa với Iran.
Cuộc đối đầu giữa Israel và Iran hiện nay được cho là đã bước sang giai đoạn thứ 3 và cũng sẽ là giai đoạn nguy hiểm nhất khi cả hai bên chưa hề có dấu hiệu lùi bước. Kịch bản tấn công các mục tiêu của Iran trên lãnh thổ Syria nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục tiếp diễn, kể cả khi chúng nằm trong tầm bao quát của các hệ thống tên lửa S-300, S-400 mà Nga triển khai tại đây.
Máy bay chiến đấu F-16 Không quân Israel phóng tên lửa