Vừa qua, tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Tuấn Ngọc đã chia sẻ đôi điều về sự nghiệp và gia đình của mình.
Tôi cô đơn lẻ loi nên mới hát cùng Hoàng Oanh
Tôi sinh ra ở Đà Lạt, tới năm 1953 thì vào Sài Gòn. Bố tôi là nhạc sĩ Lữ Liên nhưng mẹ tôi chỉ ở nhà nội trợ bình thường.
Tuấn Ngọc
Tuy vậy, nhưng mẹ tôi rất thích con cái của mình trở thành ca sĩ, nghệ sĩ, nên mới ra chỉ thị cho bố tôi phải dạy các con thành ca sĩ. Tôi rất may mắn khi được đi hát và tới tận tuổi này vẫn còn hát.
Tôi đi theo tân nhạc từ hồi nhỏ. Lớn lên, tôi hát nhạc Mỹ. Vào cuối thập niên 50, nhạc Mỹ du nhập vào Việt Nam nên tôi bỏ nhạc Việt chuyển sang hát nhạc Mỹ. Hồi đó, tôi học tiếng Pháp trước rồi chuyển sang tiếng Anh.
Thế nhưng, lúc ấy cứ thích là hát thôi, không biết tiếng thì đánh vần sang tiếng Việt rồi hát, chứ chẳng cần biết ngoại ngữ.
Tôi mê nhiều nghệ sĩ ngoại quốc lắm, mỗi người đều có cái hay riêng. Tôi nghe mọi ca sĩ và học được nhiều cái từ họ.
Hồi bé, tôi hay hát chung với Hoàng Oanh vì cùng tập trong band với nhau nên được xếp chung song ca.
Tuấn Ngọc thời trẻ
Thực ra ban đầu tôi hát chung với chị gái mình là Bích Chiêu. Sau này chị ấy lớn nên đi hát phòng trà, tôi cô đơn lẻ loi nên mới nhảy sang hát cùng Hoàng Oanh.
Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu đi hát chuyên nghiệp bằng cách gia nhập vào ban nhạc Blackcap. Thời này, tôi hay hát lại nhạc của The Beatles.
Tôi hát nhạc Việt dở lắm, tới mức Lệ Thu còn bảo tôi là "ông Tây hát tiếng Việt"
Lớn hơn một chút, tôi chuyển sang hát nhạc vũ trường. Năm 1966, tôi lập ban nhạc The Top Five.
Tới năm 1969 thì chuyển sang ban nhạc The Strawberry Four. Cứ bài nhạc ngoại nào nổi tiếng thì tôi hát.
Tới năm 1984, tôi chuyển sang Hawaii để hợp tác với một số ban nhạc ngoại quốc ở đây, đi hát cho nhiều câu lạc bộ, khách sạn.
Tuấn Ngọc hát cùng ban nhạc
Sau 5 năm, trung tâm băng đĩa Diễm Xưa mời tôi thu âm cuốn băng Lời gọi chân mây, gồm những bài nhạc Việt xưa, rồi thu thêm băng Tứ Quý. Lúc này tôi hát nhạc Việt dở lắm, tới mức Lệ Thu còn bảo tôi là "ông Tây hát tiếng Việt".
Nhờ một lời chê đó của Lệ Thu mà tôi phải học lại cách phát âm tiếng Việt sao cho hay hơn.
Tôi biết khá nhiều về nhạc Phạm Duy từ khi kết hôn với Thái Thảo
Tiếp đến, năm 1991, tôi được nhạc sĩ Duy Cường (con trai nhạc sĩ Phạm Duy) mời hợp tác. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng chính là bố vợ tôi.
Tuấn Ngọc và vợ
Về nhạc sĩ Phạm Duy, tôi không cần phải nói nhiều. Với tôi, ông là người nhạc sĩ vĩ đại nhất trong thời đại này.
Tôi biết khá nhiều về nhạc Phạm Duy từ khi kết hôn với Thái Thảo, bước chân vào gia đình ông. Ông là người ít nói nên lâu lâu tôi mới được nói chuyện với ông.
Thái Thảo vợ tôi trước đó là ca sĩ, nhưng bây giờ không hát nữa vì nhường tôi hát, còn cô ấy ở nhà trông nom gia đình. Hai người cùng đi hát thì dễ đụng chạm.
Trong số anh em tôi, ngoài Khánh Hà, Lưu Bích, Bích Chiêu còn có Anh Tú. Ở nhà tôi, các anh em đều ảnh hưởng, dạy dỗ lẫn nhau nhưng lại đi theo con đường của riêng mình.
Tuấn Ngọc và các anh chị em
Tôi và Anh Tú là hai phong cách khác nhau hoàn toàn. Cậu ấy thích hát nhạc Pháp và nhạc trẻ Việt Nam.
Hồi xưa, anh em tôi thường hát với nhau mỗi đêm, vui lắm, không gì vui bằng hát với gia đình mình.