Danh ca Thanh Lan được biết đến là một trong những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam, với nhiều cống hiến lớn, được đông đảo công chúng ngưỡng mộ. Sự nghiệp của cô đã trải dài gần 60 năm, ở cả âm nhạc, kịch nói và điện ảnh.
Mới đây, tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Thanh Lan đã chia sẻ lại những chặng đường trong sự nghiệp của mình.
Ở Sài Gòn ngày đó mọi người hay ngủ trưa, chỉ mình tôi không ngủ, cứ ngồi mở đĩa nhạc lên nghe
Năm 9 tuổi, tôi theo học tại một trường Pháp, là trường Saint Paul. Ở đó, có một thầy giáo người Pháp đã dạy nhạc cho tôi đầu tiên.
Danh ca Thanh Lan
Sau đó, tôi chuyển qua một số trường học khác và tiếp tục được học nhạc ở vợ chồng nhạc sĩ Thẩm Oánh. Chính vợ của nhạc sĩ Thẩm Oánh đã dạy tôi hát, đàn piano. Được một năm thì tôi chuyển sang học ở nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi.
Thầy Nghiêm Phú Phi rất thương tôi, từ thưở tôi mười mấy tuổi tới tận lúc thầy mất. Cứ mỗi lần gặp tôi thầy đều mừng rỡ. Trước đây, thầy từng bảo tôi sang trung tâm của thầy dạy nhạc. Tôi còn do dự chưa kịp nhận lời thì thầy đã qua đời. Tôi buồn lắm.
Rất may, trong những năm cuối đời, tôi có dịp gỡ thầy nhiều và được thầy truyền đạt nhiều kinh nghiệm đàn hát. Tôi rất nhớ ơn thầy.
Hồi nhỏ, tôi rất mê âm nhạc. Ở Sài Gòn ngày đó mọi người hay ngủ trưa, chỉ mình tôi không ngủ, cứ ngồi mở đĩa nhạc lên nghe. Hết mở đĩa, tôi lại mở radio lên nghe các chị ca sĩ trước mình như Thái Thanh… Tôi nghe mê mẩn lắm.
Từ bé, tôi đã lên hát solo nguyên một ca khúc trên đài phát thanh Sài Gòn
Vào một chiều chủ nhật, tôi mở radio lên, tự nhiên thấy một chương trình toàn con nít giống mình, lại có cả khoa học, lịch sử, địa lý… Tôi mê chương trình này quá nên mới bảo mẹ cho tôi vào.
Mẹ tôi thấy thế mới nhờ nhạc sĩ Nguyễn Phú Phi bảo ông Nguyễn Đức (trưởng ban Việt nhi của đài phát thanh Sài Gòn) cho tôi vào hát.
Thầy Nguyễn Phú Phi liền viết giấy gửi ông Nguyễn Đức, nhờ ông ấy cho tôi vào. Mấy chục năm sau tôi sang Canada thăm ông Nguyễn Đức, ông ấy vẫn nhắc lại chuyện này.
Chiều chủ nhật tuần sau, tôi và mẹ đến tận nhà ông Nguyễn Đức. Tại đó, tôi hát thử bài Vui đời nghệ sĩ của nhạc sĩ Văn Phụng nghe.
Ông Nguyễn Đức thấy hay quá nên cho tôi lên hát solo nguyên ca khúc đó trên đài phát thanh Sài Gòn. Đây là vinh dự lớn mà không phải đứa trẻ nào ở tuổi đó cũng có được.
Tối hôm đó, cả nhà tôi cùng ngồi mở radio lên nghe. Bố tôi nghe xong bảo mẹ "nó hát cũng được đấy". Từ đó, tôi tự tin hơn vì làm được việc, chứ không đến nỗi hát bậy bạ không ai nghe.
Năm ấy là khoảng 1962. Tôi lấy đó làm cột mốc đánh dấu thời gian vào nghề của mình. Sau đấy tôi bận việc học quá nên không đi hát được. Tính từ thời đó tới giờ cũng đã gần 60 năm ca hát của tôi rồi.
Có người bảo tôi, họ sang Mỹ chẳng mang gì theo, chỉ mang mỗi cuốn băng Thanh Lan
Thời học trung học, tôi có tham gia vào ban nhạc của anh Lê Hựu Hà (nhạc sĩ nổi tiếng). Các anh ấy hát nhạc Mỹ, nhưng tôi lại chỉ hát nhạc Pháp (vì học trường Pháp), nên hát được có vài bài.
Có lần đi hát cho khách nước ngoài, người ta yêu cầu hát Bang Bang tiếng Anh thì tôi lại hát tiếng Pháp. Ai ngờ đâu hát xong, tôi được vỗ tay quá trời.
Hồi ấy tôi hát chơi thôi, sau này nhạc sĩ Phạm Duy có viết lời Việt cho bài Bang Bang này (đặt tên Khi xưa ta bé), nên mời tôi thu âm. Tôi thu xong bán chạy khắp miền Nam, ai cũng nghe. Thế là tên tuổi tôi gắn liền với bài hát này.
Kể từ đó, tôi được lên tivi, được mời đi thu băng nhiều và nổi tiếng, được mọi người yêu mến. Đây thực sự là may mắn của tôi. Đến giờ, tôi vẫn nhớ ảnh bìa băng Bang Bang được chụp ngay trước cửa nhà tôi.
Lúc tôi qua Mỹ, nhiều khán giả nói với tôi những câu rất cảm động. Có người bảo tôi, họ sang Mỹ chẳng mang gì theo, chỉ mang mỗi cuốn băng Thanh Lan. Tôi nghe mà nức nở trong lòng.
Được hát tại cuộc thi âm nhạc lớn của thế giới và được hãng đĩa Nhật mời thu âm
Trong cuộc đời tôi, chính khán giả là người làm tôi cảm động nhiều nhất. Họ chia sẻ với tôi mọi niềm vui, nỗi buồn. Mỗi lần bước lên sân khấu, tôi hát cho tác giả, khán giả nhưng cũng hát cho nỗi niềm của chính tôi.
Nhắc đến nỗi niềm, tôi vẫn nhớ mãi ca khúc Tuổi biết buồn do Phạm Duy và Ngọc Chánh hợp soạn.
Ban đầu thu ca khúc này, tôi chỉ thu hết lòng hết dạ thôi. Ai ngờ anh Ngọc Chánh lại gửi qua Nhật dự thi Festival Yamaha. Cuộc thi này rất lớn, ở tầm cỡ thế giới, với hơn 100 nước tham dự và tuyển chọn rất khắt khe.
Họ phải nghe kĩ bản thu của mình, xem giọng mình như thế nào, có xứng đáng để hát trong chương trình Pop toàn cầu không.
Cuối cùng, tôi được chọn hát tại đêm chung kết, cùng nhiều ca sĩ trên thế giới. Sau buổi trình diễn đó, tôi được một hãng thu âm Nhật mời thu âm hai bài tiếng Nhật liền. Đây cũng là một vinh dự hiếm có mà tôi đạt được.
Không chỉ hát mà còn diễn kịch, đóng phim, làm phát thanh viên
Sau thời gian học trung học, tôi chuyển lên trường Văn khoa và học về văn chương Âu Mỹ. Nhờ đó nên sau này sang Mỹ sinh sống, tôi không bị bỡ ngỡ. Học cùng trường với tôi có chị Hoàng Oanh, anh Đức Huy, ông Từ Công Phụng và nhiều người nữa.
Ngoài ca hát, thời trẻ tôi có thu thêm vài vở thoại kịch ở đài phát thanh Sài Gòn. Sau này sang hải ngoại, tôi cũng diễn trên sân khấu một số vở kịch, nhưng ít được ghi hình lại. Hồi đó, tôi hay đóng chung với anh Lê Tuấn các vở kịch của soạn giả Vũ Đức Duy, đóng cả bi lẫn hài.
Không chỉ diễn kịch, tôi còn làm phát thanh viên đọc phát thanh các bản tin sáng sớm bằng tiếng Pháp.
Từ việc đi hát, diễn kịch trên truyền hình, các đạo diễn mới nhận ra tố chất của tôi rồi mời tôi đi đóng phim điện ảnh. Phim đầu tiên tôi đóng là Tiếng hát học trò.