Ngày 23/7, chương trình Ký ức ngọt ngào đã lên sóng với sự tham gia của hai nghệ sĩ gạo cội trong dòng nhạc xưa là danh ca Phương Dung và ca sĩ Ánh Tuyết.
Mở đầu chương trình, danh ca Phương Dung giải thích về biệt danh "Nhạn trắng Gò Công" của mình. Bà nói:
"Năm 1961, nhạc sĩ Mạnh Phát viết bài Nỗi buồn gác trọ và giao cho tôi. Lúc đó, tôi còn trẻ lắm, mới 15 tuổi, còn là học trò, không có tiền cũng không biết diện thế nào, thành ra ngoài tà áo dài trắng cũng chẳng có đồ gì mặc.
Kim Tử Long và Phương Dung
Thi sĩ Kiên Giang Hạ Huy Hà khi thấy tôi mặc áo dài trắng hát đã viết một bài báo về tôi rồi tặng cho tôi biệt danh "Nhạn trắng Gò Công". Kể từ đó, tôi đi đâu cũng được mọi người gọi như vậy.
Trước Nỗi buồn gác trọ thì ca khúc Đường về khuya mới là cột mốc đầu tiên đưa tôi đến với khán giả. Nỗi buồn gác trọ tuy không mang đến nhiều cát xê nhưng để lại trong tôi một ký ức hết sức ngọt ngào.
Nhạc sĩ Huỳnh Anh và nhạc sĩ Mạnh Phát đã dày công, thương mến tôi. Bài hát nào của 2 người nhạc sĩ đó đưa ra đều dạy cho tôi, khiến tôi mang ơn đến tận bây giờ. Gia tài lớn nhất của tôi chính là cái tên "Nhạn trắng Gò Công".
Ở tuổi 79, danh ca Phương Dung tâm sự thêm: "8 người con đều không muốn tôi đi hát. Nhưng thi thoảng tôi vẫn phải đi hát không thì nhớ nghề lắm.
Tôi yêu cái người tình âm nhạc từ lúc 5 tuổi và không bỏ người này được. Tôi có nói với con: Mẹ đi hát bây giờ cát xê không quan trọng mà mẹ muốn gặp lại những khuôn mặt thân thương. Mẹ cũng muốn khi nhắm mắt xuôi tay, phải có một truyền nhân xứng đáng cho mình".
NSƯT Kim Tử Long nghe xong liền nhận định: "Giọng hát của danh ca Phương Dung không hề trùng lặp với bất cứ người nào, cô là một nghệ sĩ chỉn chu ngay cả trong cách giới thiệu ca khúc".
Ca sĩ Ánh Tuyết cũng đồng tình: "Có thể nói, những nghệ sĩ thời của chị Phương Dung về trước chỉ cần cất giọng lên thì mọi người có thể nhận ra ngay đó là ai, đặc biệt từ cái âm sắc cũng như phong thái riêng có".
Về phần ca sĩ Ánh Tuyết, cô được Kim Tử Long khen ngợi là một giọng ca cao vút đến đặc biệt. Anh nói "Bài Ô mê ly của chị Ánh Tuyết không phải ai cũng có thể hát được, tôi từng suýt cắn trúng lưỡi khi hát thử nó trong một gameshow. Theo tôi, chỉ những người có giọng ca trời phú giống Ánh Tuyết mới thể hiện được những nốt cao nhất trong Ô mê ly".
Khi được hỏi về đam mê ca hát, Ánh Tuyết tâm sự: "Từ nhỏ tôi đã mê hát vì cả gia đình tôi đều đam mê âm nhạc.
Ba tôi ngày xưa dạy học thôi nhưng đến giờ giải lao lại dạy hát cho tất cả mọi người. Lúc đó, tôi 3 tuổi, mỗi lần thấy ông dạy hát đều chạy từ ngoài vườn vào xem, cứ đứng nhép miệng theo. Bài hát đầu tiên biết trong cuộc đời tôi thuộc là Những đồi hoa sim nhưng hát lời 2 chứ không phải lời 1. Đến mãi những năm sau này, tôi nghe nhiều thế hệ ca sĩ đi trước hát nên mê nhạc xưa.
Ánh Tuyết
Nhà tôi ngày đó bán cơm nên mở nhạc cả ngày cho mọi người nghe, nghệ sĩ nào hát tôi cũng nghe. Tôi khi ấy trẻ con, không nhận thức được nên bắt chước người ta mà hát theo, ai cũng bảo giống. Tôi nhái hết giọng người nọ sang giọng người kia, đặc biệt, rất thích nhái giọng cô Thái Thanh.
Giọng hát của tôi âm vực rộng, thuận lợi để hát cao nên khi hát cứ thích cao lên. Tôi rất thích bài Ô mê ly vì nó vui tươi, sinh động và yêu đời, chan hòa cuộc sống. Ban đầu tôi hát chơi thôi, nhưng ai ngờ lại được mời hát trên sân khấu".
Về chuyện hát giống danh ca Thái Thanh, Ánh Tuyết chia sẻ: "Tôi học người đi trước vì trong nghệ thuật có quyền thừa kế. Chúng ta thừa kế và biết mình phù hợp ở đâu để tự nâng khả năng, ưu điểm đó lên.
Thế hệ trẻ sau này cũng vậy, có thuận lợi nhìn người đi trước và biết loại bỏ những gì không phù hợp với mình. Dẫu người đi trước giỏi nhưng các em không nên thấy người ta hay mà mình bắt chước nếu nó không phù hợp với mình.
Điều đó khiến mình không bước xa hơn được mà chỉ là cái bóng. Phải học cái gì trong khả năng có thể nâng lên được. Vì thế, tôi học ở các cô chú, anh chị đi trước ở ưu điểm phù hợp với mình. Không ngừng học hỏi và nâng cao giá trị, ưu điểm bản thân chính là điều danh ca tôi muốn nhắn gửi tới thế hệ trẻ".