Tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Chế Linh đã chia sẻ đôi điều về sự nghiệp và tâm nguyện của mình.
Hát tiếng Việt khá khó khăn với tôi. Tôi phải phát âm tiếng Việt thật chuẩn xác, thì mới dám xuất hiện trước khán giả
Chế Linh là nghệ danh của tôi, còn tên thật là Jamlen, tôi vốn là người Chăm. Tên tiếng Việt của tôi là Lưu Văn Liên. Quê tôi ở tỉnh Phan Rang.
Con đường ca hát bước đầu của tôi rất suôn sẻ, không chông gai như những nghệ sĩ khác. Vừa bước vào làng văn nghệ, tôi đã gặp được anh Duy Khánh, anh Châu Kỳ, anh Trúc Phương, Mạnh Phát, Thu Hồ… Có rất nhiều ca nhạc sĩ thương mến và hỗ trợ tôi, giúp tôi có được nhiều công việc hơn. Đó là niềm hạnh phúc của tôi.
Lúc mới vào nghề, việc hát tiếng Việt khá khó khăn với tôi vì tôi vốn nói tiếng Chăm. Từ Phan Rang vào Sài Gòn, tôi không thông thạo việc nói tiếng Việt như bây giờ. Đến tận bây giờ tôi nói tiếng Việt vẫn còn cứng, huống hồ cách đây mấy chục năm.
Nhưng tôi luôn cố gắng vì văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Tôi tự đi học hỏi thêm bạn bè, đàn anh đàn chị rồi học phát âm tiếng Việt. Tôi phải làm thế nào để phát âm tiếng Việt thật chuẩn xác, thì mới dám xuất hiện trước khán giả.
Nếu chỉ đi hát chơi rồi kiếm tiền thì không nói làm gì, nhưng tôi mong được thành công và nằm trong số ca sĩ nào đấy được biết đến, nên phải ráng phấn đấu tối đa.
Tôi biết, mình là người Chăm thì xuất phát điểm sẽ thiếu nhiều thứ hơn so với anh nghệ sĩ người Việt. Về ngôn ngữ, văn hóa, tôi không được am tường nhiều. Nhưng tôi đã cố gắng nhiều để bằng được họ.
Tôi chọn hát dòng nhạc phổ thông, bình dân, không cầu kỳ
Lúc mới vào nghề, đã có nhiều đàn anh của tôi nổi tiếng rồi, nên tôi nghĩ con đường này khá khó khăn với tôi. Tôi không biết phải làm sao để chen chân giới văn nghệ. Tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Thật may mắn khi ngay từ buổi đầu, tôi đã trúng tuyển vào một đoàn văn nghệ có anh Trúc Phương, Châu Kỳ, Bằng Giang. Một thời gian sau thì đoàn văn nghệ giải thể. Tôi phải đi làm tài xế chở đá ở Bửu Long.
Lúc đó, tôi nghĩ về lại Sài Gòn là một trở ngại lớn với mình vì mình hát giống hệt người ta, mà chưa chắc hay như người ta nữa, nên khó mà nổi được. Vì thế, tôi chọn con đường khác là tự viết nhạc, tự sáng tác để hát không giống người ta.
Bài đầu tiên tôi viết là Đêm buồn tỉnh lẻ, đồng sáng tác với nhạc sĩ Bằng Giang. Tiếp đến, tôi viết Bài ca kỷ niệm. Từ đó, tôi tìm ra con đường là hát những bài gần gũi nhất với đại chúng, làm sao để họ nghe một cái hiểu luôn nội dung bài hát.
Nói cách khác, tôi chọn hát dòng nhạc phổ thông, bình dân, không cầu kỳ. Vì thế nên sau này, tôi tìm được nhiều nhạc sĩ sáng tác riêng cho mình như Thu Hồ, Trúc Phương, Mạnh Phát. Họ viết theo đúng kiểu tôi yêu cầu, đo ni đóng giày cho tôi, viết đơn giản nhất từ nhạc tới lời, không cầu kỳ.
Tới ngày hôm nay, tôi vô cùng hạnh phúc vì con đường và dòng nhạc của mình đã được đón nhận.
Tôi vái trời cho mình còn sức khỏe để về lại với quê hương
Nói đến tâm sự của người Chăm, không riêng gì tôi mà nhiều nhà thơ, nhạc sĩ khác cũng viết về nó như anh Chế Lan Viên, anh Châu Kỳ, anh Xuân Tiên. Tôi rất cám ơn những người đó. Họ đã ra đi nhưng để lại di sản lớn trong lòng quần chúng khắp nơi.
Tôi xin đa tạ những đàn anh, đàn thầy đã trang bị tôi những ca khúc để hát tới tận ngày hôm nay.
Thời gian về nước, tôi chỉ mang theo mong muốn đem tiếng hát của mình về lại quê hương, khán giả của mình, hát lại những ca khúc từng in sâu trong lòng khán giả.
Tôi vái trời cho mình còn sức khỏe để về lại với quê hương, tạ ơn quê hương, khán giả, những người đã cho tôi tên tuổi ngày hôm nay. Và tôi đã làm được điều đó.
Tôi đem hình hài, tiếng hát của mình về với quê hương, nhận được sự hưởng ứng một cách mãnh liệt. Đó là hạnh phúc vô cùng với tôi. Tôi tạ ơn trời đất đã cho tôi hoàn thành ước nguyện ấy.
Trong những lần về nước, tôi không chỉ đi hát, mà còn thực hiện được các công tác mang tính cộng đồng với làng mạc người Chăm, hỗ trợ cuộc sống cho họ. Tôi góp được chút nào hay chút ấy.
Tôi kêu gọi bạn bè, khán giả trong và ngoài nước cùng quyên góp để tu bổ di sản người Chăm. Tôi cố gắng làm những chuyện nhỏ như vậy, còn chuyện lớn đã có nhà nước lo.
Đó là quê cha đất tổ của tổ tiên, nên mình phải về. Tôi xin tổ tiên cho mình sức khỏe, để lo liệu được cho cuộc sống.