Nhiều người lo lắng khi thấy tóc khô, ròn, rụng nhiều mà không biết cách nào khắc phục. Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc , một trong những bệnh cảnh đặc biệt gây rụng tóc phải kể đến là thiếu dinh dưỡng. Vậy vì sao thiếu dinh dưỡng lại gây tóc khô và rụng, hóa giải bằng dinh dưỡng thế nào?
Thiếu dinh dưỡng gây rụng tóc, vì sao?
Mỗi sợi tóc đều tăng trưởng từ nang tóc (chân tóc), khi nang tóc bị xơ cứng và co rút lại, tóc sẽ yếu dẫn đến gãy rụng. Nếu bị rụng tóc mà không kịp thời điều trị, các nang tóc sẽ dần trở nên thoái hóa, tóc mới không thể mọc lại được trên các nang tóc xơ cứng này dẫn đến hiện tượng rụng tóc vĩnh viễn (hói đầu).
Để tóc phát triển chắc khỏe, tóc cần được hấp thu đầy đủ dưỡng chất nuôi tóc từ bên trong. Thực tế, hơn 95% dưỡng chất nuôi tóc là do máu mang lại. Vì vậy, tóc chỉ thực sự khỏe đẹp khi được nuôi dưỡng đầy đủ dưỡng chất từ các mạch máu bên trong cơ thể.
Khi tóc được nuôi dưỡng đầy đủ dưỡng chất, tóc sẽ hết rụng, hết khô gãy, chẻ ngọn, chân tóc vững chắc, sợi tóc dày, chắc khỏe, mái tóc sẽ nhanh chóng trở nên óng ả, mượt mà.
Bổ sung dưỡng chất đầy đủ ngăn ngừa chứng khô và rụng tóc
Những chất dinh dưỡng đánh bật rụng tóc
Chất đạm: thành phần chủ yếu trong cấu tạo của một sợi tóc là chất sừng keratin chiếm khoảng 70%, 30% còn lại là nước, chất béo, hydrat cacbon, vitamin và khoáng chất. Keratin là một polypeptit có cấu tạo từ các aminoacid. Để cơ thể tổng hợp được chất này một cách dễ dàng, chúng ta nên ăn các thức ăn giàu chất đạm.
Bệnh nhân rụng tóc nên chú ý đến những loại thức ăn giàu protein như: trứng, cá, sữa, thịt nạc, gan... Chúng có chứa tất cả những loại axit amin cần thiết (mà cơ thể không thể tự sản xuất ra được) và hình thành protein hoàn chỉnh.
Chất béo (omega-3): một chế độ ăn giàu omega-3 sẽ nuôi dưỡng và tăng độ ẩm cho những sợi tóc khô, dễ gãy, giúp da đầu hết khô, ngứa, và làm giảm nguy cơ mắc bệnh vẩy nến, gàu hoặc eczema. Nguồn thực phẩm giàu omega-3 nhất là một số loại quả hạch, quả óc chó, đậu nành, các loại cá trích, cá thu, cá hồi và cá ngừ.
Khoáng chất cần thiết
Sắt: sắt đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất hemoglobin, một phần của máu mang dưỡng khí cho các cơ quan và mô trong cơ thể trong đó có da đầu mà đây chính là yếu tố thúc đẩy và kích thích tóc phát triển.
Khi trong máu thiếu sắt, phần chân tóc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bị thiếu dinh dưỡng, chân tóc sẽ yếu và dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến việc tóc dễ bị rụng. Các thực phẩm giàu sắt như gan và nội tạng, cá, tôm cua, trai, hàu, thịt các loại, rau có màu xanh thẫm và các loại đỗ đậu, củ quả...
Kẽm: kẽm đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, từ việc tái tạo tế bào (tham gia tạo protein) đến cân bằng hormon và thực hiện tất cả những chức năng tác động đến sự phát triển của tóc. Có lẽ vai trò quan trọng nhất của kẽm là gắn kết các nang tóc (tạo collagen).
Khi cơ thể của bạn có hàm lượng kẽm thấp, các nang tóc sẽ yếu đi tóc kém phát triển, tóc trở nên mảnh, nhỏ, có màu vàng ố, không óng ả, và đó là nguyên nhân khiến các sợi tóc không đủ khả năng bám lại da đầu và rụng nhiều.
Kẽm còn có tác dụng định mức chuẩn tỷ lệ chất bã nhờn, chống một số chất độc, kim loại nặng, cho ta một mái tóc khỏe mạnh và sạch sẽ. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm: mầm lúa mì, thịt đỏ (thịt bò), thịt gia cầm, tôm, các loại hạt và đặc biệt là ăn nhiều hải sản (sò, hàu), gan, cá, óc, trứng...
Iốt: cần để tổng hợp hormon tuyến giáp, là một hormon cần thiết cho sự tăng trưởng các tế bào nên cũng giúp mọc tóc. Iốt có nhiều trong rong biển, cá biển hoặc nên sử dụng muối iốt thay cho muối thường trong bữa ăn hằng ngày.
Đồng: đồng tham gia vào việc tạo nên những sắc tố của tóc. Nếu cơ thể bị thiếu khoáng chất này, mái tóc của bạn sẽ bị bạc màu trước tuổi. Vi chất này có nhiều trong các loại hạt, các loại quả, bơ, chuối, tỏi, nấm, khoai tây, củ cải, đậu nành, cà chua và ngũ cốc nguyên hạt...
Vitamin không thể thiếu
Vitamin A: thường xuyên cần cho quá trình sừng hóa lớp thượng bì, hình thành chất kêratin. Nếu thiếu vitamin A trong cơ thể sẽ dẫn đến da đầu khô, chân tóc yếu, tóc dễ gãy. Vitamin A dồi dào trong trái cây màu đỏ, rau quả màu vàng, màu cam, trong gan động vật, dầu cá, trứng và sữa tươi.
Vitamin nhóm B (B2, B3, B5, B6, B9, B12) có tầm quan trọng trong việc giữ cho tóc, da đầu luôn được khỏe. Chúng tham gia vào quá trình sản xuất keratin - thành phần cấu tạo chính nên tóc đồng thời kích thích tóc mọc nhanh. Thực phẩm giàu vitamin B là ở hạt ngũ cốc, bánh mì, rau lá xanh, các loại đậu, mộng lúa mì, trong thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, cá, các sản phẩm từ sữa, đậu nành.
Vitamin H (biotin ): có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kích thích tóc mọc dày hơn và khỏe hơn. Loại thực phẩm như: gan, cá hồi, bầu dục, men bia, trứng, cá, sữa, lạc và các loại đậu, hạt hoa hướng dương, óc chó, súp lơ, cà rốt, chuối, ngũ cốc,... rất giàu vitamin này.
Vitamin C: vitamin C giúp các mạch máu trở nên dẻo dai hơn, tăng hấp thu sắt cho cơ thể, giúp tóc mọc nhanh hơn. Thiếu vitamin C, các miệng nang lông nở rộng ra và bì sừng hóa nặng làm các tóc không thể mọc lên được. Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp giải thoát các gốc tự do có thể gây hại nang tóc khiến tóc mỏng và xơ xác.
Vitamin C còn rất cần thiết cho sự sản xuất collagen. Vì vậy, hãy bổ sung thật nhiều vitamin C cho cơ thể bằng một chế độ ăn nhiều rau quả, đặc biệt là cam quýt, quả thơm (dứa), dâu tây, chanh, ớt, ổi, đu đủ, dưa hấu và các loại rau lá sẫm, chẳng hạn như cải xoăn, bắp cải hay rau bina (cải bó xôi).
Và cần chăm sóc tóc thường xuyên
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ như đã nói ở trên thì việc chăm sóc tóc thường xuyên rất quan trọng, bao gồm: gội đầu ngay khi thấy đầu không sạch, dùng dầu gội hợp với từng loại tóc, massage đầu nhẹ nhàng khi gội không nên cào mạnh; nhớ xả nước cho thật sạch khi gội; hạn chế uốn, sấy, duỗi, nhuộm tóc.