Bị điện giật là một rủi ro phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Trong một số tình huống, nhờ được can thiệp và sơ cứu kịp thời mà nạn nhân may mắn sống sót, giống như tình huống sau đây.
Bị điện giật, người đàn ông được cứu mạng nhờ sự nhanh trí của chủ nhà
Thông tin được đăng tải trên tờ The Thaiger, vụ việc mới xảy ra vào khoảng 12 rưỡi trưa ngày 8/7 vừa qua tại huyện Sattahip, tỉnh Chon Buri của Thái Lan. Hôm đó, nhà bà Sa-ngiam Kukkong, 82 tuổi đã xảy ra sự cố về điện nên bà phải nhờ một thợ điện tên là Somsak Kaerattana, 61 tuổi đến để xử lý.
Ông Somsak đã dùng thang leo lên để sửa lại sợi dây cáp lỏng lẻo gần nóc nhà khách hàng. Trong lúc làm nhiệm vụ, ông vô tình tiếp xúc với máng xối mưa làm từ kim loại dẫn điện dẫn đến bị điện giật.
Đoạn phim do camera an ninh nhà bà Sa-ngiam ghi lại cho thấy ông Somsak bị điện giật khi đang ở trên thang nên đã hét lên cầu cứu, khiến Sa-ngiam lao tới trợ giúp.
Trên đường chạy đến chỗ nạn nhân, bà Sa-ngiam đã nhìn thấy một sợi dây thừng nên nhanh chóng cầm lấy nó, quàng vào một bên chân của ông Somsak rồi từ từ kéo nạn nhân xuống. Không hề hoảng loạn, người phụ nữ cao tuổi đã rất bình tĩnh trong khi xử lý vấn đề.
Khi ông Somsak đã nằm trên mặt đất, tách khỏi nguồn điện, bà Sa-ngiam đã nhanh chóng tiến hành việc sơ cứu nhanh, bao gồm cả hô hấp nhân tạo. Trao đổi với Kênh 3, bà Sa-ngiam cho biết bà đã học được kỹ thuật cứu sống nạn nhân bị điện giật từ các video trên YouTube. Ban đầu, bà dùng dây buộc quanh mắt cá chân của Somsak và kéo nạn nhân xuống một cách an toàn.
Sau khi thực hiện sơ cứu xong cho nạn nhân, bà Sa-ngiam Kukkong đã gọi cho lực lượng cứu hộ từ Tổ chức Sawang Rojhanadham đến nhà để chở ông Somsak Kaerattana đến bệnh viện.
Khi đó, ông Somsak vẫn tỉnh táo và có thể giao tiếp với lực lượng cứu hộ. Somsak tiết lộ rằng mình được bà Sa-ngiam gọi đến để giải quyết sự cố về điện. Thật không ngờ chỉ vì một chút sơ ý mà ông đã bị điện giật.
Thái Lan: Sửa chữa đường dây rồi bị điện giật, người đàn ông sống sót nhờ sự nhanh trí của chủ nhà.
Sau khi câu chuyện được đăng tải trên MXH, nó đã thu hút gần 2 triệu lượt xem với hơn 100k lượt thích và vô số các bình luận. Rất nhiều cư dân mạng đã lên tiếng ca ngợi sự khỏe mạnh, minh mẫn và nhanh trí tuyệt vời của bà Sa-ngiam. Một số người cũng rất ấn tượng trước việc dù đã cao tuổi nhưng bà Sa-ngiam đã biết cách tận dụng nền tảng mạng xã hội và công nghệ một cách có lợi và giúp cứu sống người khác.
"Tuy đã cao tuổi nhưng bà ấy vẫn rất nhanh nhẹn. Thậm chí một số người trẻ trong tình huống trên còn chưa chắc làm được như bà ấy. Thật đáng khen ngợi", một người bình luận.
"Thật tuyệt vời, người đàn ông ấy đã rất may mắn khi có chủ nhà thông minh, dũng cảm và nhanh trí như vậy. Bà ấy đã dùng một sợi dây thừng để kéo ông ấy ra", một người nữa viết.
"Tình huống này cũng là lời cảnh báo cho các thợ điện khác. Khi sửa điện ở những ngôi nhà có lợp bằng tôn, hãy cẩn trọng để tránh bị điện giật. Hy vọng người đàn ông này sẽ sớm khỏe lại", một người nữa chia sẻ.
Trong một tin tức liên quan, hồi tháng 6 vừa qua, một nam sinh Thái Lan đã bị điện giật khi lấy nước từ một cây nước nóng lạnh tại trường học ở tỉnh Trang. Thật không may, cậu bé 14 tuổi đã thiệt mạng trong vụ việc, làm dấy lên làn sóng chỉ trích về việc cung cấp các thiết bị điện thiếu an toàn cho học sinh tại trường.
Làm gì khi phát hiện có người bị điện giật?
- Việc đầu tiên phải làm là ngắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách ngắt cầu dao điện, rút dây điện ra khỏi ổ cắm,…
- Nếu nạn nhân bị điện giật bởi nguồn điện cao thế thì tuyệt đối không được đến gần, nên đứng xa ít nhất 6m cho đến khi nguồn điện được tắt. Nếu nóng vội, lao vào cứu người thì bạn có thể bị luồng điện phóng vào cơ thể.
- Cố gắng bình tĩnh khi thấy người bị điện giật, bất kỳ hành động sai nào cũng có thể đe dọa đến tính mạng nạn nhân và của bạn.
- Để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, bạn không sử dụng vật truyền dẫn điện (kim loại, ẩm ướt, dính nước) vì những dụng cụ này dẫn điện khiến bạn có thể bị điện giật.
- Trường hợp nạn nhân bị giật điện trên cao sẽ rất khó xử lý và nguy cơ chấn thương cao, cần có đầy đủ dụng cụ cần thiết để đưa nạn nhân xuống. Nếu không có đồ bảo hộ đầy đủ, bạn không nên tự ý leo lên cứu người. Việc gọi cho công ty điện lực nhờ hỗ trợ là việc rất cần thiết trong lúc này.
- Khi tách được nạn nhân ra khỏi nguồn điện, nên đặt nằm xuống nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh vào những vật cứng. Bởi khi vội vã cứu người, tâm lý lo lắng sẽ khiến bạn gấp gáp, có thể lỡ tay đặt mạnh nạn nhân xuống, gây ra chấn thương nghiêm trọng. Hãy cẩn thận khi dìu hoặc bế nạn nhân, tìm một nơi khô ráo, sạch sẽ để đặt nạn nhân xuống.
- Gọi cấp cứu ngay mà không cần biết mức độ tổn thương của nạn nhân là nặng hay nhẹ, bởi việc đảm bảo cấp cứu kịp thời và đúng cách là sự lựa chọn tốt nhất so với việc tùy tiện sơ cứu.