"Thiên hạ đệ nhất làng" Trung Quốc vướng nợ
Hoa Tây được ví như bức tranh thu nhỏ thể hiện tình trạng vận hành của chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc hiện nay - Nikkei cho hay.
Làng Hoa Tây, thuộc tỉnh Giang Tô, nằm cách Thượng Hải hai giờ lái xe về hướng tây bắc.
Bí thư đảng ủy quá cố Ngô Nhân Bảo (1928-2013), chủ tịch tập đoàn Hoa Tây, được xem là người tạo nên sự đổi thay kỳ diệu của ngôi làng, với nỗi lực xây dựng và phát triển khai khoáng, luyện kim cùng nhiều hạ tầng ngành nghề khác trong giai đoạn Trung Quốc bước vào cuộc cải cách mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Cư dân Hoa Tây có thể sống thoải mái nhờ cổ tức từ các doanh nghiệp bản địa, và mỗi hộ gia đình được cấp biệt thự cùng xe sang miễn phí, trong khi mỗi người dân được cho là có ít nhất 140.000 USD gửi ở ngân hàng.
"Thiên hạ đệ nhất làng" của Trung Quốc còn có trực thăng riêng phục vụ cư dân. Người dân Hoa Tây được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục... hoàn toàn miễn phí.
Khách sạn siêu sang Long Hy cao 300m tọa lạc ở trung tâm làng, với điểm nhấn là tượng trâu vàng nặng 1 tấn có giá trị ước tính 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 43.5 triệu USD).
Nguồn thu của Hoa Tây còn đến từ hoạt động du lịch khi lượng du khách đổ về chứng kiến sự thịnh vượng của nó ngày một lớn.
Một trong nhiều hình ảnh thể hiện sự sầm uất của làng Hoa Tây - "Thiên hạ đệ nhất làng" Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Theo Nikkei, dự đoán về những rắc rối tài chính của biểu tượng thịnh vượng số 1 Trung Quốc bắt đầu nổi lên vào năm 2017, khi doanh nghiệp chủ chốt của Hoa Tây (tập đoàn Hoa Tây) bị cho là vướng khoản nợ tới 40 tỉ tệ (hơn 5.8 tỉ USD).
Nhiều lời phàn nàn đến từ dân làng khi chỉ những cư dân dài hạn mới được nhận nhà và cổ tức, trong khi nhóm dân mới tới cho rằng họ bị đối xử như nông dân nhập cư.
Các mỏ thép phải cạnh tranh với những tập đoàn nhà nước lớn hơn và chuyển hóa lượng lớn thu nhập của họ sang lĩnh vực cho thuê địa ốc. Công ty chủ chốt của Hoa Tây được cho là đã phải phát phiếu giảm giá của khách sạn cho cư dân, thay vì chia lợi nhuận.
Nằm gần khách sạn Long Hy là một công ty dệt may và showroom của họ, với sản phẩm là những dòng áo blouse phong cách thế kỷ 20 có giá khoảng 200 tệ. Triển vọng tương lai cho những hoạt động kinh doanh như thế này không thực sự sáng sủa, khi các thương hiệu thời trang phổ thông khổng lồ như Uniqlo hay Gap tiến sâu vào thị trường Trung Quốc và chinh phục không gian mua sắm trên mạng.
Bài toán chung của Trung Quốc
Nikkei chỉ ra, làng Hoa Tây đã tăng diện tích của nó lên đến 35 km2 thông qua hàng loạt cuộc sáp nhập các khu làng lân cận - một thực tế lý giải sự thịnh vượng tài chính được xây dựng dựa vào bất động sản.
Ngay cả khi Hoa Tây đã mở rộng lĩnh vực đầu tư sang tài chính, vận tải biển, và tài nguyên thiên nhiên, thì bất động sản vẫn là con đường dễ dàng và nhanh nhất để gia tăng doanh thu. Ngôi làng đã nhận được các khoản vay lớn từ nhiều nhà băng với cách thế chấp bằng cổ phiếu.
Khách sạn Long Hy có 72 tầng, chi phí xây dựng 430 triệu USD, khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập làng Hoa Tây (năm 2011). Khách sạn có chiều cao 328m, cao hơn tháp Eiffel ở Paris (Ảnh: China News)
Hoa Tây không khác với phần lớn địa phương khác ở Trung Quốc, nhiều nơi cũng vật lộn trong nỗ lực tìm kiếm con đường phát triển kinh tế và các khoản đầu tư thường hiếm khi mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Giá cổ phiếu giảm trong năm nay cũng khiến Hoa Tây phụ thuộc nhiều hơn vào thu nhập từ bất động sản.
"Cái kim trong bọc" của Hoa Tây chỉ thực sự lộ ra khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu chính phủ tăng cường các biện pháp giảm nợ trong nước.
Số liệu chính thức cho thấy số nợ của chính quyền các địa phương Trung Quốc vào khoảng 16 nghìn tỉ tệ, con số không lớn so với GDP hơn 80 nghìn tỉ tệ của nước này. Nhưng tổng nợ của các địa phương có thể lên tới 30 nghìn tỉ tệ nếu tính cả nợ của những công ty liên kết với chính quyền, các phương tiện tài chính của chính quyền và những dự án được thực hiện theo mô hình hợp tác công tư (PPP).
Nikkei đánh giá, tài chính các địa phương của Trung Quốc đang ở trong tình trạng "vật lộn" giống như năm 1994, khi thủ tướng Chu Dung Cơ khởi động cuộc đại cải tổ về thuế. Tình hình hiện nay mà ông Tập phải đối diện, dường như dần nghiêm trọng đến mức một cuộc "cải tổ đau đớn" nữa có thể cần được tiến hành.