Ngày 23.7, tạp chí IHS Janes Defence khẳng định thông tin này dựa trên ảnh chụp vệ tinh. Theo đó, hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đã được dỡ bỏ vào ngày 10.7, tức là 2 ngày trước khi Tòa trọng tài quốc tế thường trực PCA đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
HQ-9 là hệ thống tên lửa phòng thủ với phạm vi 200 cây số có khả năng đánh chặn tên lửa và máy bay. Trung Quốc đã triển khai phi pháp hệ thống này hồi tháng 2 vừa qua và bị cộng đồng chỉ trích vì làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Lý do khiến Trung Quốc dỡ bỏ hệ thống HQ-9 cho đến giờ vẫn chưa được tiết lộ.
Times of India trích báo cáo của IHS Janes Defence nói rằng có thể Trung Quốc chuyển hệ thống tên lửa về đất liền để bảo trì.
Tuy nhiên, chuyên gia về hải quân Li Jie ở Bắc Kinh lại cho rằng hành động trên là một bước xuống thang của Trung Quốc sau khi Mỹ rút tàu sân bay USS John C. Stennis khỏi Biển Đông hôm 5.7.
“Giới quân đội Trung Quốc cần phải thể hiện thiện chí sau khi Lầu Năm góc rút tàu sân bay USS John C. Stennis về Hawaii”, ông Li nhận định.
Vị chuyên gia này cũng cho biết trong tình hình hiện giờ, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn làm tình hình căng thẳng và họ cần những hành động cụ thể để giảm nhiệt.
Ông Li cũng nói thêm rằng trong thời gian gần đây, các quan chức quân sự cấp cao Mỹ và Trung Quốc gắng thúc đẩy đối thoại.
Bằng chứng là sau khi có phán quyết của PCA, Mỹ đã cử Tham mưu trưởng Hải quân, đô đốc John Richardson gặp người đồng cấp bên Trung Quốc Wu Shengli để trấn an.
Còn Antony Wong Dong, một nhà quan sát quân sự ở Macau cho rằng việc dỡ hệ thống HQ-9 ở Phú Lâm có thể là vì mục đích bảo trì sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận (phi pháp) hồi đầu tháng 7.
Cuộc tập trận phi pháp kéo dài 1 tuần, kết thúc vào 11.7 trùng hợp với thời điểm hệ thống HQ-9 biến mất trên ảnh chụp vệ tinh.
Nguồn tin cũng lưu ý rằng trong cuộc tập trận trái phép của Trung Quốc thì đã có ghi nhận việc Trung Quốc phóng tên lửa từ HQ-9 đặt trên một tàu khu trục.
Như vậy, việc Trung Quốc dỡ bỏ hệ thống HQ-9 vì nguyên nhân bảo trì hay vì muốn xuống thang căng thẳng với Mỹ? Hãy nhìn xem các động thái tiếp theo của Trung Quốc thì chúng ta có thể đoán được mục đích của họ.