Tổng thống Nga Putin (giữa) cùng các nhà lãnh đạo thuộc khối CIS dự lễ kỷ niệm ở Moskva. Ảnh: TASS
Theo hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 10/5, sự tham dự của 7 trong số 9 nhà lãnh đạo thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại cuộc diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Moskva được coi là thành công đối với chính sách đối ngoại của Nga.
7 trong số 9 nhà lãnh đạo CIS đã đến thăm Moskva để tham dự cuộc diễu hành truyền thống trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5 gồm: Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Chỉ có hai nhà lãnh đạo của CIS không tham dự, đó là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Moldova Maia Sandu, nhưng điều này không có gì ngạc nhiên.
Mối quan hệ giữa Nga và Moldova đã xấu đi rõ rệt kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Tình trạng của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở khu vực Transnistria đang bị nghi ngờ, trong khi cảnh sát Moldova ngăn chặn công dân nước này ăn mừng chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II.
Về phần Tổng thống Azerbaijan, ông Aliyev không thể đến Moskva vì lịch trình riêng.
Dmitry Ofitserov-Belsky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, sự hiện diện bất ngờ của nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài tại cuộc diễu hành ở Moskva mới đây cho thấy họ đang tìm cách củng cố mối quan hệ hợp tác với Nga.
Về phần mình, Ivan Konovalov, Giám đốc phát triển của Quỹ Xúc tiến Công nghệ Thế kỷ 21 nhận định, tại sự kiện tương tự vào năm ngoái, không có nhiều lãnh đạo nước ngoài tham dự, nhưng tình hình hiện đã thay đổi, cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga khỏi các đồng minh CIS đã thất bại. Điều này cũng chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia thuộc Liên Xô cũ không thiên vị trong đánh giá của họ về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo Alexander Karavayev, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chuyên về khu vực Kavkaz và Trung Á cho rằng, phần lớn 7 nhà lãnh đạo đến thăm Moskva trên đại diện cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có đường lối chính sách đối ngoại không bị chi phối quá nhiều bởi định hướng thân châu Âu và ngược lại, hướng nhiều hơn đến thân Nga hoặc thân Trung Quốc.
Ông Karavayev lưu ý Armenia là một ngoại lệ, nhấn mạnh rằng lý do rất có thể khiến ông Pashinyan đến thăm Nga là để tiến hành các cuộc tham vấn với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc bình thường hóa mối quan hệ vốn rất căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan, vì Baku và Yerevan hiện đang gặp khó khăn trong việc hướng tới ký kết một hiệp định hòa bình.