CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) thời gian trước đã thông qua việc đăng ký mua 650.000 cổ phần trong tổng số 5 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành thêm của CTCP Bapi HAGL.
Theo đó, sau khi Bapi HAGL hoàn tất việc phát hành và tăng vốn, HAGL sẽ sở hữu 3,4 triệu cổ phần - tương đương 34% vốn tại Bapi HAGL. Đồng nghĩa, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty con của HAGL.
Tiếp tục chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư diễn ra hôm 10/2/2023, Chủ tịch HAGL là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tiết lộ việc giảm sở hữu tại Bapi để ông Đỗ Xuân Diện "vào cùng làm".
Được biết, ông Diện từng là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Thaco. Cụ thể, ông Diện có vai trò dẫn dắt công ty nông nghiệp thuở đầu với tên Thadi (sau khi Thaco đầu tư chiến lược vào HAGL năm 2018). Trước khi ngồi ghế Chủ tịch Thadi, ông Đỗ Xuân Diện là nguyên Trưởng Ban quản lý Khu KTM Chu Lai.
Sau một thời gian kín tiếng, cuối năm 2022 ông Diện xuất hiện trở lại trên vai trò lãnh đạo Công ty Giấy Đức Phú, đảm nhận việc phân phối sản phẩm bò lào với thương hiệu Lamon cho Bapi HAGL.
Trong bước đi mới này, ông Diện chính thức đầu tư vào Bapi và sẽ đảm nhận chính vai trò phát triển các sản phẩm mới của HAGL, đơn cử có 60 loại rau củ quả.
Như vậy, bầu Đức không phải bán đứt Bapi như thông tin dư luận gần đây, mà muốn phát triển mạnh Bapi và một mình làm không xuể.
“HAGL sẽ là DN đầu tiên làm mô hình từ trang trại đến bàn ăn mà có đủ thứ người tiêu dùng cần: Thịt, rau, tỏi, ớt...”
“HAGL sẽ là doanh nghiệp đầu tiên làm mô hình từ trang trại đến bàn ăn mà có đủ thứ người tiêu dùng cần: Thịt, rau, tỏi, ớt...”, bầu Đức nói. Theo đó, Bapi trong tương lai không chỉ bán thịt heo ăn chuối, thịt gà đi bộ, thịt bò Lào mà còn bao gồm rau củ quả do chính HAGL trồng.
Hiện, HAGL sở hữu diện tích đất trên Gia Lai rất thích hợp để trồng các loại cây xứ ôn đới như hàng Đà Lạt, vì mình đang sở hữu những vùng đất tương tự như Đà Lạt. Như vậy, việc trồng thêm rau củ quả Công ty sẽ không đầu tư không nhiều tiền, giá cả ổn định.
Theo kế hoạch, Bapi sẽ chỉ tiêu thụ hoàn toàn hàng của HAGL làm ra, nếu lấy hàng bên ngoài vào sẽ không kiểm soát được chất lượng và HAGL không làm vậy.
“Chúng tôi làm rau củ quả để mong muốn trên bàn ăn của người Việt có đầy đủ nông sản của HAGL . Định hướng của Công ty sản xuất ra hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày. Và sản phẩm phải sạch, chúng tôi sẽ không cho trà trộn bất cứ nguồn gốc sản phẩm nào.
Nếu cho Bapi tự do lấy sản phẩm của các đơn vị khác thì không thể tốt dc và sẽ không có những sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Chúng tôi đang cố gắng bằng mọi giá.
Còn Bapi HAGL, thì tôi cũng nhấn mạnh Bapi ra đời để tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm HAGL làm ra. Mà mình tôi thì không thể ôm xuể, và nói thẳng là làm đến nay tôi chưa thấy hiệu quả dù có sản phẩm riêng biệt. Nên tôi mời anh Diện vào với 35% vốn (Bapi HAGL đã thông qua tăng vốn và HAGL không còn là công ty mẹ).
Và khi anh Diện vào Bapi, HAGL mới làm thêm rau củ quả, cung ứng cho Bapi. Trong khi, điều kiện hiện tại của HAGL thì hoàn toàn thuận lợi cho các giống này.
Vậy, Bapi tới đây sẽ tiêu thụ heo, bò, sắp tới có thêm rau củ quả và gà, tôi không thể làm xuể. Nên sắp tới sẽ có anh Diện vào.
Chúng tôi đang xây dựng nhà máy bao bì, dự kiến 15/4 sẽ ra mắt thị trường sản phẩm rau củ quả của HAGL", đại diện HAGL nói thêm.
Mô hình hiện tại của Bapi Food.
Bapi sẽ không tự mở chuỗi như kế hoạch ban đầu, mà đẩy mạnh nhượng quyền với tỷ trọng có thể lên đến 80%
Ngoài ra, Bapi HAGL cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, bởi những kế hoạch ban đầu đến nay chưa đạt tiến độ do những điểm bất khả thi. Theo lộ trình mới, 80% chuỗi cửa hàng Bapi sẽ qua nhượng quyền, vì không đủ vốn để mở cửa hàng. Hiện bỏ chi phí hàng ngàn tỷ để đầu tư chuỗi là không khả thi với Bapi, đó cũng là lý do Bapi đi chậm thời gian qua.
“Đây là ý tưởng ông Lộc đề xuất xây dựng chuỗi, nhưng làm thời gian tôi thấy không hiệu quả nên dừng lại, thay đổi. Bapi sẽ đẩy mạnh nhượng quyền, và bán qua App, cộng tác viên... Tóm lại, 2023 HAGL sẽ tái cấu trúc Bapi, giảm sở hữu vốn và mời gọi đối tác vào. Bapi theo đó sẽ là nơi tiêu thụ tất cả sản phẩm nông sản HAGL, để không phụ thuộc vào thị trường”, bầu Đức cho biết.
Về Bapi HAGL, sau khi ra mắt thương hiệu Heo ăn chuối Bapi HAGL vào tháng 3/2022, đến tháng 5 HAGL chính thức thành lập Bapi HAGL với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, do ông Đinh Văn Lộc làm Tổng Giám đốc. Lúc bấy giờ, HAGL đóng góp 27,5 tỷ đồng, tương đương 55% vốn điều lệ của Bapi HAGL.
Trong chuỗi nông nghiệp trồng chuối xuất khẩu và tận dụng chuối thải cho chăn nuôi của bầu Đức, Bapi HAGL sẽ đảm nhận nhiệm vụ chính là bán buôn thực phẩm, bao gồm thương hiệu thịt của HAGL. Ông Lộc cũng chịu trách nhiệm về bài toán vận hành, kinh doanh của chuỗi Bapi Food hiện nay.