Đằng sau thông báo tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga

Mai Trang |

Nga đưa ra thông báo tập trận vũ khí hạt nhân trong bối cảnh nước này có nhiều sự kiện quan trọng, đó là ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ 5 vào ngày 7/5, và lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng diễn ra vào ngày 9/5.

Thông điệp cảnh báo phương Tây

Điện Kremlin hồi đầu tuần cho biết, họ sẽ tổ chức tập trận vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả “các mối đe dọa do các nước phương Tây gây ra cho Nga”. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các cuộc diễn tập nhằm gia tăng “mức độ sẵn sàng của lực lượng hạt nhân tiến hành nhiệm vụ chiến đấu”.

Thông báo tập trận bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ngay lập tức vấp phải nhiều phản ứng gay gắt. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Thiếu tướng Patrick Ryder cho rằng điều này là “hoàn toàn không phù hợp”. Người phát ngôn NATO Farah Dakhlallah gọi kế hoạch của Nga là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”. Liên minh châu Âu (EU) đồng thời kêu gọi Nga “ngừng leo thang”.

Đằng sau thông báo tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga- Ảnh 1.

Các bệ phóng tên lửa Iskander của Nga vào vị trí trong cuộc tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Theo LA Times, giống như rất nhiều tuyên bố trước đây của Nga, thời điểm diễn ra tuyên bố có thể quan trọng ngang với nội dung của nó.

Nga đưa ra thông báo tập trận vũ khí hạt nhân trong bối cảnh nước này có nhiều sự kiện quan trọng, đó là ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ 5 vào ngày 7/5, và lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng diễn ra vào ngày 9/5.

Việc các cường quốc hạt nhân như Nga hay Mỹ tiến hành kiểm tra kho vũ khí của họ là điều bình thường. Nhưng tuyên bố của Nga có mối liên hệ rõ ràng giữa các cuộc tập trận liên quan đến thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân là một động thái bất thường.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật theo kế hoạch diễn ra sát biên giới Ukraine nhằm mục đích “đảm bảo vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Nga”.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn và có uy lực không bằng vũ khí hạt nhân chiến lược như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, nhưng các mối đe dọa hạt nhân đều nhận được rất nhiều sự chú ý.

Không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược, đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên chiến trường tương đối nhỏ gọn và dễ vận chuyển. Những loại vũ khí như vậy có thể được triển khai dưới dạng bom thả từ trên không hoặc tên lửa tầm ngắn.

Lầu Năm Góc đã giám sát chặt chẽ tình hình hạt nhân của Nga. Kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine tới nay, chính quyền Tổng thống Biden không phát hiện sự thay đổi về tình hình hạt nhân của Nga, ngay cả khi những tuyên bố của Moscow cho thấy căng thẳng gia tăng.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, quyết định diễn tập hạt nhân của Tổng thống Putin thể hiện mô hình phản ứng đã được Nga duy trì từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, nghĩa là bất kỳ động thái leo thang nào ở phương Tây đều sẽ đối mặt với động thái đe dọa hạt nhân từ Moscow, nhằm làm dấy lên mối lo ngại toàn diện về một cuộc xung đột giữa Nga với NATO.

Trong số những chuyên gia quan sát cuộc xung đột Nga - Ukraine, có một số quan điểm khác nhau về việc liệu những cảnh báo này có đáng lo ngại hay nghiêm trọng hơn những cảnh báo tương tự trong quá khứ hay không.

Alexander Clarkson, giảng viên nghiên cứu châu Âu tại Đại học Hoàng gia London, cho rằng thông báo tập trận hạt nhân không phải thông điệp chính sách được hiệu chỉnh cẩn thận của Nga. “Cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân là điều mà Tổng thống Putin và một nhóm nhỏ các quan chức quốc phòng nghĩ tới mỗi buổ sáng”, ông Clarkson viết trên nền tảng mạng xã hội X.

Tuy nhiên, thông báo của Điện Kremlin có thể là cái cớ cho những người phản đối phương Tây tiếp tục viện trợ cho Ukraine lên tiếng. Trong cuộc tranh luận kéo dài tại Quốc hội Mỹ về viện trợ quân sự cho Ukraine, các thành viên đảng Cộng hòa cực hữu đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden và các đối tác phương Tây khác của Ukraine đang đùa giữa với lửa hạt nhân khi tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.

Trong khi đó, Ukraine bác bỏ thông báo tập trận vũ khí hạt nhân của Nga, nói rằng đây là kịch bản quen thuộc của Nga trong suốt cuộc xung đột.

“Chúng tôi không thấy điều gì mới. Đe dọa hạt nhân là một hoạt động thường xuyên của Nga”, Andriy Yusov, người phát ngôn tình báo quân đội Ukraine, cho hay.

Phản ứng của Nga trước các tuyên bố của phương Tây

Những bình luận mới nhất về vũ khí hạt nhân được đưa ra vào thời điểm Ukraine đang gặp khó khăn trên chiến trường. Cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái của Ukraine đã đạt kết quả không như mong đợi. Hiện tại, khi thời tiết trở nên thuận lợi hơn, một số đồng minh của Ukraine lo ngại về việc lực lượng Nga sẽ khai thác điểm yếu trong các công sự của Ukraine và tạo ra bước đột phá trên tiền tuyến.

Chasov Yar ở phía Đông Ukraine được coi là nơi dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công dữ dội của Nga, dù thành phố này nằm trên vùng đất cao, một vị trí thường có lợi cho bên phòng thủ.

Vài tháng qua, Nga phải ứng phó với một loạt các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ do Ukraine thực hiện. Mỹ đã yêu cầu Ukraine không sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công như vậy, chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, nhưng các đồng minh khác như Anh không đặt ra những hạn chế tương tự với Kiev.

Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Anh tại Nga Nigel Casey để phản đối việc Ngoại trưởng Anh David Cameron khẳng định “Ukraine có quyền dùng vũ khí do Anh viện trợ để tấn công Nga”. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định phát ngôn của ông Cameron ngầm công nhận Anh trên thực tế là một bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột ở Ukraine, mâu thuẫn với những gì nước này đã tuyên bố trước đó.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra ý tưởng đưa quân NATO tới Ukraine chiến đấu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những tuyên bố của Anh và Pháp về những hành động như vậy là “chưa từng có” và là “một vòng leo thang căng thẳng hoàn toàn mới”.

Nga cũng nhấn mạnh rằng việc tăng cường sản xuất các loại vũ khí thông thường như pháo binh là cần thiết trước hành động của các đồng minh của Ukraine.

Đại sứ lưu động Nga Grigory Mashkov cho biết, Moscow sẽ thực hiện các bước để tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm tăng cường kho dự trữ tên lửa, “nhằm ngăn cản bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào thử thách sức mạnh của Nga”.

Trong những ngày gần đây, Nga cũng phản đối các cuộc tập trận quân sự của NATO gần biên giới nước này với sự tham gia của khoảng 90.000 binh sĩ. Đây được xem là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh. Cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova mô tả các cuộc tập trận kéo dài nhiều tháng là một tín hiệu rõ ràng cho thấy NATO đang tạo tiền đề cho xung đột với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại