Trong bài đăng trên tạp chí National Interest, tác giả Daniel R.Depetris nhận định, so với thỏa thuận đình chiến trước đây ở Syria được Nga- Mỹ thông qua hồi tháng 2, vốn được vạch ra nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực và tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động nhân đạo trong việc cung cấp thức ăn, nước uống và thiết bị y tế, thì thỏa thuận mới lần này được đánh giá là cụ thể và tham vọng hơn.
Theo đó, lực lượng không quân chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad sẽ phải chấm dứt các hoạt động giao tranh ở một số khu vực nhất định do phe đối lập ôn hòa kiểm soát.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng chính phủ và phe đối lập đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/9, bên cạnh đó Mỹ cũng sẽ lên kế hoạch tiến hành các hoạt động quân sự chung cùng với Nga nhằm chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Mặt trận Al-Nursa (đã đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham).
Thêm vào đó, tuyến đường chiến lược quan trọng Castello dẫn vào Aleppo sẽ được phi quân sự hóa để dành cho các hoạt động nhân đạo. Từ Ramousa đến đầu phía nam Aleppo sẽ thuộc khu vực được thực thi thỏa thuận ngừng bắn.
Tác giả Depetris đưa ra 5 vấn đề còn để ngỏ về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria như sau:
1. Thỏa thuận được thực thi như thế nào?
Theo thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được thì lực lượng không quân của Chính phủ không được phép hoạt động ở những khu vực lãnh thổ mà Nga và Mỹ đã sắp xếp cho phe đối lập ôn hòa.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lực lượng của Chính phủ tiếp tục tấn công vào khu vực của phe đối lập? Rõ ràng là thỏa thuận ngừng bắn lần này dường như thiếu đi chế tài hay các biện pháp mang tính ràng buộc.
Không có gì có thể đảm bảo rằng quân đội Syria sẽ thực thi thỏa thuận một cách nghiêm túc sau vài ngày hay vài tuần tới.
2. Cơ chế giám sát như thế nào?
Lực lượng chính phủ và phe đối lập được cho là sẽ rút lui khỏi khu vực tuyến đường Castello, khu vực này sẽ trở thành vùng phi quân sự hóa, tạo thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo được hiệu quả hơn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng việc rút quân khỏi khu vực này sẽ được "sự giám sát", nhưng không rõ bởi cơ quan hay tổ chức nào.
Lực lượng của Liên Hợp Quốc sẽ đóng vai trò giám sát? Điều này có vẻ không khả thi trong bối cảnh mà Hồi đồng bảo an LHQ đang bị chia rẽ như hiện nay.
Hay lực lượng chính phủ và phe đối lập sẽ tự mình giám sát hoạt động của chính mình? Đây rõ ràng là những vấn đề rất quan trọng, bởi vì các tổ chức nhân đạo cần một sự đảm bảo rằng họ sẽ không bị bắn hoặc bị giết khi hoạt động trên tuyến đường này.
Bất kỳ một hành động bạo lực nào xảy ra sẽ ngay lập tức buộc các hoạt động nhân đạo dừng lại và đồng thời kéo dài thêm sự chịu đựng của người dân ở Aleppo.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 9/9 để thảo luận về tình hình Syria. (Ảnh: REUTERS/Kevin Lamarque)
3. Các hoạt động chung giữa Mỹ và Nga sẽ tiến triển như thế nào?
Theo thỏa thuận dự kiến, các quan chức quân đội Mỹ và Nga sẽ thành lập một trung tâm tình báo chung để hợp tác với nhau trong việc xác định vị trí của IS và Jabhat Fateh al-Sham.
Và có lẽ các mục tiêu nếu được xác định thì phải cần sự đồng thuận của cả hai bên.
Rất có thể rằng Nga và Mỹ sẽ ít nhất có một vài lần bất đồng quan điểm về việc xác định đâu là mục tiêu cần tiêu diệt. Liệu đã có một cơ cấu giải quyết mâu thuẫn nào khi có sự bất đồng trong trung tâm tình báo này hay chưa?
4. Phe đối lập ôn hòa sẽ tách ra khỏi Jabhat Fateh al-Sham?
Nếu những kẻ cực đoan như Jabhat Fateh al-Sham vẫn tiếp tục hoạt động trong cùng khu vực với các "lực lượng đối lập ôn hòa" (theo cách gọi của Mỹ), toàn bộ thỏa thuận sẽ "đổ sông đổ bể".
Charles Lister, nhà nghiên cứu cao cấp ở Viện Trung Đông đã viết: "Phe đối lập vũ trang ở Syria lúc này đang phải lựa chọn một quyết định lớn và quan trọng nhất kể từ khi họ chọn con đường vũ lực chống lại chế độ Tổng thống Assad từ năm 2011."
Nếu phe đối lập ôn hòa cố tình phớt lờ và không tách ra khỏi Jabhat Fateh al-Sham thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều để Mỹ đổ lỗi cho chính phủ Syria và người Nga nếu họ bắt đầu tiêu diệt các chiến binh không phải là những kẻ cực đoan.
Theo CNN, mục tiêu ban đầu là duy trì được lệnh ngừng bắn trong vòng 7 ngày, kể từ 12/9, trong khi Nga-Mỹ phối hợp tấn công các nhóm khủng bố (Ảnh: CNN)
5. Nếu tình trạng xung đột lắng xuống, điều gì diễn ra tiếp theo?
Trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn phát huy hiệu quả, giao tranh giữa chính phủ và phe nổi dậy giảm xuống, người dân không còn phải hứng chịu những đợt không kích hay nã pháo, các cơ quan LHQ thành công trong việc tiếp cận nhiều khu vực của Syria, hay đại diện chính phủ và phe đối lập quay lại bàn đàm phán cho tiến trình hòa bình.
Đây rõ ràng là một viễn cảnh hoàn mỹ. Nhưng điều đó cũng không làm thay đổi nhiều vị thế đàm phán của mỗi bên.
Tổng thống Assad có lẽ vẫn sẽ khước từ bất kỳ nỗ lực đàm phán hay đòi hỏi của phe đối lập rằng ông phải từ chức. Còn phe đối lập thì sẽ tiếp tục phủ quyết bất kỳ kế hoạch nào nhằm giữ Assad ở vị trị đầu bảng trong một cuộc chuyển giao quyền lực ở chính phủ.
Các cuộc đàm phán hòa bình có thể sẽ một lần nữa sụp đổ, và cuộc chiến rất có thể lại tiếp tục khốc liệt hơn.
Hy vọng duy nhất ngay lúc này là các điều khoản trong thỏa thuận không được công bố công khai sẽ giúp giải đáp những vấn đề này.
Bởi vì nếu không có, thỏa thuận đình chiến lần thứ hai có thể sẽ sụp đổ như lần đầu tiên, dù lần trước có sự quyết tâm cao độ và kiên trì của Ngoại trưởng John Kerry./.