Sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine có đủ nhanh và kéo dài?
Trong suốt 27 tháng xung đột, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục chống lại áp lực từ nhiều đồng minh về việc cho phép Ukraine gia nhập NATO bởi ông tin rằng đó là bước đi có thể nhanh chóng dẫn đến việc quân đội Mỹ được đưa vào chiến đấu trực tiếp với Nga - một cuộc chiến mà ông lo ngại có thể leo thang và thậm chí biến thành chiến tranh hạt nhân.
Vì thế, ngày 13/6, nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra một loạt động thái thay thế với mỗi bước đi được thiết kế để chứng minh cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ukraine rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không rời đi như cách họ từng làm ở Afghanistan, thậm chí cả khi Ukraine vẫn ở ngoài NATO trong nhiều năm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một hiệp ước an ninh 10 năm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, mặc dù có những cam kết mơ hồ và lựa chọn rút lui sớm. Ông Biden mô tả thỏa thuận này là một sự đảm bảo lâu dài về việc tiếp tục cung cấp vũ khí, hỗ trợ tình báo, tư vấn và công nghệ cho Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện tại cũng như ngăn chặn một cuộc chiến mới.
Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ đi đầu trong việc cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine để xây dựng lại các cảng và nhà máy điện bị tàn phá, mua vũ khí cũng như thu hẹp khoảng cách ngân sách. Số tiền này sẽ được hoàn trả từ tiền lãi tạo ra từ 300 tỷ USD tài sản mà Nga để lại trong các tổ chức tài chính phương Tây trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
"Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn", Tổng thống Biden cho hay sau khi ông và ông Zelensky ký thỏa thuận an ninh ở bờ biển phía Tây Nam Italy, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Tổng thống Zelensky đã nồng nhiệt cảm ơn Tổng thống Biden mặc dù thỏa thuận an ninh và khoản vay còn kém xa những gì nhà lãnh đạo Ukraine mong muốn vào thời điểm cam go này của cuộc xung đột. Ông Zelensky không giấu diếm sự thật rằng, khó có thể tập trung vào triển vọng dài hạn của Ukraine giữa những lo ngại về việc cầm cự ngắn hạn trước bước tiến không ngừng của Nga trên chiến trường.
Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn với nhà lãnh đạo Ukraine và toàn bộ châu Âu là bản thân các thỏa thuận có thể không tồn tại sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc bầu cử gần đây ở châu Âu.
Kẽ hở trong thỏa thuận
Thỏa thuận an ninh, dựa trên các cam kết kéo dài cả thập kỷ, tương tự như với Israel không có nguồn tài trợ mà chỉ là cam kết của chính phủ Mỹ trong việc hợp tác với Quốc hội để đảm bảo hàng chục tỷ USD cần thiết. Điều đó rất có thể đồng nghĩa với việc một cuộc tranh cãi khác trong Quốc hội Mỹ, nơi mà đa số thành viên đảng Cộng hòa trong nhiều tháng đã phản đối bất kỳ cam kết nào về tài chính và vũ khí trước khi gói viện trợ được thông qua vào tháng 4/2024.
Ngoài ra, trong thỏa thuận an ninh hứa hẹn mà Mỹ và Ukraine ký kết với nhau có một đoạn đáng chú ý là: "Một trong hai bên có thể chấm dứt thỏa thuận này bằng cách cung cấp thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao", điều sẽ "có hiệu lực sau 6 tháng".
Đó chính xác là kẽ hở mà cựu Tổng thống Donald Trump đã khai thác với thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông từ bỏ vào năm 2018. Ông Trump đã thể hiện rõ lập trường của mình về vấn đề Ukraine, hoặc mong muốn loại bỏ khoản cam kết tài chính khổng lồ tại đây. Thay vào đó, ông khẳng định có thể kết thúc xung đột trong 24 giờ, có lẽ là bằng cách nói với Tổng thống Putin rằng Nga có thể giữ lại lãnh thổ mà họ đã chiếm được.
Seth G. Jones, giám đốc Dự án Các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một viện nghiên cứu nổi tiếng ở Washington, người vừa trở về sau chuyến thăm Ukraine, cho biết: "Đó là thỏa thuận thực sự ghi lại khoảnh khắc" mà "một mặt nó là bước đi hữu ích để thiết lập quan hệ lâu dài với Ukraine nhưng mặt khác nó rất thiếu những gì Ukraine thực sự mong muốn: đó là tư cách thành viên NATO", điều mà không giống như văn bản hai nhà lãnh đạo đã ký, rất khó để hủy bỏ.
Khoản vay 50 tỷ USD, nếu được giải ngân trong năm nay sẽ khó đảo ngược hơn đối với tổng thống tương lai của nước Mỹ. Khoản tiền này cũng đến đúng lúc ngay giữa thời điểm tình hình tài chính của Ukraine đang tệ đến mức nước này phải bán một số tài sản nhà nước .
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen, người thiết kế kế hoạch cho vay không đụng đến tiền gốc của Nga nhưng sử dụng số tiền lãi từ đó, đã nhận định tại một sự kiện ở New York ngày 13/6 rằng điều đó chứng minh cho Tổng thống Putin thấy rằng các đồng minh của Ukraine đang "vô cùng đoàn kết".
"Chúng tôi dự định cung cấp cho Ukraine các nguồn lực cần thiết để tiến hành một chiến dịch hiệu quả chống lại Nga và hỗ trợ các nhu cầu ngân sách trực tiếp của Kiev. Chúng tôi sẽ cung cấp các nguồn lực thực sự ý nghĩa", Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng ngày cũng cho biết tất cả các nước trong G7 sẽ tham gia vào khoản vay và EU có thể đóng góp tới một nửa số tiền, một quan chức cấp cao của châu Âu nói.
Tuy nhiên, khoản vay này đang phải chạy đua với thời gian và khả năng phá hủy của Nga trên chiến trường Ukraine.
Đằng sau “nền hòa bình công bằng và lâu dài”
Trong 2 năm đầu của cuộc xung đột, một số người cho rằng thời gian đang đứng về phía Ukraine và Nga sẽ phải lùi bước nếu xung đột kéo dài quá lâu. Hiện nay, không ai chắc chắn điều đó vẫn đúng.
Cho đến những ngày gần đây, Nga dường như đã lấy được đà tiến công, mặc dù bây giờ cuộc tiến công của họ đang chậm lại sau khi Tổng thống Biden đảo ngược quyết định, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công vào phía biên giới Nga gần Kharkov. Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ gọi đây là động thái theo "lẽ thường", từ chối trao cho Moscow cơ hội tấn công Ukraine mà không sợ bị đáp trả.
Sự đảo ngược này cũng xuất phát từ nỗi lo ngại rằng nhà lãnh đạo Ukraine sắp hết lựa chọn. Rõ ràng, Ukraine đang thiếu lực lượng, các hệ thống phòng không và có lẽ là cả thời gian.
Tình thế bấp bênh hiện nay của Ukraine khác biệt đáng kể so với vài tháng sau cuộc xung đột năm 2022. Vào năm 2023, hy vọng đã nhen nhóm trở lại về một cuộc phản công của Kiev sẽ đẩy lùi lực lượng của Moscow nhưng nó đã thất bại.
Hầu như có rất ít cuộc thảo luận gần đây về việc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào. Thỏa thuận an ninh mới có đề cập đến "một nền hòa bình công bằng và lâu dài" nhưng không xác định điều đó có nghĩa là gì, hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu nền hòa bình công bằng xung đột với nền hòa bình lâu dài.