Đằng sau tham vọng và chiến lược mới của Nga ở châu Phi

Thu Hằng |

Người ta đã nói nhiều về vai trò và hồ sơ của Trung Quốc tại châu Phi, các yếu tố ẩn sau hoạt động của Trung Quốc ở "lục địa đen". Trong khi đó, sự mở rộng về cả bề rộng và chiều sâu của sự hiện diện Nga ở châu lục này có vẻ như ít được bàn luận hơn.

Ảnh hưởng của Nga từng rất mạnh mẽ ở châu Phi vào thời kỳ hoàng kim của Liên Xô cũ. Các chính phủ thời kỳ hậu độc lập ở Angola, Mozambique, Guinea-Bissau, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Somalia, Ethiopia, Uganda và Benin đều từng nhận hỗ trợ ngoại giao hoặc quân sự từ Moskva. Nhưng thời kỳ này đã chấm dứt sau khi Liên Xô cũ tan rã năm 1991.

Hơn một phần tư thế kỷ sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang có những khát vọng mới ở châu Phi. Điều này phù hợp với mong muốn của ông đưa nước Nga trở lại vị thế siêu cường thế giới. Tổng thống Putin đặt ưu tiên cao cho các mối quan hệ địa chính trị và theo đuổi sự quyết đoán của Nga trên trường quốc tế. Chính sách này bao gồm việc thiết lập lại phạm vi ảnh hưởng của Nga, mở rộng đến châu Phi.

Giống như Bắc Kinh, phương thức thương mại và đầu tư của Moskva tại châu Phi không có sự “kê đơn” hay điều kiện của các chủ thể như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Nga đang dần tăng cường ảnh hưởng ở “châu lục đen” thông qua đầu tư chiến lược vào năng lượng và khoáng sản. Moskva cũng sử dụng sức mạnh mềm và việc quảng bá sức mạnh quân sự.

Năng lượng và khoáng sản

Giao dịch giữa Nga và châu Phi đã tăng theo cấp số nhân trong thế kỷ này, với thương mại và đầu tư tăng 185% từ năm 2005 đến 2015.

Đằng sau tham vọng và chiến lược mới của Nga ở châu Phi - Ảnh 1.

Một trong những khu nhà ở dành cho công nhân tập đoàn Rusal Nga tại Guinea, nơi công ty này đang khai thác các mỏ bauxit. Ảnh: Reuters

Về mặt kinh tế, Nga tập trung phần lớn vào năng lượng. Các khoản đầu tư quan trọng của Nga vào châu Phi là trong lĩnh vực năng lượng dầu, khí đốt và hạt nhân. Thực trạng 620 triệu người ở châu Phi đang sống không có điện đã mang đến thị trường tiềm năng khổng lồ cho ngành công nghiệp điện hạt nhân Nga.

Các tập đoàn năng lượng lớn của Nga như Gazprom, Lukoil, Rostec và Rosatom đều đang hoạt động ở châu Phi, trong đó chủ yếu ở Algeria, Angola, Ai Cập, Nigeria và Uganda. Các công ty này chủ yếu là công ty quốc doanh, với các khoản đầu tư thường liên quan đến lợi ích quân sự và ngoại giao. Ở Ai Cập, các cuộc đàm phán đã được hoàn tất với thỏa thuận Moskva sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước kim tự tháp.

Khu vực lợi ích thứ hai của Moskva là nguồn khoáng sản giàu có của châu Phi. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Zimbabwe, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Namibia và Cộng hòa Trung Phi. Tại Zimbabwe, Nga đang phát triển một trong những mỏ kim loại nhóm bạch kim lớn nhất thế giới. Moskva cũng đã thiết lập lại những liên kết với Angola, nơi "người khổng lồ" Alrosa của Nga đang khai thác kim cương.

Đằng sau tham vọng và chiến lược mới của Nga ở châu Phi - Ảnh 2.

Tập đoàn Alrosa, Nga đang khai thác kim cương tại Zimbabwe. Trong ảnh, công nhân đang mài cắt đá quý ở Moskva. Ảnh: Bloomberg

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Angola cũng tập trung vào sản xuất hydrocarbon. Trong khi đó, nguồn urani ở Namibia là một ví dụ khác. Sự tham gia hiện nay của Nga tại Cộng hòa Trung Phi (CAR) bắt đầu vào năm 2017, khi một đội ngũ giảng viên quân sự Nga và 170 cố vấn dân sự được Moskva gửi đến Bangui để hỗ trợ huấn luyện quân đội và giúp bảo vệ tổng thống. Ngay sau đó, ̣9 lô hàng vũ khí Nga được đưa tới nước này.

Mối quan tâm của Nga tại Cộng hòa Congo tập trung vào việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở ủy quyền. Vụ sát hại ba nhà báo Nga ở một vùng xa xôi của Cộng hòa Congo vào năm ngoái đã tập trung sự chú ý của thế giới vào nỗ lực của Nga gây ảnh hưởng và khai thác tài nguyên tại nước này.

Ảnh hưởng quân sự và ngoại giao

Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên toàn cầu và là nhà cung cấp vũ khí chính cho các quốc gia châu Phi. Trong hai thập kỷ qua, Moskva đã theo đuổi các mối quan hệ quân sự với nhiều quốc gia châu Phi khác nhau như Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe.

Đằng sau tham vọng và chiến lược mới của Nga ở châu Phi - Ảnh 4.

Tân binh lực lượng vũ trang Cộng hòa Trung Phi tập luyện. Ảnh: AFP

Các mối quan hệ quân sự đều gắn với các thỏa thuận quân sự song phương cũng như việc cung cấp lực lượng trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Nếu tính chung lại thì số binh sĩ mà Trung Quốc và Nga đóng góp cho Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đông hơn của tất cả các thành viên thường trực khác thuộc Hội đồng Bảo an LHQ cộng lại.

Nga cũng tích cực hỗ trợ tại “điểm nóng” châu Phi là Zimbabwe. Ngay sau khi được báo cáo vào năm 2018 rằng Trung Quốc đã đặt các tên lửa đất đối không thế hệ mới ở Zimbabwe, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva cũng đang theo đuổi hợp tác quân sự. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Moskva gần đây, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã nói rằng đất nước ông có thể cần Nga giúp hiện đại hóa lực lượng quốc phòng.

Nga, châu Phi và tương lai

Đằng sau tham vọng và chiến lược mới của Nga ở châu Phi - Ảnh 5.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Johannesburg, Nam Phi vào tháng 7/2018. Ảnh: AFP

Cả Nga và Trung Quốc đều muốn đóng vai trò tương lai ở châu Phi. Sự khác biệt giữa hai cường quốc này nằm ở chỗ Trung Quốc là một phần của nền kinh tế khu vực châu Á. Khu vực này được dự báo sẽ sớm vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại về sức mạnh toàn cầu - dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), quy mô dân số, chi tiêu quân sự và đầu tư công nghệ.

Trung Quốc và Ấn Độ đã duy trì tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm. Và dân số khổng lồ khiến họ trở thành hai cường quốc có tầm quan trọng đặc biệt. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Nga vẫn còn khiêm tốn từ 1,5% đến 1,8%/năm trong giai đoạn 2018-2010, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu hiện nay là 3,5% mỗi năm.

Tuy nhiên, Nga vẫn là một cường quốc trong nền chính trị toàn cầu. Đối với các nhà lãnh đạo châu Phi, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo sự chú ý của người Nga đối với những lợi thế của đất nước họ, chứ không phải trở thành nạn nhân của “ván cờ địa chính trị” giữa các cường quốc đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng ở "lục địa đen".

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại