Đằng sau tham vọng không gian của Triều Tiên và Hàn Quốc

Hoàng Phạm |

Hàn Quốc vừa phóng thành công tên lửa đẩy Nuri, được phát triển nội địa, đưa 8 vệ tinh lên quỹ đạo, trong khi Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên của nước này.

Do không đạt được những đột phá ngoại giao trong những năm gần đây, Hàn Quốc và Triều Tiên ngày càng căng thẳng và tăng cường phô trương sức mạnh quân sự. Hai bên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa. Triều Tiên điều máy bay không người lái (UAV) qua biên giới vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Còn Hàn Quốc tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng với Mỹ và Nhật Bản.

Căng thẳng gia tăng đã nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu đối với công nghệ vệ tinh do thám mà hiện cả Hàn Quốc và Triều Tiên hiện không có. Hai nước đang tăng tốc trong cuộc đua không gian nhằm hiện đại hóa cách thức giám sát hoạt động quân sự của mỗi bên.

Đằng sau tham vọng không gian của Triều Tiên và Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tên lửa đẩy Nuri được đưa vào bệ phóng tại Trung tâm Không gian Naro, ở Goheung, phía Nam Hàn Quốc, ngày 23/5/2023. Ảnh: AP

Bước phát triển của Hàn Quốc

Hàn Quốc đã có bước tiến quan trọng khi phóng thành công tên lửa đẩy, phát triển nội địa, đưa 8 vệ tinh lên quỹ đạo vào ngày 25/5.

Nuri, tên lửa nhiên liệu lỏng 3 tầng của Hàn Quốc, được phóng lúc 18h24 chiều 25/5 theo giờ địa phương từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, một thành phố trên bờ biển phía Nam Hàn Quốc. Sau khi được phóng và hoàn thành chặng bay trong khoảng 20 phút, tên lửa Nuri đưa các vệ tinh vào quỹ đạo cách Trái Đất 550 km trong khoảng 13 phút.

Hàn Quốc cũng đã có kế hoạch phóng các vệ tinh quân sự, nhưng loại trừ việc sử dụng tên lửa đẩy Nuri cho mục đích này.

Các nhà phân tích vũ khí cho rằng, Hàn Quốc có lợi thế công nghệ rõ ràng. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cũng đã nhanh chóng thúc đẩy chương trình tên lửa bất chấp trừng phạt để phát triển tên lửa tầm xa có khả năng mang theo vệ tinh.

Phải mất nhiều năm nữa, cả 2 quốc gia này mới có được một mạng lưới vệ tinh do thám chính thức. Tuy nhiên, việc đạt được công nghệ này sẽ cho phép Seoul và Bình Nhưỡng xác định các mục tiêu quân sự của đối phương để tiến hành các cuộc tấn công chính xác trong một cuộc xung đột tiềm ẩn mà không cần dựa vào công nghệ vệ tinh của đồng minh để biết thông tin.

Trong trường hợp của Triều Tiên, công nghệ vệ tinh trong không gian là điều cần thiết cho chiến lược hạt nhân của nước này. Ông Yang Uk, một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc, cho biết việc có nhiều “con mắt” trên bầu trời sẽ giúp ích đáng kể trong việc tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân với độ chính xác cao hơn. Thậm chí nếu công nghệ đủ tiên tiến, Triều Tiên có khả năng xác định các mục tiêu tấn công hạt nhân ở Mỹ.

“Điều này gây lo ngại cho Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực”, ông Yang nói.

Mỹ sở hữu nhiều vệ tinh quân sự nhất trên thế giới và các đồng minh như Hàn Quốc dựa vào Washington để biết thông tin, chẳng hạn như giám sát các cơ sở chiến lược của Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc từ lâu đã có tham vọng khai thác một chương trình do thám không gian độc lập. Điều này sẽ cho phép Seoul theo dõi chặt chẽ các động thái của nước láng giềng phía Bắc.

Đằng sau tham vọng không gian của Triều Tiên và Hàn Quốc - Ảnh 2.

Hàn Quốc phóng tên lửa đẩy Nuri đưa 8 vệ tinh lên quỹ đạo, ngày 25/5/2023. Ảnh: Reuters

Hơn nữa, quân đội Hàn Quốc đang trong quá trình giành lại toàn bộ quyền kiểm soát tác chiến của quân đội từ Mỹ. Theo Tổng thống Yoon Suk Yeol, điều này sẽ đòi hỏi Hàn Quốc phải đảm bảo và vận hành các thiết bị do thám.

Ông Kim Gi-bum, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, khi Seoul tuyên bố sẽ củng cố vị thế răn đe của mình cùng với Mỹ, điều quan trọng là nước này phải thúc đẩy công nghệ trong nước có thể hỗ trợ lực lượng kết hợp của các đồng minh trong việc đối phó với Triều Tiên.

“Hàn Quốc đang có những bước tiến trong công nghệ vũ trụ góp phần vào vị thế chung của Washington và Seoul”, ông Kim nói.

Hàn Quốc đã phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa nước ngoài từ đầu những năm 1990. Seoul có kế hoạch phóng vệ tinh do thám nội địa đầu tiên vào tháng 11 tới bằng tên lửa SpaceX và đưa 5 vệ tinh do thám nội địa lên quỹ đạo trước năm 2025.

Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên

Triều Tiên cũng đang chuẩn bị phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên của nước này. Trong chuyến thị sát hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vệ tinh trinh sát trong việc chống lại Mỹ và Hàn Quốc.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, vệ tinh đã sẵn sàng để được gắn lên tên lửa nhưng không tiết lộ khi nào vụ phóng sẽ diễn ra. Vệ tinh trinh sát quân sự là một trong những mục tiêu mà Triều Tiên theo đuổi trong chiến lược 5 năm công bố vào tháng 1/2021.

Tuy nhiên, Triều Tiên cần ít nhất 24 vệ tinh lớn, nhỏ trong không gian để theo dõi bán đảo Triều Tiên suốt ngày đêm và điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng các vệ tinh quân sự vào không gian, ông Yang Moo-jin, Hiệu trưởng Đại học Nhiên cứu Triều Tiên tại Seoul cho biết.

Triều Tiên đã phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 2012 và 2016, nhưng chúng được coi là những vệ tinh chết, không hoạt động và không thể truyền lại bất kỳ dữ liệu nào.

Ông Markus Schiller, một nhà khoa học tên lửa tại công ty nghiên cứu và tư vấn ST Analytics có trụ sở ở Munich (Đức) cho biết, ngay cả khi Triều Tiên phóng thành công một vệ tinh quân sự vào quỹ đạo và nó có thể chuyển tiếp dữ liệu, hiệu quả sử dụng hình ảnh cũng sẽ hạn chế, trừ khi họ có nhiều vệ tinh trên quỹ đạo. Hình ảnh từ 1 vệ tinh duy nhất sẽ cung cấp ít thông tin hơn so với hình ảnh từ các nhà cung cấp thương mại.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm Triều Tiên phóng vệ tinh vào không gian vì những vụ phóng như vậy có thể được sử dụng để thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết vụ phóng vệ tinh quân sự của Triều Tiên sẽ vấp phải phản ứng cứng rắn.

Các nhà phân tích vũ khí cho biết, dựa trên những bức ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố vào tuần trước, vệ tinh hình lục giác của nước này dường như nặng khoảng 200-300kg. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ca ngợi vệ tinh này là tiến bộ công nghệ sẽ cung cấp thông tin theo thời gian thực về các hoạt động quân sự của Mỹ và các đồng minh.

“Việc [Triều Tiên] phóng vệ tinh trinh sát sẽ không gây ra mối đe dọa quân sự ngay lập tức, nhưng nó sẽ chứng minh rằng họ sở hữu công nghệ để có thể phóng nhiều vệ tinh hơn”, ông Kim Gi-bum thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại