Khoảnh khắc quyết định của những ngôi sao trẻ
Trên con đường tiến đến trận chung kết SEA Games 31, các bàn thắng mang tính quyết định của U23 Việt Nam gần như đều qua chân nhóm cầu thủ trên 23 tuổi.
Tiến Linh, Hùng Dũng ghi 2 bàn mở đầu trong chiến thắng 3-0 trước U23 Indonesia. Hùng Dũng có pha lập công mang về 3 điểm quý giá trong trận gặp U23 Myanmar. Đến vòng bán kết, Tiến Linh đánh đầu sau cú treo bóng của Hùng Dũng để giúp U23 Việt Nam đánh bại U23 Malaysia.
Về mặt chiến thuật cũng như con người, việc những cầu thủ trên 23 tuổi trực tiếp đặt dấu giày trong nhiều bàn thắng thực tế đến một phần từ ý đồ của chính HLV Park Hang-seo. Nhà cầm quân người Hàn Quốc dùng cả 3 suất viện binh cho tuyến tiền vệ-tiền đạo với Hoàng Đức, Hùng Dũng và Tiến Linh để tăng cường sức tấn công cho U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, thầy Park cũng vẫn luôn trao cơ hội cho các chân sút trẻ và chờ đợi họ vượt qua sức ép của một sân chơi lớn để toả sáng.
Cuối cùng, khoảnh khắc mà HLV Park Hang-seo luôn mong mỏi đến vào thời điểm quan trọng nhất giải đấu: những phút cuối trận chung kết. Phan Tuấn Tài kiến tạo cho Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu ghi bàn quyết định đánh bại U23 Thái Lan, mang về chiếc HCV.
Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu mở tỷ số | Bóng đá nam SEA Games 31 (Phú Quý)
Nhâm Mạnh Dũng là người hùng của U23 Việt Nam trong trận chung kết SEA Games 31.
Nhâm Mạnh Dũng dĩ nhiên là trong độ tuổi U23. Còn Phan Tuấn Tài thậm chí mới tròn 21 tuổi cách đây chưa lâu và vẫn có thể tham dự tiếp một kỳ SEA Games nữa. Sau khi được những người đàn anh nâng bước, các ngôi sao trẻ đã tiến lên nắm lấy cơ hội để ghi dấu vào lịch sử.
"Món quà" quý giá của HLV Park Hang-seo
Trước mỗi kỳ SEA Games, câu chuyện so sánh giữa các lứa cầu thủ U23 lại gây nhiều tranh cãi. Lứa U23 Việt Nam hiện tại cũng bước vào giải đấu với áp lực rất lớn. Họ có nhiệm vụ phải bảo vệ tấm HCV nhưng lại chịu những thiệt thòi nhất định so với lứa đàn anh.
Dịch Covid-19 tước đi hàng loạt cơ hội thi đấu cọ xát quan trọng của U23 Việt Nam. Việc V.League bị huỷ và thay đổi thể thức thi đấu cũng làm những cầu thủ trẻ thiếu đi một sân chơi quan trọng để tích luỹ kinh nghiệm.
Nhưng rồi, từng trận đấu trôi qua, lứa U23 dần chiếm được niềm tin nơi người hâm mộ. Tiến Long hợp cùng Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh thành bộ ba 3 "lá chắn thép" trước khung thành. Tuấn Tài, Văn Đô, Văn Xuân mang tới sự hứng khởi trong các pha đánh biên.
Phan Tuấn Tài vụt sáng tại 2 giải đấu liên tiếp là U23 Đông Nam Á và SEA Games 31.
Những Lý Công Hoàng Anh, Huỳnh Công Đến, Văn Tùng trở nên vững vàng hơn. Và Nhâm Mạnh Dũng, người từng có thời gian chơi như một trung vệ, trở lại hàng tiền đạo để ghi bàn thắng lịch sử.
Ngay cả ở những nền bóng đá lớn như Brazil, Đức hay Pháp, việc cứ 2 năm lại cho ra lò một lứa cầu thủ với các ngôi sao kiệt xuất cũng là điều bất khả thi. Mỗi lứa cầu thủ đều có một đặc điểm riêng và điều quan trọng là tìm ra cách tốt nhất để phát huy thực lực của họ.
Chia tay đội U23 Việt Nam sau SEA Games 31, thầy Park đã trao cho các ngôi sao trẻ một "món quà" quý giá là sự tự tin, rằng họ có thể làm được những điều tuyệt vời như những đàn anh. Nhưng "món quà" ấy cũng dành cho cả những nhà làm bóng đá và người hâm mộ Việt Nam nữa, mỗi lứa cầu thủ đều cần được đặt niềm tin và tạo cho những cơ hội để toả sáng.
HLV Park Hang-seo đã làm việc với 3 lứa U23 Việt Nam khác nhau và đều có những thành công rực rỡ (lọt vào chung kết U23 châu Á 2018, 2 lần giành HCV SEA Games).
Chỉ ít ngày nữa thôi, U23 Việt Nam sẽ lại bước vào một giải đấu lớn là VCK U23 châu Á. Dù điều gì xảy ra, giải đấu cũng là một bước quan trọng trong quá trình trưởng thành của họ.
Tâm sự trong ngày nhận HCV SEA Games, tiền đạo Tiến Linh mơ một ngày đội tuyển Việt Nam hiện diện ở VCK World Cup. Đó là mong ước quá tầm với ở thời điểm hiện tại, nhưng không phải là không thể trong tương lai khi World Cup mở rộng cho 48 đội, nếu như mỗi lứa cầu thủ trẻ đều được chăm chút và nâng tầm.