Đằng sau quyết định tấn công của TT Biden: Chiến tranh Mỹ - Iran có nguy cơ bùng phát?

Thi Anh |

Ông Biden không có nhiều lựa chọn khi quyết định tấn công nhằm vào các mục tiêu có liên quan tới Iran, CNN nhận định.

Quân đội Mỹ ngày 2/2 đã tiến hành không kích nhằm vào hơn 85 mục tiêu ở Iraq và Syria, có liên quan tới Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng các nhóm vũ trang mà Mỹ cho là Iran hậu thuẫn. Đây được cho là động thái nhằm đáp trả cho cuộc tấn công hồi cuối tuần trước tại Jordan khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng. 

Những cuộc tấn công, trong đó có sử dụng các máy bay ném bom tầm xa B-1 được điều tới từ Mỹ, là đợt đầu tiên trong loạt phản ứng đa tầng mà chính quyền của Tổng thống Biden dự tính. Theo truyền thông Mỹ, Washington dự kiến sẽ tiến hành thêm nhiều chiến dịch quân sự trong vài ngày tới. 

Ngắn, sắc bén nhưng không bất ngờ

Đánh giá về các cuộc không kích hôm 2/2, CNN cho rằng, mục đích của động thái này là để tạo cảm giác tàn khốc, và đó cũng có thể là cảm nhận của các nhóm phiến quân mục tiêu khi hứng chịu các đợt tấn công. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, hoạt động không kích nhằm vào hơn 85 mục tiêu ở Iraq và Syria được CNN cho là phản ứng đáp trả tương đối hạn chế trước tổn thất tồi tệ nhất về người mà Mỹ phải trải qua tại khu vực này trong gần 3 năm qua. 

Theo nhận định của CNN, cuộc tấn công đêm 2/2 cố gắng "tạo tiếng động lớn" nhưng nhiều khả năng sẽ "không vang dội lâu". 

Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết, Mỹ đã điều các máy bay ném bom hạng nặng tới tấn công hơn 85 mục tiêu ở 7 địa điểm. Các cuộc không kích có thể được tính toán để tạo ra nhiều thiệt hại hơn vào sáng hôm sau nhưng tổn thất này vẫn còn xa so với điều mà Lầu Năm Góc có thể truyền đạt. 

Theo thông tin từ Nhà Trắng, cuộc tấn công của Mỹ nhằm đáp trả Iran kéo dài 30 phút. Chiến dịch ngắn, có thể coi là sắc bén, nhưng hoàn toàn không hề gây bất ngờ. Đó là một lựa chọn rõ ràng và có tính toán, CNN nhận định. 

Đằng sau quyết định tấn công của TT Biden: Chiến tranh Mỹ - Iran có nguy cơ bùng phát?- Ảnh 1.

Trong chiến dịch lần này của Mỹ có sự tham gia của máy bay ném bom hạng nặng tầm xa B-1. Ảnh: U.S. Air Force | Chris Hibben

Chính quyền của Tổng thống Biden đã đối diện với một nhiệm vụ gần như bất khả thi: Vừa phải tấn công đủ mạnh để thể hiện được lập trường của mình, nhưng cũng phải đảm bảo đối thủ có thể chịu đựng được mà không tấn công đáp trả. 

Mỹ đã điện báo phản ứng của mình trong vòng 5 ngày, các quan chức cấp cao của Mỹ nắm được bản chất, mức độ nghiêm trọng của sự vụ và thậm chí còn ám chỉ về các mục tiêu trong kế hoạch. 

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Mỹ đã báo cho chính quyền Iraq về kế hoạch trước khi tiến hành không kích dù Mỹ không liên lạc gì với Iran kể từ vụ tấn công ở Jordan.

Theo CNN, động thái cảnh báo này nhiều khả năng được đưa ra nhằm giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm, và có lẽ là tạo điều kiện cho các phiến quân chuyển dịch địa điểm, giảm bớt tổn thất về người. Việc này cũng có thể nhằm mục đích đảm bảo các cuộc tấn công của Mỹ không bị nhầm tưởng là của Israel. 

(Nếu cuộc tấn công do Israel thực hiện thì động thái này có nguy cơ châm ngòi cho hành động trả đũa nhằm vào người Israel và rủi ro tạo ra một vòng xoáy leo thang mới.)

Nguy cơ Mỹ - Iran đối đầu ở mức nào?

Việc xung đột diện rộng chưa bùng phát ở Trung Đông 4 tháng sau khi Hamas tấn công Israel (gây ra tình trạng xung đột kéo dài ở Gaza) gần như là một phép màu. 

Thế nhưng nói về cuộc tấn công trả đũa của Mỹ đêm 2/2, CNN cho rằng, bất chấp căng thẳng âm ỉ giữa Mỹ cùng đồng minh và các lực lượng ủy nhiệm của Iran, nguy cơ bùng phát xung đột diện rộng vẫn không lớn. 

Theo CNN, có một vài trường hợp dẫn tới khả năng bùng phát chiến tranh, hoặc là cả hai phía đều mong muốn (trường hợp này thì rất hiếm hoi), phổ biến hơn là khi cả hai bên xác định xung đột là không tránh khỏi, đôi khi là do họ không còn không gian cho ngoại giao nữa, hoặc họ bị cuốn vào theo một vòng xoáy leo thang điên cuồng. 

"Cuộc đáp trả của chúng tôi bắt đầu ngày hôm nay và sẽ còn tiếp diễn vào thời điểm, cũng như địa điểm mà chúng tôi lựa chọn", ông Biden nói trong một thông cáo, cho thấy Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các cuộc tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng nhấm nmạnh: "Đây mới chỉ là khởi đầu".

Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ không muốn chiến tranh với Iran và tin rằng Iran cũng không muốn xung đột. 

Đằng sau quyết định tấn công của TT Biden: Chiến tranh Mỹ - Iran có nguy cơ bùng phát?- Ảnh 2.

Tổng thống Biden trực tiếp đón thi thể ba lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan. Ảnh: Yonhap

Cả Iran và Mỹ đều không muốn chiến tranh xảy ra. 

Chính quyền của ông Biden đang đứng trước một cuộc bầu cử lớn. Họ thực sự không cần tới một cuộc phiêu lưu tốn kém nào khác, không muốn đối mặt với rắc rối về chính sách với Israel hay thậm chí là tình trạng giá dầu gia tăng.

Kinh tế Iran thì vẫn bấp bênh, bất ổn trong nước vẫn chưa phải ký ức xa vời và bản thân nước này thì đang ấp ủ những mục tiêu lớn hơn về gây dựng ảnh hưởng trong khu vực, tận dụng mối quan hệ với Moscow.

Chính vì những lẽ đó, CNN cho rằng, đối với cuộc khủng hoảng này, cả Tehran và Washington sẽ sẵn lòng bỏ qua phương án đối đầu trực tiếp. 

Kể từ ngày 7/10/2023, Iran được cho là đã gia tăng làm giàu uranium ở mức hơn 83% tinh khiết, rất gần với cấp độ vũ khí. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, có khả năng, quá trình làm giàu uranium của Iran đã chậm lại trong vài tuần gần đây nhưng nguy cơ phổ biến hạt nhân thì gần hơn. 

CNN nhận định, nhiều khả năng sẽ xuất hiện những quan điểm chỉ trích chính quyền ông Biden vì không đưa ra các phản ứng mạnh mẽ và thẳng thừng như ông Trump hồi 2020. Nhưng quan niệm cho rằng vũ lực là phương tiện duy nhất để thể hiện sức mạnh rất nguy hiểm.

Lựa chọn của Biden

Tình trạng bất ổn và hàm chứa nhiều nguy cơ đã khiến ông Biden không có nhiều lựa chọn.

Khi người tiền nhiệm của ông, Donald Trump, ra lệnh tấn công nhằm vào nhân vật quân sự tối cao của Iran, Tướng Quds Qasem Soleimani hồi 2020, khu vực này vẫn còn cách xa bờ vực khủng hoảng.

Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát một cuộc đối đầu toàn diện vào 2024 là lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Những sai lầm, hoặc thành công không mong đợi, có thể tạo ra các chuỗi sự kiện, và từ đó dẫn đến xung đột diện rộng không thể tránh khỏi.

Mỹ có thể gây ra rất nhiều thiệt hại, ở bất cứ đâu họ tìm kiếm, vào bất kỳ thời điểm nào. Cho đến thời điểm hiện tại, Biden không đưa thêm lính Mỹ tới nơi diễn ra xung đột trên danh nghĩa trả thù cho cái chết của 3 người đồng đội. CNN cho rằng, đó không phải là một quyết định yếu đuối. 

Hãng thông tấn Mỹ nhấn mạnh, nên nhớ một điều rằng, quyết định mạnh mẽ của ông Trump hồi 2020 cũng không giúp Mỹ tránh được việc đi tới bước đường hiện tại. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại