Pha ngớ ngẩn lịch sử
Ngày 22 tháng 6 năm 1974, trên sân Parkstadion Gelsenkirchen (Đông Đức cũ), chỉ còn chừng 5 phút nữa là trận đấu lượt cuối cùng vòng bảng VCK World Cup giữa Brazil và Zaire kết thúc. Brazil được hưởng một quả đá phạt trực tiếp các khung thành đối phương chừng 25m. Các cầu thủ Brazil đặt bóng, lùi lại, chuẩn bị thực hiện cú sút phạt. Khi ấy, tỷ số đang là 3-0 nghiêng về họ.
Đột nhiên, từ hàng rào của đội nhà, Mwepu Ilunga - hậu vệ của Zaire lừ lừ bước lên, lấy đà rồi co chân sút mạnh quả bóng về phần sân của Brazil. Các cầu thủ Brazil, trọng tài, khán giả trên sân, tất thảy đều ngạc nhiên cực độ. Trọng tài rút thẻ vàng phạt Mwepu Ilunga và cho Brazil thực hiện lại quả đá phạt.
Pha bóng đi vào lịch sử của Mwepu Ilunga
Cả thế giới cười vào mặt Mwepu Ilunga, cả thế giới cười vào mặt bóng đá châu Phi, như thể họ "mới từ rừng rú bước ra". Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều người cười lăn lộn khi xem lại pha bóng ấy.
VCK năm ấy, đội bóng đến từ châu Phi này thua trọn vẹn cả 3 trận vòng bảng. Nhưng đấy chẳng phải là điều quan trọng nhất. Ngày ấy, điều thắc mắc lớn nhất của những người chứng kiến là chả nhẽ các cầu thủ Zaire "đói văn minh" đến mức không thể hiểu được thậm chí những luật lệ cơ bản nhất của bóng đá?
Không phải thế. Zaire ngày ấy không phải là một đội bóng tệ. Họ là đội bóng đầu tiên trong lịch sử dùng 100% cầu thủ da đen để đoạt chức vô địch CAN năm 1974, qua đó giành tấm vé tham dự VCK World Cup. Dĩ nhiên, tất cả cầu thủ của họ đều cực kỳ chuyên nghiệp. Và quan trọng nhất, Mwepu Ilunga biết chính xác mình làm gì trong pha bóng được gán mác "lố bịch nhất lịch sử" ấy.
Cú sút ấy là lời chửi thề nhằm vào một trong những kẻ độc tài quyền lực nhất, và cũng ác ôn nhất thế giới trong thế kỷ XX - người đang nắm trong tay sinh mạng gia đình của các cầu thủ Zaire có mặt trên sân trận đấu ấy.
Lịch sử đẫm máu sau bức màn nhung
Lịch sử của quốc gia Cộng hòa dân chủ Congo (mang tên Zaire từ năm 1971 đến 1979) là cơn ác mộng kéo dài qua hai thế kỷ gần nhất, và vẫn đang tiếp tục.
Năm 1884, các siêu cường châu Âu nhóm họp tại Berlin để ăn chia "chiến lợi phẩm" mang tên Châu Phi. Quốc vương Bỉ Leopold nhanh tay chiếm cho mình lãnh thổ rộng lớn nhất ở Trung Phi, và đặt tên cho nó là Congo Free State. Dưới sự cai trị của người Bỉ, người dân Congo bị bóc lột đến tận xương tủy (23 năm vua Leopold cai trị, dân số của quốc gia này giảm đi một nửa.
Sự khốn cùng vẫn bao vây những người dân ở đây, dẫu cho được chuyển giao sang sự cai trị trực tiếp của chính phủ Bỉ từ năm 1908 đến tận 1960.
Và hi vọng chỉ đến với họ cùng cái tên Patrice Lumumba - thủ tướng do dân bầu đầu tiên trong lịch sử quốc gia này, ngay sau khi người Bỉ rút khỏi Congo vào tháng Giêng năm 1960.
Patrice Lumumba nhậm chức trong sự vui sướng của người dân Congo.
Patrice Lumumba là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, vì dân và chính trực. Ngay trong bài phát biểu của mình trước các đại biểu của Bỉ, cũng như giới truyền thông phương Tây tại Liên Hiệp quốc, ông thẳng thừng lên án Bỉ và các cường quốc châu Âu khác về sự áp bức, bóc lột, bất công mà họ áp đặt lên châu Phi suốt những năm tháng rên xiết dưới ách thực dân.
Nhà lãnh đạo này chọn cho dân tộc mình con đường xã hội chủ nghĩa, giữa thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh. Dễ hiểu khi ông nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Eisenhower, biến mình thành mục tiêu hàng đầu của CIA.
Song, quan trọng hơn thế, Congo còn là mỏ uranium trữ lượng cực cao. Lượng uranium dùng để chế tạo hai quả bom mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima và Nagasaki được khai thác từ chính miền Nam Congo.
Thủ tướng Patrice Lumumba bị bắt trước khi lĩnh án tử hình từ Mobutu.
Cuối năm 1961, tuyệt vọng trong việc đàm phán ăn chia nguồn tài nguyên mang đậm ý nghĩa quân sự này, lực lượng quân đội Mỹ cùng lính NATO và Bỉ thực hiện đảo chính, bắt giữ Lumumba, giao lại cho tướng quân đội Mobutu - người sau này ra lệnh tử hình Lumumba và lên ngôi.
Câu chuyện bóng đá cũng bắt đầu từ đây...
Chính thức nhậm chức tổng thống Congo năm 1965, sau khi thủ tiêu hàng loạt nhân vật cao cấp bất đồng ý kiến của mình, cũng như từng thân Lumumba, Mobutu nhanh chóng kiến tạo nên một chính quyền độc tài, bất lương và tàn bạo nhất thế giới ở nửa sau thế kỷ XX, với quan hệ gần gũi và đậm màu quyền lực với các đời tổng thống Mỹ, từ Carter, Reagan cho đến Bush cha.
Năm 1970, sau khi củng cố quyền lực tuyệt đối bằng chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử, Mobutu chính thức đổi tên quốc gia thành Zaire, và cũng đổi tên mình thành "Mobutu Sesse Koko Ngbendu Wa Za Banga" - có nghĩa là "Chiến binh mạnh mẽ nhất vì sự quyết tâm và kiên định để giành chiến thắng, sẽ đi từ cuộc chinh phạt này đến cuộc chinh phạt khác, trải hào quang trên con đường mình bước qua".
Mobutu hội đàm cùng tổng thống Mỹ Nixon.
Mobutu là một fan nhiệt thành của thể thao, nhất là bóng đá và quyền Anh. Năm 1965, trong lúc quốc gia đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng vì nạn đói, nhà độc tài này vẫn tổ chức một giải bóng đá lớn để chào mừng ngày "lên ngôi" của mình.
Ba năm sau, dẫu quằn mình trong khủng hoảng, Zaire vẫn phải chi một khoản ngân sách khổng lồ để hiện thực hóa tham vọng của Mobutu bằng chiếc cúp vàng vô địch CAN 1968.
Năm 1974, Zaire lại thêm lần nữa vô địch CAN, trong khi quốc gia rơi vào tình trạng nghèo đói đến mức kiệt quệ, trừ những người thân cận của Mobutu.
Tất nhiên, các cầu thủ bóng đá đưa Zaire cùng Mubutu lên đỉnh châu Phi cũng được hưởng những ưu đãi trên đỉnh xã hội. Mobutu yêu quý họ đến mức đặt biệt danh cho ĐTQG là "The Leopard" (lấy từ hình ảnh chiếc mũ làm từ da báo đốm thường trực xuất hiện cùng nhà độc tài này). Với chức vô địch đem về từ Cairo (Ai Cập), các cầu thủ ngập chìm trong những phần thưởng đắt giá.
Đội hình Zaire tham dự VCK World Cup 1974.
"Ông ấy đối xử với chúng tôi như một người cha. Mobutu mời chúng tôi đến nhà, tặng cho mỗi người một ngôi nhà, cùng một chiếc xe hơi", Mwepu tâm sự với BBC rất nhiều năm sau đó.
Sau gót chân là lưỡi dao sắc lạnh
Được góp mặt tại giải đấu lớn nhất hành tinh là vinh dự tột cùng của bóng đá Zaire. Mobutu cũng coi đây là cơ hội tuyệt vời để tuyên truyền cho chế độ của mình, dẫu vẫn đủ sự tỉnh táo để biết rằng cơ hội chiến thắng của đội nhà ở World Cup 1974 là cực nhỏ, và cũng chỉ yêu cầu các cầu thủ đừng làm bẽ mặt mình bởi những màn trình diễn tại đây.
Gục ngã 0-2 ở trận đấu đầu tiên bởi cú volley xuất thần của Peter Lorimer, cùng cú đánh đầu hiểm hóc của Joe Jordan bên phía Scotland, hàng thủ Zaire đã chơi cực tốt, và hàng công cũng có vài cơ hội nguy hiểm. Theo sự đánh giá của các chuyên gia Tây phương, Zaire là đội bóng "chơi được". Dẫu vậy, Mobutu lại không nghĩ thế.
Nhưng trận đấu thứ hai thực sự là thảm họa. Tỷ số 0-9 trước Nam Tư lập kỷ lục mới của các VCK World Cup, và đến tận bây giờ vẫn chỉ bị phá bởi trận thua 1-10 của Hungaria trước El Salvador năm 1982.
Trận thua 0-9 trước Nam Tư là thảm họa của Zaire.
Dĩ nhiên là Mobutu cảm thấy thất vọng và nhục nhã ghê gớm. Khi cơn giận lên mức đỉnh điểm, máu độc tài của Mobutu trỗi dậy.
"Ông ta gửi đội cận vệ đến khách sạn.Họ đóng tất cả các cửa ra vào, cách ly các cầu thủ với giới truyền thông trước khi truyền đạt thông điệp của ông: Nếu thua đến 4 bàn cách biệt ở trận cuối, tất cả các cầu thủ sẽ không ai được phép đặt chân về quê hương", Mwepu kể lại với BBC năm 2002.