Hai pha ghi bàn ấy là vào lưới của Serbia, và cả hai pha ăn mừng đấy chắc chắn cả Granit Xhaka lẫn Xherdan Shaqiri đều chỉ dành riêng cho trận đấu này. Cả hai cầu thủ chơi cho ĐTQG Thụy Sỹ này đều là người gốc Albania, vậy nên với họ, đây không chỉ là bóng đá, mà còn là cơ hội để nhắc lại mối thù dân tộc.
Pha ăn mừng với hai bàn tay đan vào nhau, các ngón khác mở rộng, riêng hai ngón tay cái khóa lấy nhau là biểu tượng của con đại bàng hai đầu - linh vật trên quốc kỳ của Albania.
Trong khi Shaqiri được sinh ra ở Kosovo, thì bố mẹ của Xhaka đều sinh ra và lớn lên ở đây. Cuộc chiến Kosovo, đi kèm với sự sụp đổ của liên bang Nam Tư đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.500 người, trong đó có hơn 10.000 nạn nhân là người Albania ở Kosovo.
Cuộc chiến ấy là vết hằn sâu chưa thể quên nổi với những người Albania. Ước tính có khoảng 200.000 trong số 1,8 triệu người Albania ở Kosovo phải chạy tị nạn sang Thụy Sỹ. Không chỉ riêng Granit Xhaka lẫn Xherdan Shaqiri, trong đội hình của Thụy Sỹ ở World Cup lần này, Valon Behrami cũng cùng chung cảnh ngộ.
Đôi giày Nike Mercurial mà Xherdan Shaqiri đi ra sân trong trận đấu với Serbia, nếu như chiếc bên trái có in hình lá cờ Thụy Sỹ, thì chiếc bên phải là lá cờ của Kosovo.
Năm 2014, Kosovo chính thức được Ủy ban Olympic quốc tế công nhận là thành viên, và hai năm sau được FIFA và UEFA công nhận. Tuy nhiên Serbia chưa bao giờ chịu công nhận họ. Tháng Năm vừa qua, chính quyền Serbia từng ra sức ngăn cản đội tuyển karatedo của Kosovo tham dự giải vô địch châu Âu tổ chức tại Novi Sad.
Vì thế, ở World Cup 2018, khi Thụy Sỹ đứng chung bảng với Serbia, toàn thể Kosovo và những người gốc Albani định cư tại Thụy Sỹ hết sức mong chờ một chiến thắng, và hơn thế là một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục với 2 bàn thắng đến từ hai cầu thủ đồng hương của mình.
"Toàn bộ Kosovo sẽ đứng trước màn hình TV để cổ vũ cho Thụy Sỹ có được chiến thắng trước Serbia", Daut Maloku - một giáo viên 46 tuổi gốc Albania phát biểu với AFP.
"Khi đội tuyển Thụy Sỹ ra sân, chẳng khác nào Kosovo ra sân cả", Qahil Halili - một người Albani sống ở Zhegra, nơi Shaqiri được sinh ra tâm sự. "Thụy Sỹ là đội tuyển quốc gia thứ ba của chúng tôi, sau Kosovo và Albania".
"Ở đây, người ta ăn mừng chiến thắng của Thụy Sỹ thậm chí còn tưng bừng hơn cả người Thụy Sỹ", phóng viên thể thao Shkumbin Sekiraqa cho hay.