Phát ngôn viên cảnh sát bang Plateau cho biết khoảng 86 người thiệt mạng, 6 người bị thương và ít nhất 50 ngôi nhà bị phá hủy ở những ngôi làng của người Berom trong vụ bạo lực hôm 23-6.
Cuộc đụng độ khốc liệt diễn ra sau khi các nông dân thuộc tộc Berom tấn công cộng đồng chăn gia súc Fula làm chết 5 người hôm 21-6. Tới ngày 24-6, thanh niên Berom dựng hàng rào trên đường cao tốc Jos-Abuja và tấn công những người lưu thông "trông giống người Fula và Hồi giáo".
Tình hình nghiêm trọng buộc chính quyền bang Plateau ban bố lệnh giới nghiêm ở các khu vực Riyom, Barikin Ladi và Jos South từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau.
Dù vậy, bạo lực còn xảy ra ở bang Adamawa, Đông Bắc Nigeria, khi người Fula và nông dân tộc Bachama ở làng Dowayan đánh nhau hôm 22-6, làm ít nhất 6 người thiệt mạng và 7 người bị thương.
Vụ việc bắt đầu khi nông dân Bachama ngăn người Fula chăn thả ở một cánh đồng bên ngoài làng, thậm chí đốt cả khu định cư của người Fula. Kết quả là cộng đồng chăn gia súc này kéo đến làng Dowayan đốt nhiều nhà cửa trả thù.
Tình trạng bạo lực đẫm máu nêu trên là hệ quả của sự xung đột chủng tộc, tôn giáo, chính trị cộng với việc tranh chấp dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ về quyền sử dụng đất và nguồn tài nguyên.
Những người chăn gia súc Fula (hầu hết theo đạo Hồi) bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, buộc phải Nam tiến vào các cộng đồng nông nghiệp đông đúc (chủ yếu là người Cơ đốc giáo) để tìm kiếm nơi chăn thả an toàn.
Bùng nổ từ năm 2013, đến nay đã có hàng ngàn người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ này. Các nhà phân tích còn lo sợ mối lo ngại an ninh nêu trên sẽ làm lu mờ các mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram, vốn đã tàn sát ít nhất 20.000 người chết kể từ năm 2009.
Đây cũng sẽ là vấn đề gây áp lực cho Tổng thống Muhammadu Buhari trong cuộc bầu cử vào năm tới. Tổng thống Buhari và chính phủ của ông đã đề xuất thành lập các trang trại nuôi gia súc để ngăn chặn đụng độ nhưng ông vẫn bị chỉ trích do bản thân là người Hồi giáo tộc Fula.
Ngoài ra, tổng thống Nigeria nhiều lần đổ lỗi bạo lực leo thang cho sự gia tăng vũ khí từ Libya sang. Những người khác lại cho rằng lực lượng an ninh Nigeria bận rộn chống Boko Haram ở miền Bắc và quân nổi dậy ở miền Nam nên không còn đủ sức can thiệp vào cuộc đổ máu ở miền Trung.