Đằng sau những ca mổ cân não của bác sĩ ung thư: Vừa chữa bệnh, vừa điều trị tâm lý, cứu bệnh nhân khỏi lằn ranh sống – chết

Thu Hoài - Thiết kế: Quỳnh Anh |

Lần đầu tôi được cầm dao mổ chính, tôi thậm chí còn nhớ mãi tên, tuổi, tình trạng bệnh, diễn biến ca mổ và vẻ mặt và ánh mắt của bệnh nhân đó cả trước và sau mổ dù đã hơn 10 năm rồi, bác sĩ Hà Hải Nam tâm sự. Tôi gặp bác sĩ Hà Hải Nam Phó trưởng khoa Ngoại Bụng I, bệnh viện K Tân Triều vào 1 buổi chiều, sau khi anh vừa kết thúc 2 ca mổ trong ngày. Đó là một trong những ngày hiếm hoi anh kết thúc công việc sớm. Dù trong cuộc trò chuyện, không ít lần anh nhận điện thoại báo cáo và xin ý kiến về tình hình bệnh nhân. Công việc cứu người của những thiên thần áo trắng là liên tục, không ngừng nghỉ

- Đã nhiều năm làm bác sĩ phẫu thuật UT, anh có thể chia sẻ vì sao anh lựa chọn và theo đuổi ngành Y?

Khi mới sinh ra, tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh tắc mật bẩm sinh. Bố đi công tác xa, một mình mẹ ôm tôi đến 3 bệnh viện lớn nhất Hà Nội là Bệnh viện Nhi trung ương, Bạch Mai, Việt Đức. Mỗi bệnh viện viện lại có một chẩn đoán khác nhau (u gan, tắc mật, xơ gan). Tôi nghe mẹ kể lại, khi ấy các bác sĩ đã phải thẳng thắn nói là "thôi về sinh đứa khác". Nhưng bằng một phép màu nào đó mà tôi vẫn còn tồn tại đến thời điểm này.

Vì vậy khi học đến cấp 2, tôi đã nung nấu ý chí phải tìm hiểu xem tại sao khi đó các bác sĩ lại chẩn đoán như vậy, phải chăng giới hạn của Y khoa khi đó đã không thể chẩn đoán chính xác tình trạng của tôi. Từ đó, tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ.

Một phần cũng bởi gia đình tôi khi ấy có mẹ rất yếu, bà ngoại chưa đến 70 mà đã bị tai biến phải nằm 1 chỗ. Khi chăm sóc bà, tôi đã thủ thỉ với bà rằng ước mơ của tôi là trở thành bác sĩ để chăm sóc cho mọi người trong gia đình, bà đã khóc và động viên tôi phải nỗ lực thật nhiều để theo đuổi ước mơ.

Thêm nữa, bố mẹ cũng mong muốn tôi trở thành bác sĩ, vì trong gia đình có ông nội và bác trai đều mất vì ung thư. Bố tôi lại từng phải mổ thủng dạ dày từ lúc tôi học lớp 10 và được chẩn đoán có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Từ khi học cấp 3, tôi đã định hướng rất rõ ràng việc học khối B để thi vào y khoa. Và sau này tự định hướng đi theo ngành Ung thư.

Đằng sau những ca mổ cân não của bác sĩ ung thư: Vừa chữa bệnh, vừa điều trị tâm lý, cứu bệnh nhân khỏi lằn ranh sống – chết - Ảnh 1.

- Anh đã có câu trả lời cho câu hỏi thuở nhỏ chưa?

Tôi nghĩ là chẩn đoán ngày ấy đúng nhưng chưa đúng hẳn. Tôi đúng là bị tắc mật nhưng chỉ là bán tắc mà thôi. Có lẽ hồi đó do phương tiện y tế rất khó khăn và y học cũng chưa có nhiều tiến bộ và cả những giới hạn. Thật may mắn là bây giờ tôi vẫn ngồi được ở đây. (Cười!)

-Theo anh, để trở thành một bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao, những yếu tố nào là điều kiện tiên quyết?

Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên phải là sự tâm huyết, yêu nghề. Thứ hai là thấu hiểu, đồng cảm với nỗi đau của người bệnh. Từ đó chúng ta mới có nhiệt huyết để tìm hiểu và nâng cao tay nghề chuyên môn của mình.

Thứ 3 là sự may mắn. Về công tác tại bệnh viện K từ 2009, ở môi trường này tôi có cơ hội tiếp cận được nhiều kỹ thuật điều trị bệnh hiện đại, có cơ hội để phát triển nâng cao năng lực bản thân. Tôi rất may mắn khi không chỉ có một mà nhiều người thầy giỏi đỡ đầu, luôn tạo điều kiện để tôi có thể học tập và phát huy năng lực.

Thứ 4, đó là cần sự động viên và khích lệ từ chính các thành viên trong gia đình. Chỉ khi các thành viên trong gia đình thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ thì chúng tôi mới có thể an tâm công tác. Và không thể thiếu sự nỗ lực của chính bản thân. Khi hài lòng với những gì mình đã và đang có thì chúng ta sẽ thôi cố gắng, trong khi bệnh nhân, người nhà người bệnh và cả xã hội yêu cầu ở bác sĩ nhiều điều hơn thế rất nhiều.

May mắn là cho tới hiện tại, tôi vẫn được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các thầy và đồng nghiệp quý mến và tin tưởng. Tôi cũng cảm thấy dường như nghề chọn mình vậy nên bản thân cảm thấy bản thân rất phù hợp và có những tiến bộ đáng kể trong sự nghiệp.

- Đã tham gia rất nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, bác sĩ còn nhớ đến ca phẫu thuật đầu tiên của mình diễn ra như thế nào không?

Lần đầu bước vào phòng mổ là lúc tôi còn là sinh viên, phụ cho một bác sĩ nội trú mổ ca cắt đùi của người bị tai nạn giao thông. Ban đầu, khi được thông báo tham gia ca mổ, tôi vô cùng háo hức, tự hào. Nhưng đứng trong phòng mổ từ 3 giờ đêm tới 6 giờ sáng, bê chiếc đùi của bệnh nhân để đàn anh mổ thì cùng mệt mỏi vì… nặng. Sáng hôm sau về đến trường học lý thuyết, tôi thật sự mệt rũ cả người.

Còn cảm xúc lần đầu tôi được cầm dao mổ chính, chính là sự lo lắng, hồi hộp và cả …run run. Nhưng đó thực sự là là cảm xúc phấn chấn, hãnh diện vô cùng vì cột mốc đó đánh dấu sự trưởng thành trong nghề của mình. Tôi thậm chí còn nhớ mãi tên, tuổi, tình trạng bệnh, diễn biến ca mổ và vẻ mặt và ánh mắt của bệnh nhân đó cả trước và sau mổ dù đã hơn 10 năm rồi.

Đằng sau những ca mổ cân não của bác sĩ ung thư: Vừa chữa bệnh, vừa điều trị tâm lý, cứu bệnh nhân khỏi lằn ranh sống – chết - Ảnh 2.

- Chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, đã bao giờ bác sĩ cảm thấy bất lực hay tiếc nuối vì kết quả ca phẫu thuật không như mong muốn?

Tôi có rất nhiều ca mổ lớn chất chứa cảm xúc. 2 tuần trước, tôi vừa thực hiện ca mổ cho bệnh nhân 76 tuổi bị u mô đệm dạ dày ruột. Trong bụng bệnh nhân có cả thảy 6 khối u, mỗi khối từ 12-16cm.

Trước khi mổ tôi đã xác định đây là một ca rất khó, phải cố gắng cắt vì các biện pháp khác không có kết quả. Phẫu thuật dường như là cứu cánh duy nhất.

Sau khi cắt được khối đầu tiên kèm một phần dạ dày, chuyển sang tiếp cận cắt khối thứ 2 thì ekip chúng tôi đã thống nhất phải cắt u kèm thêm cả trực tràng nữa do đã bị u xâm lấn. Chưa kịp thở phào thì thử thách kế tiếp còn được nâng lên cực đại với khối thứ 3 vừa dính dạ dày, xâm lấn tụy và cả lá lách.

Cuối cùng chúng tôi phải cắt thêm 1 phần dạ dày, cắt nửa tụy và hết cả lách. Như vậy, một ca đại phẫu này bằng 4 ca mổ khác cộng lại (cắt dạ dày, trực tràng, tuỵ, lách) với rủi ro cực lớn, nhất là ở đối tượng người bệnh tuổi cao kèm một số bệnh lý phối hợp khác. Nhưng nếu không mổ triệt để như vậy thì bệnh nhân không có cơ hội để điều trị một cách tối ưu nhất.

Ca mổ diễn ra suốt từ 9h sáng đến hơn 3h chiều khiến tôi và cả kíp mổ đều căng thẳng tột độ và có những lúc bị tụt đường huyết. Chúng tôi thậm chí phải tạm ngưng khoảng 5 phút để bơm chút "doping" là những viên kẹo cà phê giúp duy trì sự minh mẫn tối đa để hoàn thành ca mổ tốt nhất. (cười)

Thực tế, không ít ca mổ phức tạp hơn dự đoán của chúng tôi. Có ca dự đoán là cắt được nhưng khi mổ ra thì khối u đã lan tràn hết và buộc phải đóng lại, vô cùng đau xót. Những lúc ấy, chúng tôi vô cùng luyến tiếc, chỉ ước rằng giá như người bệnh có thể đến với bác sĩ sớm hơn khoảng 3 tháng thì đã có thể được giúp đỡ rất nhiều.

- Với những trường hợp mổ ra lại đóng lại, người nhà bệnh nhân thường có những phản ứng thế nào và các bác sĩ sẽ xử trí ra sao?

Khi chúng tôi thông báo với người nhà bệnh nhân về thông tin bệnh không mấy khả quan, đáp lại thường là một khoảng trống im lặng rất dài. Sau 1 vài phút im lặng, cảm xúc của họ sẽ dâng trào, vỡ oà rồi khóc nấc lên khiến người đối diện là các bác sĩ như tôi cũng không kìm được nước mắt.

Thậm chí, từng có nhiều người vợ, người con ngất đi luôn ngay trước mặt tôi khi nghe trao đổi về tình trạng của người thân. Dù chúng tôi đã phải nói giảm, nói tránh đi khi giải thích cho họ. Không phải ai cũng có thể đương đầu trực diện với thực tế trước mắt.

Vì vừa là bác sĩ điều trị, vừa là bác sĩ khám bệnh nên ngay khi chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh ác tính, một cảm xúc rất buồn đã chiếm hữu nơi tâm trí tôi. Có rất nhiều bệnh nhân đi hàng trăm cây số đến khám bệnh, mang theo hy vọng được điều trị, được khỏi bệnh, khỏi đau. Nhưng thật đau đớn khi phải thông báo với họ kết quả bệnh ung thư giai đoạn cuối, không thể điều trị hiệu quả được nữa.

Vì thế, đối với người bệnh và cả thân nhân của họ, chúng tôi phải lựa lời để nói, đôi khi là cả nói dối – những lời nói dối có thiện chí, để giúp bệnh nhân có thêm nghị lực sống để đương đầu với bệnh tật hiểm nghèo trước mắt.

Người bệnh thường không chỉ mang trong mình bệnh ung thư, mà còn rất nhiều bệnh khác tổng hòa trong cơ thể, nên bắt buộc chúng tôi phải tận tâm, sâu sát để giải thích để họ hiểu mà không hoang mang, tuyệt vọng.

Đằng sau những ca mổ cân não của bác sĩ ung thư: Vừa chữa bệnh, vừa điều trị tâm lý, cứu bệnh nhân khỏi lằn ranh sống – chết - Ảnh 3.

-Tâm lý người bệnh đóng vai trò thế nào trong quá trình khám chữa bệnh thưa bác sĩ?

Tâm lý người bệnh quan trọng lắm. Ban đầu là họ sẽ có tâm lý không chấp nhận bệnh tật xảy đến với mình. Phải trải qua thời gian điều trị dài, dần dần họ chấp nhận rằng việc mình có bệnh và căn bệnh không hề đơn giản.

Nhiều bệnh nhân lại rất lạc quan, vui vẻ, dù được dự báo sẽ là một ca mổ rủi ro rất lớn, vẫn bảo các bác sĩ cứ mổ cho tôi, được thì được, mà không được cũng không sao. Điều lạ là dường như kỳ tích lại rất "kết" xảy ra với các bệnh nhân đó, diễn biến điều trị thuận lợi, bác sĩ có thể can thiệp triệt để, tối đa hoá mọi biện pháp điều trị. Năng lượng tích cực từ người bệnh có lẽ cũng là một "phác đồ" không thể thiếu ngay từ thời điểm bắt đầu điều trị.

Ở chiều ngược lại, rất nhiều bệnh nhân suy tư, cân nhắc hồi lâu, tham khảo ý kiến bác sĩ và người nhà rất nhiều ngày, thậm chí có người lên lịch mổ rồi lại xin hoãn hoặc dừng lại, thì diễn biến bệnh lại có xu hướng khó khăn hơn.

Tôi từng có một bệnh nhân trải qua 4 lần mổ. Đó là một phụ nữ gần 70 tuổi, mắc bệnh ung thư dạ dày. Cô dường như đã muốn buông xuôi, muốn từ bỏ điều trị. Thậm chí, ngay một số bác sĩ chúng tôi cũng nghĩ tình trạng của cô khó có cơ hội để tiếp tục. Nhưng chúng tôi thống nhất, phải tìm mọi cách để nâng lên khao khát sống cho bệnh nhân.

Thật diệu kì là sau đó, nhờ sự động viên và hỗ trợ tích cực từ người bạn đời của cô cũng như những nỗ lực tuyệt vời của bản thân, cô đã có sự chuyển biến đáng kinh ngạc và có thể xuất viện với nụ cười hạnh phúc.

Vừa cách đây vài tuần cô ấy có trở lại bệnh viện để thăm hỏi khoa và bác sĩ điều trị trực tiếp là tôi và chia sẻ rất chân thành rằng, chính các bác sĩ đã "cứu sống, tái sinh ra tôi". Thực sự rất cảm ơn khi bệnh nhân đã lựa chọn, trao gửi tin tưởng ở các nhân viên y tế chúng tôi.

Đằng sau những ca mổ cân não của bác sĩ ung thư: Vừa chữa bệnh, vừa điều trị tâm lý, cứu bệnh nhân khỏi lằn ranh sống – chết - Ảnh 4.

- Nhiều tâm lý người bệnh, khi nghe đến ung thư đã coi đó là án tử rồi, dù có điều kiện họ cũng không điều trị. Với trường hợp đó anh xử lý thế nào?

Đây là một tâm lý đã có từ lâu, ăn sâu vào gốc rễ rồi. Thực tế có rất nhiều trường hợp, trong lúc phẫu thuật, bác sĩ phát hiện ra đã quá giai đoạn, không thể can thiệp tích cực nữa, thì tiên lượng đúng là rất xấu.

Cũng có trường hợp khối u tái phát, tiến triển, di căn sau mổ do can thiệp trước chưa chính xác, đầy đủ phác đồ, nhất là những cơ sở không chính quy, không phải chuyên khoa, hoặc người bệnh bỏ dở điều trị. Từ đó hình thành tâm lý rằng ung thư động dao kéo vào là chết.

Sự thật là có đến 50% các loại bệnh ung thư có thể được điều trị khỏi sau khi phẫu thuật.

Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân hiểu: có hơn 200 loại ung thư, không phải ung thư nào cũng có thể mổ được nhưng nếu được chẩn đoán được ở giai đoạn sớm, cơ hội khỏi bệnh là rất rất cao, trong đó, ngoại khoa có vai trò tối quan trọng.

Trên thế giới, khoa học cũng chứng minh rằng phẫu thuật cũng là vai trò tiên quyết đối với rất nhiều bệnh ung thư, thậm chí tỷ lệ điều trị ung thư của những nước cao lên đến 80% mà phẫu thuật là đóng góp chính.

Đằng sau những ca mổ cân não của bác sĩ ung thư: Vừa chữa bệnh, vừa điều trị tâm lý, cứu bệnh nhân khỏi lằn ranh sống – chết - Ảnh 5.

Vì thế, chúng tôi vừa là phẫu thuật viên, vừa là bác sĩ tâm lý để giải thích, đưa ra những dẫn chứng về các trường hợp mổ thành công… Ánh mắt, ngữ điệu, sự tự tin trong lời nói cũng là những điều khiến cho người bệnh tin tưởng. Đôi khi bác sĩ cũng cần linh động trong cách giải thích để khích lệ tinh thần bệnh nhân.

Nhiều trường hợp gia đình con cái đồng ý hết rồi, nhưng bệnh nhân vẫn không chịu mổ thì mình phải kiên trì thuyết phục nhiều ngày. Tuy nhiên không phải trường hợp nào tôi cũng thành công vì niềm tin của họ quá lớn, tiếc là niềm tin đó lại không đặt nơi bác sĩ.

Tôi rất ấn tượng về một bệnh nhân nữ, 35 tuổi bị chuẩn đoán là mắc ung thư trực tràng. Đây là một bệnh có khả năng điều trị triệt để rất tốt bằng phẫu thuật và hóa xạ trị.

Chúng tôi đã lên lịch mổ, thậm chí bệnh nhân đã lên bàn mổ và chuẩn bị gây mê để mổ rồi thì cả mẹ chồng và mẹ đẻ gọi gấp cho cả bệnh nhân và bác sĩ, nói gia đình đã thảo luận lại và đi đến việc thay đổi quyết định, không chấp thuận cho bệnh nhân phẫu thuật nữa. Chính bệnh nhân cũng sững sờ và bàng hoàng, không thể tin vào tai của mình.

Khi đưa bệnh nhân về lại phòng, hai vợ chồng họ đã ôm nhau khóc nức nở. Có lẽ trong gia đình họ, lời nói của hai người mẹ có sức nặng rất lớn. Hai bà mẹ đã trấn an con rằng: Yên tâm vì mẹ đã tìm được thầy rất giỏi có thể chữa khỏi bệnh cho con được mà không cần phẫu thuật(?!).

Niềm tin của họ lớn đến mức tôi cũng phải sững sờ, vì tôi hiểu họ đang đề cập tới "thầy" nào. Thân thể là của người bệnh nhưng có quá nhiều mối quan hệ ràng buộc khiến họ không thể tự đưa ra quyết định cho chính số phận của mình. Bác sĩ như tôi chỉ đóng vai trò tư vấn về phương pháp điều trị và nếu người bệnh, người nhà người bệnh tin tưởng thì chúng tôi mới có thể cung cấp dịch vụ y tế được.

- Áp lực công việc đã rất lớn rồi mà còn phải thường xuyên đối diện với những ca cân não như vậy nữa thì anh làm thế nào để cân bằng cảm xúc của bản thân?

Bác sĩ dù sao cũng chỉ là con người, không thể tránh những lúc cảm xúc bị đẩy tới ranh giới cực đoan: quá xúc động hoặc quá bi quan, tiêu cực. Những lúc ấy tôi phải nhanh chóng lấy lại thăng bằng để tiếp tục công việc. Đấy là nhiệm vụ của tôi, không thể mong chờ sự giúp đỡ của ai cả. Đôi khi, nhắm mắt hít thở sâu 5-10 phút như một cách tự thiền mang lại hiệu quả cực lớn cho tôi những lúc như vậy.

Sau một ca mổ thất bại, tôi cảm giác thế giới dường như sụp đổ vậy, tất cả mọi định kiến đều hướng sự chỉ trích tới mình. Ngay cả bản thân cũng liên tục tự vấn, tại sao lại như vậy? Khi ấy, nếu thực sự không có ai bên cạnh để sẻ chia, an ủi, đồng cảm, thì rất có thể dẫn tới ranh giới cận trầm cảm. Một người bạn tâm giao lúc này quả thực không thể thiếu, họ có thể cho mình những lời khuyên thiết thực.

Nếu mang cảm xúc bi quan, tiêu cực, hay quá xúc động vào trong công việc, người ta dường như không làm chủ được chính mình và do vậy sẽ dẫn đến việc ra quyết định không sáng suốt. Những lúc ấy, phải học cách tự trấn an bản thân trước vì không ai giúp được mình tốt nhất ngoài chính mình cả. Quan trọng là dù trong anh có cảm xúc gì chăng nữa thì những vấn đề, những rắc rối vẫn ở đó, đã được giải quyết chưa? Mang theo các cảm xúc tiêu cực ấy thì dù chỉ là những sự việc rất nhỏ thì bản thân cũng chẳng thể tìm ra hướng giải quyết sao cho thấu tình đạt lý được.

Trong các ca phẫu thuật ngàn cân treo sợi tóc, chỉ cần mình lơ là mất tập trung một chút là sẽ ảnh hưởng đến cả một ekip, ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh, khiến tất cả mọi người đều trở nên hoang mang tột độ. Dẫu vậy, như quả bóng căng quá thì phải xả bớt hơi ra một chút cũng tốt mà, cũng phải cáu giận, dậm tay dậm chân… thì cảm xúc mới thoát ra được và cân bằng lại được nhanh nhất. Nói thế thôi, chứ tôi hiếm khi như vậy lắm. Kiểm soát cảm xúc bản thân chính là bài học các nhân viên y tế được tôi luyện trong môi trường y khoa này ngày này qua ngày khác, nên sự cân bằng sẽ luôn thường trực, chắc chắn là vậy. (Cười)

Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại