Đằng sau một phim Việt thành công: Những sự thật buồn chưa từng được biết tới!

Hương Hương |

"Có nhiều người đi đoàn phim chỉ vì được bao cơm ngày 3 bữa chứ tiền thì bèo bọt, môi trường làm việc khắc nghiệt, nhiều rủi ro mà chẳng có chế độ bảo hiểm gì", NSƯT Hạnh Thuý chia sẻ.

Một bộ phim để tới được với khán giả là công sức của rất nhiều con người. Bên cạnh những nhân vật mà ai cũng biết như đạo diễn, diễn viên thì những người làm trong tổ thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang, hoá trang... gần như không ai biết họ là ai.

Dù vậy, nếu không có họ thì chắc chắn phim sẽ không bao giờ được hoàn thành. Họ là những nhân tố vô cùng quan trọng ở một đoàn phim nhưng số người có thể sống tốt với nghề về cả vật chất lẫn tinh thần ở công việc này lại rất ít. Phần lớn, họ đều khó khăn, thậm chí có những người rất nghèo.

Đi đoàn phim chỉ vì được bao cơm ngày 3 bữa

Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thuý kể: "Hồi xưa, tôi từng quay cảnh phải đốt nhà. Nói là nhà nhưng thật ra là một cái chòi nhỏ xíu do tổ thiết kế dựng bên bờ hồ. Chòi được lợp bằng lá dừa nước và nẹp tre cặp lại để phù hợp với hoàn cảnh nhân vật nghèo, nhưng cũng là tiết kiệm tiền cho nhà sản xuất.

Ở cảnh đó, tôi châm lửa đốt nhưng mấy anh thiết kế chạy lăng xăng phụ đổ xăng, tạo hiệu quả để lửa có thể cháy nhanh và đẹp. Lửa bùng lên, đoàn có một cảnh quay như ý. Chưa đầy 15 phút, cái chòi cháy rụi.

Đằng sau một phim Việt thành công: Những sự thật buồn chưa từng được biết tới! - Ảnh 1.

Nhân viên tổ thiết kế đang làm mưa cho một cảnh quay...

Đằng sau một phim Việt thành công: Những sự thật buồn chưa từng được biết tới! - Ảnh 2.

Các ê-kíp trong đoàn phim đang thực hiện cảnh hôn dưới mưa đầy lãng mạn...

Đoàn phim hỉ hả vui nhưng có một anh thiết kế cứ đứng nhìn đống lửa cháy mà chảy nước mắt. Tôi tưởng anh cay mắt nhưng hoá ra không phải. Anh nói "Tui chỉ ước có được cái chòi như vậy, chui ra chui vô. Thấy cô đốt, tui tiếc, tui khóc".

Từ đó, tôi mới bắt đầu để ý tới những người không phải là diễn viên và đạo diễn của đoàn phim. Hoá ra, nhiều người nghèo chứ không như tôi nghĩ trước đó.

Đi làm phim thì cơm đoàn phim lo, di chuyển đoàn cũng lo, tiền làm bỏ túi, chắc ai cũng giàu, nếu không giàu cũng sống khoẻ.

Thế nhưng có nhiều người đi đoàn phim chỉ vì được bao cơm ngày 3 bữa chứ tiền thì ít ỏi bèo bọt, môi trường làm việc khắc nghiệt, nhiều rủi ro mà chẳng có chế độ bảo hiểm gì cả.

Nhiều người không làm nổi phải đổi nghề, người làm nghề lâu dài thì phải theo tinh thần khéo gói thì no, khéo co thì ấm. Dĩ nhiên vẫn có những người sống tốt với nghề, cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng số đó thực sự rất ít".

Chuyện NSƯT Hạnh Thuý chia sẻ, có lẽ khá phổ biến ở các đoàn phim. Quay phim Phạm Tuấn Duy từng nói với phóng viên khi anh đi cùng đoàn phim Thiên thần 1001 rằng, có những người đi làm không đủ cả tiền trọ phải ở nhờ, muốn về thăm nhà cũng không có tiền.

Thậm chí đi làm phim chỉ mong được ăn 3 bữa nhưng gặp nhà sản xuất gian xảo, hẹn đoàn gần trưa quay rồi tính nửa ngày lương, chỉ nấu cơm 1 bữa chiều. Anh em trong đoàn lại phải góp tiền đi mua mì tôm và trứng về luộc ăn đỡ bữa trưa.

Phía sau một cảnh hôn nhau lãng mạn dưới mưa. (Nguồn clip: FB Phạm Hoài Viễn - VienHulk).

Mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều lần định tự tử vì không có tiền chữa trị

Trường hợp điển hình mà khá nhiều anh em đoàn phim và nghệ sĩ nhắc tới những ngày gần đây là cậu nhân viên tổ thiết kế tên Đặng Danh Dự (tên mọi người trong đoàn phim thường gọi là Đoàn Dự). Dự sinh năm 1991 quê ở Kiên Giang. Dự từng làm thiết kế trong các đoàn phim "Dòng sông thương nhớ", "Vịt kêu đồng"...

Theo chia sẻ của chị Ngô Kim Chi từng là trợ lý đạo diễn đoàn phim "Dòng sông thương nhớ" do hãng TFS sản xuất thì "Dự nhìn nông dân lắm và rất hiền. Dự chuyên gia đẩy xuồng, lùa vịt, lội ruộng... cho phim.

Xong phim đó, bẵng đi một thời gian, gần đây tôi mới nghe tin Dự bị thận, giai đoạn cuối. Dự phải chạy thận mỗi ngày mà gia đình thì khăn khăn tới nỗi cái tài khoản ngân hàng cũng không có.

Dự bị bệnh lâu rồi nhưng giấu tất cả mọi người. Dự sợ nói ra, mọi người lo lắng rồi mắc nợ nên giấu luôn".

Vì mắc bệnh thận nặng nên Dự đã thôi không làm nghề 2, 3 năm nay để về quê chữa trị. Tuy nhiên do nhà quá nghèo nên bệnh không được chữa tới nơi tới chốn. Cách đây khoảng chục ngày, mọi người đã nghĩ Dự không thể qua khỏi khi não của Dự cũng bị nhiễm độc.

Đằng sau một phim Việt thành công: Những sự thật buồn chưa từng được biết tới! - Ảnh 5.

Đoàn Dự, nhân viên tổ thiết kế đoàn phim "Dòng sông thương nhớ" có hoàn cảnh rất éo le.

Đằng sau một phim Việt thành công: Những sự thật buồn chưa từng được biết tới! - Ảnh 6.

Đoàn Dự (đội mũ đen) cùng đồng nghiệp lúc làm việc trên phim trường.

Anh Nguyễn Anh Tú - quay phim "100 ngày bên em" cho biết: "Dự bị thận, não lại nhiễm độc. Mỗi lần lên cơn là quằn quại co giật. Mọi người phải cột Dự vào giường, rất đau lòng.

Dự đã mấy lần định nhảy lầu tự tử vì sợ mình là gánh nặng cho gia đình. Ba mẹ Dự phải can ngăn và an ủi rất nhiều, không dám để Dự ở một mình lúc nào. Nhưng ba mẹ Dự lớn tuổi, sức khoẻ yếu nên cũng không trông nom được.

Hai anh em trai của Dự là nguồn tài chính chính của gia đình thì phải bỏ làm, thay phiên nhau vào viện chăm Dự. Gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn".

Được biết, hiện tại thím của Dự đã tình nguyện hiến cho cháu một quả thận nhưng chi phí ghép thận rất cao, dự kiến có thể lên tới 500 triệu đồng vì phải giải quyết nhiễm độc não xong, đợi sức khoẻ ổn định mới có thể tiến hành ghép thận.

Gia đình Dự đã tính đến việc đưa con về nhà lo hậu sự nhưng một số anh chị em trong nghề đã đứng ra khuyên, giúp đỡ đồng thời đang kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ để Dự được ở viện, chờ cơ may sống sót.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại