Bước vào thế kỷ 21, Nga đã quay trở lại khu vực này và Venezuela cũng rất vui mừng được đẩy mạnh mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với Moscow.
Từ phía Nga, có thể thấy rõ một mục tiêu lớn được đặt ra khi thiết lập quan hệ với Venezuela đó là giành ảnh hưởng ở khu vực Mỹ La tin h. Ngoài ra còn có một mục tiêu không kém quan trọng khác là đạt được cơ hội phát triển kinh tế trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ.
Mối quan hệ Venezuela và Nga trở nên khăng khít từ đó. Và nó kéo dài đến hiện tại.
Với Venezuela, sau sự qua đời của cựu Tổng thống Hugo Chavez vào năm 2013, ông Nicolas Maduro lên nắm quyền, sự sụt giảm giá dầu và những bất ổn trong nền kinh tế quốc gia đã tạo nên cuộc khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Mỹ đều nuôi ý định giành ảnh hưởng và mang lại ích lợi cho các công ty của nước mình ở Venezuela. Tuy nhiên, vì ông Maduro luôn giữ lập trường chống Mỹ nên phần lớn các công ty Nga và Trung Quốc giành và chia sẻ lợi ích.
Áp lực khu vực và quốc tế với chính quyền ông Maduro cũng như sự lớn mạnh của lực lượng đối lập trong nước đã dẫn tới việc Venezuela bị cô lập về chính trị và kinh tế. Và trong bối cảnh này, chính quyền Venezuela đã ngày càng tăng cường sự phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc.
Các công ty dầu và khí đốt Nga hoạt động tích cực ở Venezuela và mục tiêu chính mà Nga đặt ra ở đây là nhằm đảm bảo lợi ích của các công ty cũng như bảo vệ sự đầu tư của mình. Ngoài đầu tư, trong suốt 5 năm qua Moscow và Bắc Kinh còn giúp đỡ về mặt tài chính cho Venezuela.
Đằng sau quan hệ đối tác chiến lược này, còn có những lợi ích kinh tế và địa chính trị.
Vấn đề chính là cách mà Nga và Trung Quốc thuyết phục lực lượng đối lập Venezuela thừa nhận vị trí của họ trong trường hợp có sự thay đổi về chính quyền Venezuela. Dưới sự giúp đỡ của Mỹ với lực lượng đối lập Venezuela, khó có thể biết Trung Quốc và Nga có đạt được điều họ muốn.
Nga và Trung Quốc chỉ trích động thái mới của Mỹ
Nga và Trung Quốc chỉ trích các động thái mới của Mỹ định can thiệp quân sự vào Venezuela, cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền.
Moscow không coi hành động quân sự của Mỹ đối với Venezuela là trừu tượng. Đây là một kịch bản thực tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố.
"Giọng điệu gay gắt của đại diện lực lượng vũ trang (người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hải quân Đô đốc Mỹ Craig Faller) khẳng định mối quan ngại của chúng tôi: hành động của lực lượng Mỹ ở Venezuela không phải là trừu tượng, mà là một thực tế có thể xảy ra mà Washington thừa nhận”, bà Zakharova nói tại cuộc họp báo hôm 18/4.
Trước đó, tướng Faller cho biết, quân đội Mỹ đang chờ chỉ thị của chính quyền Tổng thống Donald Trump để can thiệp quân sự vào Venezuela.
“Mỹ tiếp tục cố tình bỏ qua nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực vi phạm các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc", bà Zakharova nói.
Theo bà, “hàng ngày chúng ta càng nghe nhiều về khả năng sử dụng kịch bản vũ lực chống Venezuela. "Điều đó được thực hiện với một giọng điệu khác, với các lập luận khác nhau, nó thay đổi như khối rubíc trong trò chơi, nhưng điều này không thay đổi bản chất – sự hùng biện hiếu chiến đối với một quốc gia có chủ quyền".
“Đại diện cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump không còn đơn giản yêu cầu Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro rời khỏi chức vụ hợp pháp của mình, bây giờ còn đòi ông phải rời đi trước cuối năm nay, và nếu tối hậu thư này không được thực hiện, họ có thể sử dụng vũ lực”, bà Zakharova cho biết.