Đằng sau lệnh trừng phạt viện nghiên cứu vaccine Nga của Mỹ

Bảo Hà |

Giới quan sát không loại trừ khả năng Mỹ trừng phạt viện nghiên cứu tham gia phát triển vaccine COVID-19 của Nga là để cạnh tranh thiếu công bằng.

Ngày 26/8, Mỹ liệt 5 viện nghiên cứu của Nga vào danh sách trừng phạt, trong đó có Viện Nghiên cứu Trung ương 48 thuộc Bộ Quốc phòng tham gia thử nghiệm vaccine Sputnik V, với lý do các đơn vị này đang phát triển vũ khí sinh học và hóa học.

Phản ứng trước quyết định trừng phạt của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov -chỉ ra lý do mà Mỹ đưa ra là vô lý. "Đây là chuỗi tiếp nối của một dạng ‘nghiện’ các biện pháp trừng phạt. Tất nhiên, chúng tôi kiên quyết bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào cáo buộc một số tổ chức của chúng tôi có liên quan hoặc tham gia vào việc phát triển vũ khí hóa học và sinh học. Đây là điều hoàn toàn vô lý", ông Peskov phát biểu trước phóng viên ngày 27/8, cho rằng việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt là “một ví dụ khác về việc cạnh tranh không công bằng và thiếu kiềm chế".

Người phát ngôn Peskov cho rằng Mỹ “không thể sống mà không trừng phạt, không thể có một ngày mà không tuyên bố trừng phạt hay cấm đoán bất kỳ ai”.

Theo ông Song Zhongping – một chuyên gia quân sự và bình luận viên trên truyền hình Trung Quốc, việc Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt chỉ phản ánh rằng Washington đang là người thua cuộc. “Nếu như họ không thể cạnh tranh trong cuộc đua vaccine, họ sẽ nhắm vào bất kỳ ai đang dẫn đầu. Mỹ đang tìm cách làm chậm quá trình phát triển vaccine của Nga bằng cách cản trở sự hợp tác của nước này với thế giới, bao gồm với cả các viện nghiên cứu của Mỹ ”, ông Song cho biết.

Trong một tuyên bố riêng rẽ vào ngày 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc Mỹ trừng phạt viện nghiên cứu Nga phát triển vaccine ngừa COVID-19 chỉ phục vụ mục đích quảng bá công ty dược của nước họ. “Chúng tôi không chắc liệu đây có phải bước đi đúng trong việc hướng tới hợp tác chống đại địch COVID-19 hay không”, đài Sputnik dẫn lời của người phát ngôn Zakharova.

Bà Zakharova nhấn mạnh động cơ Mỹ trừng phạt các thực thể của Nga tất cả là vì “lợi ích quảng bá công ty của chính họ, hiện tại là các công ty dược phẩm, tương tự trường hợp quảng bá khí đốt Mỹ trên thị trường châu Âu”.

Đầu tháng 8, Nga thông báo đã đăng ký loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V. Một tuần sau đó Nga cho biết nước này đã sản xuất lô vaccine đầu tiên. Giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên này của Nga đang được thực hiện với sự tham gia của 2.000 người. Quan chức Nga cho biết đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ trên 20 quốc gia với tổng số hơn 1 tỷ liều. Mới đây nhất, Tổng thống Putin lại tiếp tục thông báo Nga sẽ đăng ký vaccine ngừa COVID-19 thứ hai vào 9 tới.

Trước thông tin Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa COVID-19, một loạt các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, và truyền thông đã dấy lên lo ngại về việc Nga có thể đã quá vội vã khi chưa đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả thực tế của mẫu vaccine.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng vấn đề không phải là quốc gia đầu tiên có vaccine mà là phải có một loại vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới. Theo Bộ trưởng Y tế Mỹ, cần có dữ liệu minh bạch và dữ liệu này phải được đưa ra từ giai đoạn với 3 thử nghiệm lâm sàng để cho thấy một loại vaccine an toàn và hiệu quả.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn độc quyền kênh RT, ông Alexander Gintsburg – người đứng đầu Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya (Nga) nhấn mạnh mặc dù vaccine chỉ mới được tạo ra trong chưa đầy 5 tháng nhưng nó không phải “loại thuốc được làm mà không chuẩn bị gì từ trước”.

Chuyên gia Gintsburg giải thích: “Cả một thế hệ bác sĩ công nghệ sinh học, nhà virus học, nhà miễn dịch học… có kinh nghiệm hơn 20 năm phát triển công nghệ đã được huy động để tạo ra loại vaccine này cùng với ít nhất sáu loại thuốc khác”.

Ông nói thêm rằng công trình nghiên cứu vaccine Ebola là GamEvac-Combi vài năm trước đặc biệt hữu ích trong việc xác định thành phần của thuốc và liều lượng tiêm chủng.

Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn tổng hợp kiến thức đã có trong quá trình phát triển vaccine phòng ngừa MERS – một loại bệnh “tương đồng tới 80% so với COVID-19” song nguy hiểm và gây chết người hơn.

Không nhanh như tiến độ phát triển vaccine ngừa COVID-19 của Nga, chiến dịch chế tạo vaccine của Mỹ dường như phải chờ ít nhất 1 tháng nữa mới thấy kết quả. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố “Chiến dịch Thần tốc” sản xuất vaccine COVID-19 trước năm 2021, đổ hàng tỷ USD đầu tư vào các công ty dược lớn như Novavax, Pfizer và Moderna.

Ứng viên vaccine ngừa COVID-19 sáng giá nhất mà Mỹ mong đợi là mRNA-1273 của Moderna. Tuy nhiên, loại vaccine này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và dự kiến được hoàn thành trong tháng 9 tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại