Cũng như "Ngựa chứng" Mario Balotelli, với vẻ ngoài bặm trợn, cùng danh sách dài dằng dặc những scandal tình ái, Kevin-Prince Boateng có một cuộc sống vô cùng "phong phú" ngoài sân cỏ. Người ta nhìn vào anh như thể một kẻ bất cần, lập dị và có vấn đề về thần kinh, với những hành xử "không bình thường".
Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn của họ, cả Mario Balotelli lẫn Kevin-Prince Boateng, là sự mong manh, là những vết nứt khó lòng hàn gắn. Nếu như "Ngựa chứng" đã tìm được cho mình sự yên bình, thanh thản trong tân hồn bằng Phật pháp, thì Kevin-Prince Boateng vẫn đang miệt mài trên con đường phát động cuộc chiến tìm lại công bằng không chỉ cho chính mình, mà còn chống lại một "đại dịch toàn cầu" vẫn đang hủy hoại sự văn minh của nhân loại.
Bài viết mà cầu thủ da đen này tự tay chấp bút, là lời thổ lộ, cũng là sự căm phẫn bị dồn nén được trải lên bằng con chữ, về anh, về bóng đá, về FIFA đạo đức giả, về những con người mà anh mang ơn, và trên hết, là về "cuộc chiến" mà anh nguyện cả đời cống hiến, để đẩy lùi "đại dịch" khiến anh ghê sợ...
"Câm ** mồm ông đi"
Chẳng có gì mới cả.
Đừng giả vờ rằng bạn không viết câu chuyện này nhé.
Bảy năm trước, tôi khoác áo AC Milan đá một trận giao hữu. Trên khán đài, một nhóm người bắt chước tiếng khỉ rộn một góc mỗi khi các cầu thủ da đen của chúng tôi chạm bóng.
Trận đấu trôi qua được 26 phút, tôi chạy lại nói với trọng tài: "Nếu bọn họ còn làm thế một lần nữa, tôi sẽ không chơi bóng nữa đâu".
Ông ta trả lời: "Không có đâu, đừng lo, chơi tiếp đi".
Ngay sau đó, khi tôi cầm bóng rê qua một cầu thủ đối phương, tôi lại nghe thấy nó.
Tôi tóm lấy quả bóng, sút nó lên khán đài và rời khỏi sân.
Kevin-Prince Boateng rời sân vì phân biệt chủng tộc.
Đây chẳng phải là lần đầu tiên tôi bị phân biệt chủng tộc. Nhưng lần này, tôi quyết định nổ tung. Khi trọng tài cố gắng bảo tôi quay lại đá, tôi nói: "Câm ** mồm ông đi" (xin lỗi vì ngôn từ của tôi). Tôi nói với ông ta: "Ông có quyền để làm gì đó, và ông chẳng làm gì cả". Khi các cầu thủ đội bên kia muốn tôi quay lại vào sân, tôi quát luôn: "Chúng mày cũng câm ** hết đi. Chúng mày đã làm gì khi chúng nó làm như thế. Chúng mày thích thế đúng không?".
Xong tôi đi thẳng vào đường hầm. Đội trưởng của chúng tôi - Massimo Ambrosini, hỏi: "Cậu có chắc chắn với những gì mình đang làm không?".
Tôi trả lời: "Chắc 100%".
Bình tĩnh, và nghe tôi giải thích vì sao tôi lại làm như thế nhé. Một số người cắc cớ bảo rằng tôi không bao giờ dám làm thế trong một trận đấu Champions League, nơi đội tôi sẽ bị trừ điểm, và thậm chí là ăn án phạt. Nhưng tôi không thể kiểm soát được điều đó. Tôi bị dồn nén bởi quá nhiều sự tức giận và đau đớn. Và ngày hôm đó nó phải nổ tung.
Tôi biết, rất khó để nói cho người da trắng hiểu những gì tôi đã phải chịu đựng, cũng đúng thôi, là bởi họ chưa bao giờ bị ghét vì màu da của mình lại khác với những người khác cả. Tuy nhiên, để tôi cố gắng giải thích cho mà nghe.
Khi lên 9 tuổi, tôi đá bóng trong một giải đấu tổ chức ở Đông Đức. Tôi lớn lên trong một khu phố nghèo ở Berlin. Ở đó, có đủ loại người đến từ rất nhiều nơi trên thế giới: Nga, Trung Quốc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, nói chung là tất cả mọi nơi. Nếu chúng tôi có đánh nhau, thì cũng bởi chúng tôi không thích nhau trong thời điểm đó, chứ không phải vì phân biệt đối xử. Tôi chưa bao giờ bị phân biệt chủng tộc ở đó.
Nhưng tại giải đấu mà tôi vừa nói ở trên kia, tôi nghe thấy tiếng bố mẹ của đối thủ hét lên từ lề sân đấu.
"Xoạc thằng mọi đi".
"Đừng cho thằng mọi đi bóng".
Tôi cực kỳ hoang mang. Những từ mà họ nói, tôi chỉ mới nghe đâu đó trong bài hát, hoặc bộ phim nào đó từng xem, nhưng tôi biết đó là thứ dùng để kỳ thị màu da của mình. Tôi cảm thấy tủi thân khủng khiếp. Tôi cảm thấy như mình đang đứng ở một nơi mà tôi không được phép đặt chân đến - dù cho nơi này chỉ các Berlin có 6 giờ lái xe. Tại sao mọi người có thể yêu thương tôi ở bên này, ghét tôi ở bên kia khi bên này bên kia cùng một đất nước cơ chứ, chỉ vì màu da của tôi khác với họ? Khi còn bé, tôi chẳng thể hiểu được điều đó.
Chưa ai dạy tôi phải xử lý thế nào với tình cảnh ấy cả. Thế nên trên xe về Berlin, tôi khóc ngon lành. Đồng đội của tôi cũng khóc. Không ai trong chúng tôi hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi chưa bao giờ nói cho mẹ biết sự việc ngày hôm ấy. Tôi bỏ nó sang một bên và bước tiếp. Tôi từng nghĩ, đừng để ý đến nó, rồi nó sẽ biến mất.
Nhưng không phải thế. Và mỗi lần tôi chưa bóng ở Đông Đức, nó lại càng nặng nề hơn.
"Ghi bàn đi, rồi tao sẽ thưởng cho mày một quả chuối".
"Tao sẽ đóng hòm và gửi mày về nước, thằng mọi khốn kiếp ạ".
Tôi đau đớn tột cùng. Năm lên 14 tuổi, tôi hỏi thầy giáo của mình: "Thầy có thấy em khác những đứa trẻ khác không ạ?"
Ông trả lời: "Không? Sao em lại hỏi thế?"
Tôi trả lời: "Thế tại sao ở miền Đông, người ta lại kỳ thị em thế. Đây là quê hương của em. Em là người Đức. Mẹ em là người Đức. Sao họ lại muốn tống khứ em?"
Ông giải thích rằng, một số người trên thế giới này thực sự ngu ngốc. Nhưng lúc ấy, tôi bắt đầu khóc. Tôi vẫn không thể hiểu được tại sao người ta lại đối xử với mình như vậy. Và nhanh thôi, việc không thể hiểu được biến thành sự nghi ngờ. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mọi người không thích mình, cho dù thậm chí tôi còn chẳng biết họ là ai. Mọi đứa con lai người Đức đều gặp phải điều này. Kiểu như là, mày nhìn gì tao? Không thích tao à? Chơi luôn.
Tôi trở nên hung hăng. Cứ hễ bị động chạm là tôi "chơi tới luôn". Tôi nhận thẻ đỏ liên tùng tục. Tôi có thể điên lên bất kỳ lúc nào.
Nhưng bạn có biết phần tồi tệ nhất là gì không?
Chẳng ai đứng lên bênh vực tôi cả.
Họ biết những gì sắp xảy ra với tôi. Họ nghe rõ những lời lẽ phân biệt chủng tộc hướng vào tôi - và họ chỉ chấp nhận nó. Những phụ huynh im lặng. Trọng tài ư? Chẳng làm gì cả. HLV ư? "Kệ nó đi".
Tôi cũng vậy. Tôi nuốt tất cả sự tức giận vào lòng. Tôi trở nên vô cảm với nó.
Nhưng khi tôi nghe những tiếng bắt chước loài khỉ ấy vào tháng Giêng năm 2013, tất cả nỗi đau, tất cả nỗi tủi hổ của bao nhiêu năm trời dồn nén, quay lại. Tôi bùng nổ. Tôi mặc kệ nếu có gặp phải rắc rối. Tôi đã phấn đấu cả đời để được chơi bóng cho một trong những CLB lớn nhất thế giới, mà rồi thế quái nào tôi vẫn bị đối xử như khi còn là một đứa trẻ con. Tôi quyết định không thể như thế này nữa, tôi phải đứng lên chống lại chúng.
Khi tôi bước ra khỏi sân, rất nhiều người đứng dậy và vỗ tay khen ngợi tôi. Và sau đó - đây là điều mấu chốt nhất, các đồng đội đã cùng rời sân với tôi. Không chỉ những cầu thủ da đen thôi đâu, mà tất cả. Tôi vẫn còn nổi da gà khi nhớ về điều đó. Khi vào đến phòng thay đồ, tôi lập tức cởi bỏ quần áo, chỉ để thấy rằng tôi sẽ không ra sân lại nữa. Trọng tài bước vào và hỏi chúng tôi: "Các cậu có muốn đá tiếp không?". Ngay lúc đó, Ambrosini đứng dậy trả lời: "Nếu Prince không đá, chúng tôi sẽ không ai đá cả".
"Cú lừa" từ FIFA
Sự việc xảy ra ngày ấy thu hút toàn bộ thế giới. Trong vòng có chưa đầy một ngày, nó lan từ Ghana, Trung Quốc cho đến Brazil. Nó được lên tất cả các mặt báo. Những cầu thủ lớn như Cristiano Ronaldo hay Rio Ferdinand ủng hộ tôi, và bày tỏ sự thất vọng với cái cách mà lũ khán giả ấy đối xử với tôi. Điện thoại của tôi nổ tung vì những cuộc gọi lẫn tin nhắn. Sau một đêm, tôi trở thành đại sứ toàn cầu cho cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc.
Chẳng có chuyện gì xảy ra khi một cầu thủ da đen rời khỏi sân cả.
Chẳng có gì.
Nó bùng nổ, là bởi những cầu thủ da trắng cũng rời sân với anh ta.
Đó là thông điệp thay đổi cả thế giới.
Ít nhất nó có tác dụng trong một quãng thời gian ngắn.
Lúc đó, tôi từng nghĩ rằng đây có thể là sự thay đổi mà chúng tôi cần. Tôi đã thực sự bắt tay vào để biến nó trở thành hiện thực. FIFA mời tôi gặp chủ tịch Joseph Blatter. Ông ấy hỏi tôi, rằng họ có thể làm gì. Đến tháng Ba, FIFA đã cho ra mắt đội đặc nhiệm chống phân biệt chủng tộc, và mời tôi tham gia. Nó có vẻ rất hoàn hảo. Tôi sẽ dạy chơi bóng, chơi game, và tôi cũng tham gia vào việc giới thiệu các chiến dịch, quy định và kỷ luật. Tôi cũng đưa ra gợi ý cho chủ tịch Blatter: đặt máy quay và micro trong sân vận động. Bằng cách này, nếu có ai trên khán đài hô lên những khẩu hiệu phân biệt chủng tộc. Bang. Họ sẽ bị đuổi ra khỏi sân.
Tôi nói với Blatter: "Nghe tôi, ông thử cái này đi. Nếu nó phát huy tác dụng, ông sẽ là người hùng. Nếu không, dù gì chúng ta cũng đã cố gắng".
Sau đó, đội đặc nhiệm đã họp. Chúng tôi nói chuyện, và trao đổi khá nhiều thứ qua email.
Nhưng rốt cuộc chẳng ra đâu vào đâu cả. Mỗi khi tôi ra sân, khán giả lại bắt đầu nhắm vào tôi, hi vọng tôi sẽ nổi điên lên và rời sân lần nữa.Tôi đến gặp trọng tài và nói ông ta phải làm gì đó đi chứ. Họ thông báo trên loa cho cả sân vận động nghe, và sau chỉ 1 phút im lặng, đâu lại vào đấy. Một tháng sau, trên các kênh truyền thông, chẳng ai nói về chuyện này nữa cả.
Và sau đó, vào tháng Chín năm 2016, tôi nhận được một email từ FIFA. Và tôi sẽ không bao giờ quên được những gì được viết trong đó.
Về cơ bản, nó viết rằng: "Lực lượng đặc nhiệm đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng tôi đã xong việc rồi".
Và họ giải tán nó.
Tôi gọi cho người đại diện của mình và nói: "Đây là một trò đùa". Họ đã làm được điều gì? Họ đã làm gì? Họ phạt những đội bóng được 30.00 euro" Và tuần sau những cổ động viên ấy lại được vào sân? Rồi những đứa trẻ sẽ lấy đó làm gương? 30.000 euro với một CLB thì thấm tháp gì? Chẳng là cái đinh gì cả. Đó là hình phạt ư? Kết quả đấy ư?
Tôi tin rằng FIFA thành lập lực lượng đặc nhiệm, chỉ để ra vẻ rằng họ đang làm đây này. Tôi sợ quái gì mà không dám nói ra. Thực tế là như vậy. Tôi chẳng biết vì sao họ không tiếp tục. Cái này thì phải hỏi họ. Họ có VAR để phân xử minh bạch hơn những tình huống gây tranh cãi, và nó quan trọng hơn rất nhiều so với việc giúp các cầu thủ của mình thoát khỏi sự phân biệt chủng tộc. Họ có rất nhiều tiền, họ đầu tư rất nhiều vào máy quay, vào công nghệ goal-line, mọi thứ. Nhưng để chống phân biệt chủng tộc? Quên đi. Nó không đem lại nhiều khán giả hơn đến với sân vận động. Nó không đem lại nhiều tiền. Tôi nghĩ lý do là như thế đấy.
Hãy nhớ rằng, FIFA thành lập lực lượng đặc nhiệm ấy vào năm 2013. BẢY năm về trước. Và bây giờ chúng tôi vẫn ngồi đây, nói về những vấn đề giống hệt ngày ấy.
Chả có gì thay đổi cả. Chả có gì.
Nếu có điều gì đó, chỉ có thể là việc phân biệt chủng tộc đã tồi tệ hơn.
Hãy đứng lên, nếu bạn muốn mình được đối xử như một người da đen
Nói về nạn phân biệt chủng tộc, người ta luôn nói về Hoa Kỳ, nhưng ở châu Âu cũng chẳng hề thiếu. Có thể chúng tôi vẫn còn sống, chúng tôi không bị giết, nhưng bất cứ lúc nào họ cũng tìm cách dìm chúng tôi xuống. Mọi lúc. Nó chỉ kín đáo hơn thôi.
Khi tôi bước chân ra đường, tôi có thể lập tức cảm nhận được qua cái cách mà người ta đối xử với mình. Họ nhìn chúng tôi. Họ bước sang vỉa hè bên kia để khỏi phải đi chung với chúng tôi. Khi tôi ngồi trong xe hơi, tôi cũng thừa biết họ đang nghĩ gì. Làm thế quái nào mà một thằng da đen xăm trổ lại lái chiếc xe xịn thế nhỉ? Hắn ta hẳn là một tay buôn ma túy, hoặc là một rapper. Hoặc có thể là vận động viên.
Tại sao lại như thế? Là bởi phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào máu thịt của xã hội. Nó đã trở thành hệ thống. Và những người da trắng đứng đầu những hệ thống ấy, họ không muốn thay đổi. Tại sao họ lại như thế? Có gì đâu, mọi thứ vẫn đang diễn ra quá tuyệt vời với họ, giống như cái cách họ đã làm trước đấy 300 năm.
Để tôi lấy một ví dụ khác nhé. Tháng Tám năm ngoái, chủ tịch Clemens Tonnies của CLB Schalke - một trong những CLB cũ của tôi, đã đưa ra những lời nhận xét sặc mùi phân biệt chủng tộc. Gã nói rằng thay vì tăng thuế để bảo vệ môi trường, chính phủ Đức nên lắp đặt các trạm cho các quốc gia châu Phi, bởi làm thế "dân châu Phi sẽ bớt phá rừng và sản xuất em bé bởi bóng tối bao trùm nữa".
Tôi thực sự bị sốc. Gã có những cầu thủ da đen trong đội bóng của mình. Báo chí lên tiếng: "Nói như thế là sai rồi". CLB nói: "Chúng tôi chống lại nạn phân biệt chủng tộc".
Nhưng biết rồi họ làm gì không? Họ đình chỉ gã 3 tháng.
Ba tháng
Một kỳ nghỉ dài mà đẹp đẽ. Và sau đó gã quay trở lại làm việc.
Hệ thống là như thế đó. Nó ăn sâu đến mức những chuyện đó trở thành bình thường. Nhưng điều quan trọng là, chúng ta đông hơn những người đang điều hành hệ thống ấy. Chúng ta mạnh mẽ hơn. Chúng ta có tiếng nói lớn hơn. Họ không thể chiến thắng khi phơi mình ra với cả thế giới. Không thể.
Bởi thế, chúng ta hãy đứng lên cùng nhau. Hãy lên tiếng. Hãy quyết định hành động.
Vừa hôm trước thôi, tôi có xem một video trên Instagram, trong đó một giáo viên đại học nói giữa một căn phòng đầy người: "Hãy đứng lên, nếu bạn muốn mình được đối xử như một người da đen".
Không ai đứng dậy cả.
Đấy, nói cho ngắn gọn, sự bất công chủng tộc đấy chứ đâu. Tất cả mọi người đều biết điều gì đang diễn ra xung quanh mình, nhưng chẳng ai làm gì cả. Bất cứ khi nào tôi nghe những lời phân biệt chủng tộc được thốt ra, những người đứng cạnh đấy đều chẳng hề phản ứng gì cả. Nếu có, người ta chỉ nhỏ nhẹ: "Chẳng tệ đến thế đâu".
Này, trong trường hợp bạn hay đọc báo, xem tin tức gần đây: Nó tệ thật sự ấy.
Bạn sẽ nói chuyện với ai khi cái chết cận kề?
Tôi viết bài này vì nhiều lý do. Tôi đang thực sự tức giận. Tôi đã khóc khi xem video George Floyd. Tôi xem đi xem lại đến 5 lần để nhận thức đầy đủ chuyện gì đang diễn ra ở đó. Hãy nghe giọng nói của anh ấy đi: "Tôi không thở nổi, tôi không thở nổi", và "Làm ơn, mẹ ơi", nó thật đau đớn. Bạn sẽ nói chuyện với ai khi cái chết cận kề? Chúa chăng? Bởi bạn cầu mong được gặp Người để cầu xin sự tha thứ. Và Mẹ. Anh ấy biết mình sắp chết, ở thời khắc ấy. Anh ấy biết.
Nó khiến tôi xúc động, bởi tôi thấy bản thân mình trong anh ấy, bạn biết không. Và nhìn vào con trai mình, tôi tự nhủ, phải làm sao để giải thích cho nó hiểu đây? Làm sao tôi giải thích được cho nó rằng người ta bị giết bởi màu da của mình đây?
Tôi thấy con gái của Floyd nói: "Cha tôi đã thay đổi cả thế giới". Tôi yêu thông điệp này. Và tôi tin rằng cô ấy nói đúng. Những cuộc biểu tình có thể trở thành một bước ngoặt. Thêm nhiều người hiểu ra rằng người da đen là đồng bào của mình. Họ hiểu rằng chúng tôi ở đây không phải để đánh nhau. Họ chỉ muốn được đối xử bình đẳng như mọi người. Tôi yêu cái ngày mà anh trai tôi gửi cho một bức ảnh chụp ở Berlin, nơi mọi người đổ ra đường, giơ cao nắm đấm để ủng hộ chúng tôi - người Mexico, người Ả rập, người Thổ Nhĩ Kỳ, người da đen, người da trắng. Điều tương tự xảy ra ở khắp Paris, Milan, London, Stockholm, Amsterdam, New York... ở khắp mọi nơi.
Chỉ có một điều khiến tôi lo lắng. Điều tôi đã học được qua nhữn kinh nghiệm xương máu của chính bản thân mình. Chúng ta có vẻ đang thay đổi. Nhưng tôi lo rằng chỉ sau vài tuần, thế giới sẽ nhanh chóng quên đi.
Tôi lo lắng rằng có thế chỉ trong tháng Bảy, hoặc sang tháng Tám, các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt, các phương tiện truyền thông sẽ ngừng nói về chuyện này, và tất cả biến mất.
Giống như điều tôi từng làm năm 2013.
Bởi thế, tôi viết bài này.
Chúng ta phải chắc chắn rằng điều này sẽ không chết đi.
Và để làm điều đó, chúng ta cần những người da trắng đứng cùng mình.
Ngay bây giờ, phong trào "Mạng sống của người da đen cũng đáng giá" đang có rất nhiều sức mạnh, nhưng chúng ta chẳng thể làm điều đó một mình. Những người da trắng đang kiểm soát thế giới này. Những người da trắng có thể xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Nhưng nếu những "bàn tay trắng" cứ mãi dìm chúng ta xuống, chúng ta sẽ chẳng có cơ hội nào cả.
Bởi thế hãy lên tiếng với họ. Nói cho họ biết bạn cảm thấy thế nào về George Floyd. Nói cho họ biết cảm nhận của bạn về cộng đồng người da đen.
Bởi đó là cách để biết rằng thế giới có thực sự đứng về phía chúng ta hay không. Đại đa số mọi người muốn điều này phải được thay đổi. Đó là chìa khóa.
Tôi muốn bắt đầu làm phần việc của mình. Tôi sẽ bắt đầu với Berlin, và sau đó sẽ đưa nó đến khắp nước Đức, Hoa Kỳ, và hi vọng là cả thế giới. Tôi không sợ. Nếu các nhà tài trợ hoặc CLB cắt hợp đồng với tôi ngay ngày mai vì những gì tôi nó ra để bảo vệ quyền bình đẳng, tôi thực sự không quan tâm. Tôi chỉ muốn cộng tác với những người đã thực sự thức tỉnh.
Tôi đã có ý tưởng về Ngày George Floyd, để tôn vinh cộng đồng người da đen và những thành tựu của họ. Tôi muốn xem một buổi hòa nhạc ở Berlin, nơi mọi người đều được mời đón, và buổi hòa nhạc ấy có chủ đề "Mạng sống của người da đen cũng đáng giá". Tôi đã viết một bài hát về nó. Mọi người nói: "Trình diễn nó luôn đi". Không. Tôi sẽ để dành nó, và sẽ trình diễn sau, để mọi người không quên sự kiện này.
Nếu phải bỏ tiền ra, tôi sẵn sàng. Tôi sẽ không đầu hàng, chắc chắn là như vậy. Nhưng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Tôi là một cầu thủ bóng đá, có ý tưởng, lên tiếng vì lẽ phải. Tôi biết sẽ có cuộc biểu tình ở Berlin vào tháng tới, cũng như rất nhiều nước trên thế giới đang kìm hãm những cuộc biểu tình tương tự. Điều đó cho tôi nhiều hi vọng. Ít nhất phong trào này không bị chìm nghỉm chỉ sau vài tuần. Nó phải kéo dài hơn thế. Phải lâu hơn thế. Và để điều tốt đẹp xảy ra, chúng tôi cần tất cả mọi người...