Đằng sau động thái Đức điều tàu khu trục đi qua Biển Đông sau gần 2 thập kỷ

Kiều Anh |

Lần đầu tiên đưa tàu khu trục đi qua Biển Đông trong gần 20 năm, Đức liệu đã sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc hay chỉ đang trấn an và cổ vũ đồng minh?

Sự trở lại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau gần 2 thập kỷ

Chính phủ Đức và các quan chức quân đội nước này gần đây đã tiết lộ về kế hoạch tiến hành chuyến hải trình đầu tiên tới Đông Á kể từ năm 2002 sau khi đưa ra những chỉ dẫn mới tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giữa bối cảnh Anh và Pháp tăng cường hiện diện trong khu vực này và nhận được lời mời từ đối tác Nhật Bản, chuyến hải trình này của Đức dường như không nhằm gửi thông điệp đến Trung Quốc mà thể hiện sự ủng hộ với các đồng minh nhiều hơn.

Kế hoạch trên lần đầu tiên được công bố vào năm 2019 khi tàu khu trục Hamburg được chọn để tiến hành tập trận chung với Ấn Độ và Australia vào tháng 5/2020 mặc dù việc thực hiện không diễn ra do đại dịch Covid-19. Sau đó, tháng 9/2020, Bộ Ngoại giao Đức đã công bố chỉ dẫn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vạch ra sự dịch chuyển theo hướng tăng cường các hoạt động của hải quân Đức trong khu vực này với việc cử nhiều sĩ quan liên lạc hơn tới các tàu hải quân.

Cũng theo chỉ dẫn này, các kế hoạch cho tàu khu trục Bayern của Đức được hoàn thiện với hàng loạt hoạt động cùng các quốc gia và tổ chức đồng minh. Những chỉ dẫn này cũng bao gồm việc tham gia vảo Chiến dịch Người bảo vệ trên biển (Operation Sea Guardian) ở Địa Trung Hải, Chiến dịch Atlanta của Liên minh châu Âu (EU) ngoài khơi Sừng châu Phi, việc đi qua Eo biển Malacca theo hướng Australia cũng như tham gia vào các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên và tiến hành các chuyến tự do hàng hải ở Biển Đông.

Giữa lúc đối đầu Mỹ - Trung không có dấu hiệu giảm bớt, phương Tây đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông. Theo đó, tàu ngầm của Pháp đã đi qua đây hồi tháng 2 và tàu sân bay của Anh HMS Queen Elizabeth dự kiến cũng sẽ triển khai tại khu vực này vào năm nay.

Việc triển khai tàu khu trục Đức vì vậy có thể được xem như sự đóng góp vào nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Đức đã nhấn mạnh lập trường ủng hộ trật từ quốc tế dựa trên các quy tắc, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc không đi qua khu vực 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc đưa ra yêu sách phi pháp về chủ quyền, điều mà tới nay chỉ có Mỹ tiến hành, đã cho thấy Đức xác định vị trí của mình như một người đồng hành cùng các đồng minh châu Âu trong vấn đề Biển Đông. Đức cho rằng việc không thông báo cho Trung Quốc về những chuyến hải trình đi qua các khu vực tranh chấp hoặc gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông sẽ là một sự bác bỏ thực tế với các động thái của Bắc Kinh trong khu vực mà không cần tiến hành bất kỳ hành động đối đầu nào.

Bất chấp căng thẳng giữa Berlin và Bắc Kinh xung quanh vấn đề Hong Kong và Tân Cương, Đức là quốc gia đi đầu thúc đẩy thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc được ký kết vào tháng 12/2020 - một thỏa thuận vẫn chưa được Nghị viện châu Âu thông qua do lệnh trừng phạt của Trung Quốc nhằm vào các thành viên của cơ quan này.

Chính sách Trung Quốc của Đức chủ yếu tập trung vào kinh tế. Chỉ trong những năm gần đây mới dần có sự dịch chuyển trong quan hệ 2 nước này khi hai bên nhận ra sự xung đột về giá trị.

Thông điệp của Đức

Tàu khu trục Bayern không phải là một trong những tàu mới nhất hay mạnh nhất của Đức và cũng gặp hạn chế trong vai trò phòng thủ. Tuy nhiên, bất chấp những mối quan hệ tốt đẹp trước đó, Đức không muốn đứng ngoài một vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc như Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã cảnh báo Đức không thách thức cái gọi là chủ quyền và an ninh Trung Quốc. Những lệnh trừng phạt gần đây của Bắc Kinh nhằm chống lại các nghị sĩ châu Âu và Viện Mercator Nghiên cứu về Trung Quốc - tổ chức nghiên cứu Trung Quốc lớn nhất của châu Âu, đã đẩy mối quan hệ song phương này lao dốc ở một mức độ mới.

Một câu hỏi quan trọng khác liên quan đến cam kết mới của Đức là liệu đây là chuyến hải trình 1 lần hay có thể lặp lại trong tương lai hoặc thậm chí xa hơn là duy trì các lực lượng này ở nước ngoài. Trước đó, Đức khá minh bạch về những hạn chế của hải quân nước này, một phần do sự giám sát của nghị viện với các lực lượng vũ trang. Sau đó, năm 2019, bà Ursula von der Leyen, vào thời điểm đó là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, đã phân loại lại những báo cáo hàng năm về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bundeswehr (còn được biết tới là lực lượng vũ trang Đức) thuộc loại "bí mật" sau khi bà đối mặt với những câu hỏi về tình trạng một số hệ thống vũ khí quan trọng của Đức.

Các báo cáo này tiết lộ rằng năm 2018, không có tàu ngầm nào trong số 6 tàu ngầm của Đức hoạt động trong suốt 5 tháng, cùng với một số lượng lớn xe tăng và chiến đấu cơ. Còn năm 2020, trong số 15 tàu chiến mặt nước lớn, chỉ có 9 tàu thực sự dùng được. Trong khi đó, việc bàn giao các tàu khu trục lớp F125 đã nhiều lần bị trì hoãn, khiến cho mỗi đơn vị mất từ 5 - 6 năm để đi từ giai đoạn bắt đầu cho tới khi chính thức hoạt động.

Ngoài ra, trên tất cả, Hải quân Đức đã và đang thiếu nhân lực trong nhiều năm qua, dẫn đến tình trạng công việc ngày càng kém hiệu quả. Việc hoàn thành các cam kết của Đức, chẳng hạn như với EU và NATO cần nhiều nguồn lực hải quân nhưng việc thiếu nhân lực đã kéo dài thời gian bảo trì các tàu chiến. Tổng Thanh tra của Lực lượng Vũ trang Đức Eberhard Zorn cho rằng, tàu khu trục Beyern được chọn do khả năng sẵn sàng chiến đấu chứ không phải do những chức năng đặc trưng của nó.

Những luồng quan điểm về ý nghĩa và giá trị của việc đưa tàu chiến tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã gây chia rẽ ở Berlin. Ralf Mützenich - một quan chức trong Đảng Dân chủ xã hội – đảng của Ngoại trưởng Heiko Maas, đã phản đối động thái này, đồng thời khẳng định Đức nên sử dụng các phương tiện ngoại giao. Tobias Lindner, người phát ngôn chính sách an ninh của đảng Xanh đối lập cho rằng, việc tiến hành những động thái vượt ngoài ý nghĩa biểu tượng như với tàu khu trục này là điều cần thiết với chiến lược đối phó Trung Quốc của châu Âu.

Mặc dù việc Đức đưa tàu khu trục tới Biển Đông chắc chắn sẽ "chọc giận" Trung Quốc nhưng hành động này cũng tách biệt so với những động thái của các nước phương Tây khác trong khu vực.

Đức lẽ ra có thể chọn tham gia với nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hoặc tham gia cùng với các chuyến hải trình thường xuyên của Pháp. Song trong lần trở lại này, Đức không đứng cùng hàng ngũ với các nước châu Âu khác và cũng không mong được lợi từ khu vực này. Tuy nhiên, Đức muốn đặt ra những ưu tiên của mình, tương đồng với những đối tác khu vực của nước này ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tàu chiến Đức hiện diện ở Biển Đông ít truyền tải thông điệp hay dấu hiệu gì cho Trung Quốc mà thay vào đó, muốn thể hiện một thông điệp rõ ràng với các đối tác và đồng minh khu vực.

Đức đang cho thấy rằng, dù nước này có ở xa bao nhiêu, Berlin vẫn muốn ở đây để ủng hộ các đồng minh. Động thái của Đức cũng cho thấy, các nước châu Âu, không nhất thiết có lãnh thổ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng vẫn có lợi ích được xác lập gắn với vận mệnh của khu vực này. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức chỉ rõ, sức mạnh không thể quy định đúng sai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đức sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi trật tự dựa trên các quy tắc. Tuy nhiên, làm thế nào để Đức dung hòa tham vọng này với sự ngần ngại đối đầu trước những vi phạm trật tự dựa trên các quy tắc của Trung Quốc tới nay vẫn là một câu hỏi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại