Vài tiếng trước khi trận đấu giữa Thái Lan và Việt Nam diễn ra, Công Phượng bất ngờ trở thành nhân vật chính trong một đoạn video được cộng đồng mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Ở đó, tình huống bỏ lỡ khó tin của tiền đạo này tại trận bán kết lượt đi AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Philippines được một anh chàng designer vui tính nào đó chỉnh sửa lại, khiến nó càng trở nên… khó đỡ hơn.
Pha bóng từng một thời gây sốt với tên gọi "cú lừa với 90 triệu người dân Việt Nam" càng trở nên hài hước khi người ta xóa hết tất cả các cầu thủ trên sân đi, chỉ để lại một mình Công Phượng đi bóng giữa sân vận động không người và ở đó, trước khung thành chẳng có ai, Phượng sút ra ngoài.
Thông điệp hài hước và ngắn gọn được truyền tải đi: "Tối nay đừng như thế này nữa nha Công Phượng". Và quả đúng là khi có cơ hội ngon ăn khi đối đầu Thái Lan, Công Phượng không sút ra ngoài nữa. Thay vào đó, anh sút hụt.
Ngay lập tức, pha bóng hài hước tiếp theo của Công Phượng lại trở thành chủ đề gây tranh cãi. Cộng đồng mạng chia thành hai phe, một bên lên tiếng chê bai Công Phượng "sút quả bóng cũng hụt", bên còn lại thì chê những người chê Phượng.
Trên thực tế, ai cũng có cái lý của mình. Những người chỉ trích Công Phượng thì đổ lỗi cho việc cầu thủ phải ngồi dự bị quá nhiều trong mùa giải năm nay, hết ở Incheon rồi lại đến Sint Truidense nên thành ra mất cảm giác thi đấu.
Phía còn lại thì nhận định mặt sân xấu sau cơn mưa nặng hạt trước giờ bóng lăn ảnh hưởng đến cú dứt điểm của Công Phượng. Những gờ cỏ mấp mô trơn trượt khiến tiền đạo này không thể đặt trụ vững, bóng khẽ chạm vào trụ trước khi dứt điểm làm cho pha vung chân sau đó của Công Phượng trở nên thiếu chính xác.
Ai nói nghe cũng có lý tuy nhiên việc một cầu thủ sút trượt thực ra chẳng có gì to tát. Đặt trường hợp người hỏng ăn không phải là Công Phượng, mọi việc chưa chắc đã gây ồn ào đến thế. Vậy vấn đề thực ra nằm ở đâu?
Nhìn nhận trận đấu với Thái Lan tối qua, đa số các chuyên gia đều dành lời khen cho Công Phượng khi nhận xét sự xuất hiện của tiền đạo này từ khi vào sân đã giúp ĐT Việt Nam thay đổi được cục diện khi tấn công.
Vấn đề nằm ở chỗ không phải Phượng giúp ĐT Việt Nam tốt lên nhớ những tình huống dứt điểm, thay vào đó là việc anh cầm và đi bóng tốt. Nghe có gì đó không đúng cho lắm thì phải?
Nên nhớ tại Asian Cup 2019, Công Phượng từng được HLV Park Hang-seo tin tưởng giao cho vị trí tiền đạo cắm và ở đó anh đã làm rất tốt. Điều này cũng không quá khó hiểu khi trong suốt mùa giải V.League 2018, đây là vị trí ưa thích của cầu thủ này tại HAGL.
Tuy nhiên việc chuyển đến Incheon rồi Sint Truidense khiến cơ hội đá trung phong của Công Phượng gần như không còn. Anh phải chấp nhận chơi hộ công, dạt biên, thậm chí đá tiền vệ bởi không thể cạnh tranh được với những chân sút cao lớn trong đội bóng. Và thế là thầy Park lại phải tìm một phương án khác.
Văn Toàn đã rất cố gắng, nhưng thế vẫn là chưa đủ.
Tại King’s Cup hồi tháng 6 vừa qua, ông Park thuyết phục Anh Đức trở lại, dù tiền đạo sinh năm 1985 từng chủ động xin rút lui sau chức vô địch AFF Cup 2018 và không tham dự Asian Cup 2019. Điều đó đủ cho thấy cái khó của ông thầy người Hàn Quốc trong việc lựa chọn một phương án đá trung phong.
Nhưng Anh Đức thì cũng đã lớn tuổi, thể trạng không còn đảm bảo để sẵn sàng ra sân bất cức lúc nào, đó là điều ai cũng biết.
Và đến khi lão tướng này không có được sức khỏe tốt, người đàn em tại B.Bình Dương là Tiến Linh được lựa chọn thay thế cho cuộc đối đầu với người Thái. Tuy nhiên 45 phút có mặt trên sân của chân sút này không mang lại bất cứ dấu ấn nào, dù cho ở V.League anh chơi không hề tệ nhưng câu chuyện ở trên tuyển rõ ràng rất khác.
Đầu hiệp 2, Công Phượng được tung vào sân thay Tiến Linh nhưng không phải để đá cắm, vai trò này được giao cho Văn Toàn. Có điều từ lâu người ta đều biết rằng tốc độ và thể hình của Văn Toàn phù hợp hơn với vai trò tiền đạo cánh. Toàn đã rất nỗ lực, nhưng như thế vẫn là chưa đủ.
Anh Đức đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ trước khi trận đấu diễn ra, tuy nhiên cuối cùng anh không thể vào sân dù chỉ 1 phút.
Trên thực tế HLV Park Hang-seo đáng ra đã có thể có một thử nghiệm mới cho vị trí trung phong nhưng đáng tiếc Hà Minh Tuấn không kịp bình phục chấn thương. Tuy nhiên với một cầu thủ mới lần đầu làm việc cùng thầy Park, con số 7 bàn thắng ở V.League cũng chỉ là yếu tố để khích lệ chứ chưa đủ để khẳng định Minh Tuấn có gắng vác được trọng trách được giao phó hay không.
Đã qua rồi cái thời cứ nhắc đến tiền đạo của ĐT Việt Nam là truyền thông trong nước và quốc tế lại gọi tên Lê Công Vinh.
Hơn 10 năm giữ vai trò trung phong ở đội tuyển, chân sút người xứ Nghệ đã làm rất tốt vai trò của mình và trở thành tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐTQG (51 bàn). Chỉ có điều kể từ sau ngày Vinh treo giầy, bài toán nơi hàng công nơi ĐT Việt Nam mà anh để lại vẫn chưa thể nào có được một lời giải trọn vẹn và tạo được sự yên tâm dài lâu.
Sau Công Vinh, phần nào đó đã là Anh Đức. Nhưng sau Anh Đức, liệu sẽ là ai?