Nguồn gốc bất ngờ của những chiếc mặt nạ Venice
Trong lịch sử nước Ý, thành phố Venice nổi tiếng ưa thích mậu dịch hơn là lao vào chiến tranh tàn khốc.
Vì vậy, không như nhiều nơi khác của châu Âu, từ thế kỉ 12 cư dân Venice đã tận hưởng một cuộc sống đầy đủ, xa hoa. Mỗi người đều có nhiều vận may trở nên giàu có bất chấp xuất thân của mình.
Hơn nữa, Venice lúc bấy giờ là một nơi khá nhỏ bé. Nếu giới quý tộc chỉ giao du với quý tộc, người bình dân chỉ tiếp xúc với người bình dân thì dường như khao khát gặp gỡ của họ chưa thể thỏa mãn.
Đó là lúc những chiếc mặt nạ bắt đầu xuất hiện với mục đích che giấu thân phận thực sự của mỗi người Venice.
Gạt bỏ đi định kiến về vẻ bề ngoài, người ta được thoải mái làm điều mình muốn, gặp mặt bất kỳ ai tùy thích và thực hiện những giao dịch riêng tư.
Chiếc mặt nạ còn ngầm xóa đi rào cản về địa vị xã hội. Các mối tình trong sáng, vượt qua giai cấp phong kiến đã bắt đầu nảy nở như vậy.
Các tay thám tử và điệp viên có thể hỏi chuyện bất kỳ công dân nào, người đó cũng tùy ý trả lời theo quan điểm của mình. Quan trọng là hai bên không để lộ thân phận thực sự của nhau.
Vậy là suốt một thời gian dài, chiếc mặt nạ trở thành vật bất ly thân của người dân Venice. Nó đem lại sức mạnh tinh thần với ý nghĩ được là chính mình, thể hiện những gì sâu kín nhất ra ngoài. Bởi vì khi không nhìn thấy khuôn mặt, tiếng nói của bạn sẽ được lắng nghe!
Tuy xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp nhưng tình hình bắt đầu rối ren khi người ta lạm dụng chiếc mặt nạ ẩn danh
Các sòng bạc mở ra khắp hang cùng ngõ hẻm, kể cả trong tu viện. Phụ nữ mặc ngắn hơn, tình dục thoải mái hơn. Các phiên tòa xét xử công khai cũng cũng mọc lên như nấm!
Trước sự tha hóa của xã hội, Giáo hoàng đã ngăn cấm mang mặt nạ trong đời thường, nhất là vào các ngày lễ quan trọng.
Theo đó, người ta chỉ còn có thể đeo mặt nạ từ ngày 26/12 đến trước ngày "Thứ ba Béo"(một ngày lễ Công giáo diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3 với truyền thống ăn bánh nướng).
Dần dần, trong khung thời gian kéo dài hơn 2 tháng, người dân Venice đã khởi mào lên lễ hội Carnival cực hoành tráng. Họ đeo lên những chiếc mặt nạ sặc sỡ và độc đáo nhất như để bù lại cho khoảng thời gian "im lìm" và "nghiêm túc" của năm!
Quy trình làm 1 chiếc mặt nạ Venice và ý nghĩa sâu thẳm sau đó
Ít ai ngờ, một chiếc mặt nạ cần tới 2-3 tuần để hoàn thành do làm thủ công hoàn toàn. Giá cả có thể lên đến 8 triệu đồng cho những chiếc đắt nhất.
Giải thích cho việc không sử dụng máy móc trong sản xuất mặt nạ, nghệ nhân Sergio Boldrin cho biết: "Máy móc chẳng giúp ích gì cả, chúng không thể bắt chước các kĩ thuật đặc biệt trong chế tác mặt nạ.
Bởi mỗi nghệ nhân vừa phải là thợ điêu khắc vừa là họa sĩ. Chúng tôi làm ra hình hài mặt nạ từ khuôn đúc, sau đó trang trí nó bằng màu sắc. Và quan trọng hơn là bạn phải có trí tưởng tượng".
Các nghệ nhân mặt nạ rất tự hào về công việc của mình. Họ nghĩ mặt nạ Venice đặc biệt bí ẩn và có sắc thái riêng, không trộn lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Ông Sergio chia sẻ: "Mặt nạ trong vũ hội ở Brazil chẳng hạn, chúng cũng có tính thẩm mỹ cao, thể hiện khoảnh khắc vui sướng nhưng lại không đa dạng về biểu cảm.
Còn mặt nạ Venice thì gắn liền với đời sống và văn hóa suốt mấy thế kỉ. Chúng đã quá quen thuộc với người dân ở đây và bộc lộ được vô vàn cảm xúc".
Với sự kỳ công của mình, các nghệ nhân đã giữ gìn trọn vẹn vẻ đẹp của mặt nạ Venice qua hàng trăm năm.
Và đến hẹn gặp nhau trong Lễ hội Carnival, những chiếc mặt nạ này lại lôi kéo theo 3 triệu khách du lịch mỗi năm.
Sự trường tồn của mặt nạ Venice không chỉ bởi vẻ đẹp bóng bẩy, mà còn bởi ý nghĩa đầy nhân văn ban đầu: Khao khát tự do, thể hiện những gì chân thật nhất!
Cô Carla Almanza-de Quant - một nghệ nhân chế tác mặt nạ chia sẻ: "Tôi nghĩ sự giả tạo mới là chiếc mặt nạ đáng buồn nhất của con người. Còn khi mang mặt nạ Venice, bạn sẽ cởi mở hơn, sôi động hơn mà vẫn là chính mình".
Nguồn: Magic of Venezia, Business Insider, CNN...