Mới đây thôi, loại cà phê này đã khiến cả thế giới giật mình bởi cái giá $75/tách, tương đương 1,7 triệu vnđ. Song nếu bình tĩnh tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy đúng câu "Tiền nào của nấy".
Vang danh cà phê đắt hàng đầu thế giới
Kể từ cuối thập niên 1990, do cafe liên tục rớt giá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của cư dân sống dựa vào loại cây công nghiệp này, nhiều cuộc thi cà phê ngon nhất đã được mở ra. Chúng giúp kết nối người bán với người mua, cải thiện giá cà phê và trao cơ hội làm giàu cho không ít nông dân toàn cầu.
Quả cà phê Elida Geisha
Cuộc thi Best of Panama được tổ chức ở Panama - đất nước nằm ở Trung Mỹ - là một trong số những cuộc thi như thế. Vào năm ngoái (2018), nó vinh danh cà phê Elida Geisha của gia đình 4 đời trồng cà phê Lamastus.
Ngay sau giải quán quân, 45kg cà phê Elida Geisha được đưa vào đấu giá và đạt kỷ lục $803/poud (tương đương 18,7 triệu vnđ/454g). Quy đổi sang tiền Việt và trọng lượng kilogram, nó rơi vào tầm 41 triệu vnđ/kg. Cái danh "vàng đen" chính là từ mức giá "trên trời" này mà ra.
Tại Klatch Coffee, tiệm cà phê sang trọng được mở ở Los Angeles (Mỹ), "vàng đen" Elida Geisha được pha chế cẩn trọng. Sau khi tính toán chi li từ tiền gốc đến phí vận chuyển, công rang xay... người ta quyết định bán nó với giá $75/tách (tương đương 1,7 triệu vnđ).
Sự hòa quyện tuyệt vời giữa hương hoa và vị quả
Không như hầu hết các loại cà phê chỉ cho thấy vị đắng của hạt, cà phê Elida Geisha hòa quyện cả hương hoa thơm ngọt ngào. Nó độc đáo đến nỗi các giám khảo phải ca ngợi là "bản giao hòa của hoa và quả".
Michael Perry, một trong các giám khảo của Nhất Panama đồng thời là đại diện đấu giá của Klatch Coffee hào phóng chấm cho nó trọn vẹn 100/100 điểm. "Đó là ly cà phê tuyệt vời nhất tôi được nếm thử trong đời," – ông say sưa.
Giải Best of Panama đã tạo đà cho cafe Elida Geisha tăng giá phi mã
Trong không gian thoáng đãng, sang trọng của Klatch Coffee, người thưởng thức dám bỏ ra cả $75/ly cà phê thong thả nhấm nháp. Không ít người nhìn vào... phát bực, phàn nàn đúng là thói hợm hĩnh của những kẻ lắm tiền.
Tuy nhiên, "Một chai rượu whisky hảo hạng cũng chẳng rẻ hơn. Chưa kể là lắm lúc, bạn còn bỏ ra cả đống tiền chỉ để mua một chiếc đồng hồ hoặc một đôi giày mà mình mang có đúng một lần," - Daniel Walsh, khách hàng của Klatch thẳng thắn chỉ ra.
"Tôi thích cà phê và tôi muốn thử," – anh nói thêm. Và như đánh giá của Walsh thì nó tuy đắt như vàng nhưng mà đáng. Ngoại trừ Elida Geisha, bạn sẽ chẳng tìm được loại cà phê nào vừa ngon lại vừa phảng phất hương hoa như đang ở giữa vườn cây trổ bông bát ngát.
Nguồn gốc Đông Phi, trải lắm thăng trầm trước khi nổi tiếng
Kỳ thực thì không phải đến tận bây giờ, Elida Geisha mới nổi danh đắt nhất thế giới. Trước đó vào năm 2004 và cũng trong một cuộc thi Nhất Panama, chính nó đã giành giải nhất và đem về cái giá $21/pound (khoảng 500.000 vnđ/454g, rơi vào tầm 1,1 triệu vnđ/kg) cho nhà Peterson, một gia đình trồng cà phê khác cũng ở Panama.
Vào khoảng thời gian này, giá cà phê trung bình của thế giới chỉ tầm $1,5/kg, tương đương 34.000 vnđ/kg.
Nhờ Elida Geisha, nhà Lamastus nổi tiếng toàn cầu
Như đã đề cập, cái đuôi Geisha của Elida Geisha không liên quan gì đến kỹ nữ Nhật Bản mà là tên gọi của một loại cà phê có nguồn gốc từ Ethiopia. Chúng được biết đến vào thập niên 1930, sau đó theo đường biển ghé Costa Rica (quốc gia ở Trung Mỹ), cuối cùng đặt chân xuống đất nước kênh đào.
Tại Panama, Geisha được trồng thử và sớm bị hắt hủi. Do vừa ít quả lại thiếu hương vị riêng độc đáo, người ta lần lượt phá bỏ nó để trồng giống khác.
Chỉ riêng nhà Peterson đến từ Hacienda La Esmeralda là tiếc thương, thử đem Geisha trồng ở mảnh đất cao nhất của mình xem sao. Bất ngờ là hạt giống cà phê này lại đổi vị, trở nên thơm ngon lạ thường và đặc biệt còn hàm chứa mùi thơm quyến rũ từ những chùm bông trắng xinh xẻo.
Khó trồng, khó chăm, nghèo quả và cực kỳ kén môi trường
Hai năm sau khi Geisha đoạt giải quán quân lần đầu, nhà Lamastus mới nghe danh nó và mua hạt về gieo. Mặc dù sở hữu trang trại rộng 65ha nhưng để đủ "cơm ăn áo mặc" cho tất cả các thành viên, Lamastus đã rất vất vả. Ngoài cà phê, họ phải trồng thêm đủ thứ nông sản khác như dưa, hành, quả mọng... để tăng thu nhập.
Ngay từ khâu gieo giống, Geisha đã tỏ ra là một "công chúa" khó chăm khó chiều. Nội việc chuyển chúng từ vườn ươm lên đồi cao đã làm chết mất 20% cây con.
Trong khi cà phê bình thường chỉ mất 3-4 năm là ra hoa, Geisha nhẩn nha tận 8 năm mới chịu bói quả. Mỗi chùm của nó cũng chỉ đậu được có vài trái. Tuy càng ở vùng đất cao, nghèo oxy thì càng ngon nhưng nó cũng sinh trưởng chậm rù, hở ra cái là còi cọc, chết sớm.
Đổi lại, chất đất núi lửa và khí hậu lạnh lẽo vùng cao giữa trung tâm biển Caribbean và Thái Bình Dương tặng cho cái thói đỏng đảnh của Geisha hương vị hoàn hảo. Nhờ nó, nhà Lamastus còn giật thêm 2 giải thưởng danh giá khác cho 2 loại cà phê mới là Elida Geisha Natural và Elida Geisha Washed.
Còn về nửa đầu Elida của thương hiệu Elida Geisha thì đó là tên bà cố của nhà Lamastus. Họ lấy tên bà để luôn ghi nhớ công ơn người phụ nữ đã một thân một mình gây dựng và bảo vệ gia đình qua quãng thời gian sóng gió.
Tham khảo: Bbc