Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: AP.
Hợp tác mang lại lợi ích cho cả Pence lẫn Biden
Ngày 14/1 vừa qua, ông Pence đã gọi điện chúc mừng Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, đề xuất điều chuyên cơ Không lực 2 đưa bà đến lễ nhậm chức, giống như những gì mà ông Biden đã từng làm cách đây 4 năm. Đáng chú ý là vào hôm 6/1, ông Pence đã bác bỏ các nỗ lực nhằm ngăn cản Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử. Điều này khiến ông trở thành mục tiêu của đám đông biểu tình trong vụ bạo loạn tại trụ sở tòa nhà Quốc hội khi ông chính thức công nhận chiến thắng của ông Biden.
Trong bối cảnh chia rẽ hằn sâu và sự cạnh tranh giữa các đảng phái đang diễn ra gay gắt, Phó Tổng thống Mike Pence và Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn vượt qua những bất đồng để giúp tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách suôn sẻ. Theo các nhà phân tích, sự hợp tác này có lợi cho cả đôi bên, không chỉ giúp ông Biden củng cố chiến thắng hợp pháp trước đảng Cộng hòa mà còn giúp ông Pence lấy lại uy tín sau những rắc rối hậu bầu cử.
William Kristol, người từng là chánh văn phòng của Phó Tổng thống Dan Quayle nhận xét, sự hợp tác với ông Biden cho phép ông Pence xây dựng thương hiệu chính trị thời kỳ hậu Trump và giúp ông có được lợi thế nếu ra tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Với Tổng thống đắc cử Biden, mối liên hệ với Mike Pence cho phép ông khẳng định rằng, ông có thể tạo ra sự đồng thuận lưỡng đảng. “Ông Biden có lẽ muốn nói rằng, việc lựa chọn Donald Trump là sai lầm đối với nước Mỹ và đối với đảng Cộng hòa. Từ quan điểm của người sắp lên nắm quyền, sẽ rất phù hợp cho ông khi đưa ra lập luận này”.
Dù được coi là một trong những nhân vật trung thành nhất với Tổng thống Trump, nhưng thời gian gần đây ông Pence vẫn đảm nhận các vai trò truyền thống, làm tròn nghĩa vụ của một Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm, trong đó có việc chủ trì cuộc họp Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử, đến California và New York cuối tuần qua để nói lời tạm biệt với quân đội.
Các trợ lý của hai bên cho biết, trước đây ông Biden từng nhờ ông Pence giúp để ổn định chỗ ở trong dinh thự phó tổng thống tại Đài quan sát Hải quân Mỹ (USNO) và nhiều lần có các cuộc điện thoại với ông Pence. Dưới thời chính quyền Obama, ông Pence tham gia đội ngũ lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, sau đó trở thành thống đốc bang Indiana. Cách đây 4 năm, ông Biden - với tư cách là Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm đã chào đón ông Pence khi ông chuẩn bị nhậm chức.
Hai nhân vật này có tính cách khác biệt và cũng có sự chênh lệch tuổi tác khá lớn vì ông Mike Pence kém ông Biden 17 tuổi. Tại Quốc hội, họ làm việc trong các phòng ban khác nhau, phục vụ cho những đảng phái khác nhau, khác biệt quan điểm về mọi thứ từ Chiến tranh Iraq đến quyền lợi của người đồng tính. Thế nhưng ở họ luôn toát lên sự lịch thiệp, xuất phát từ sự tôn trọng với các thể chế, các đồng minh của hai bên cho biết. Trước khi ông Trump - một tổng thống được cho là người không tuân theo các chuẩn mực, sắp rời nhiệm sở, nét tương đồng này đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Olivia Troye, một cựu trợ lý của ông Mike Pence, người đã rời chính quyền Trump, nhận xét: “Ông Pence là một con người nhã nhặn, lịch thiệp. Ông ấy rất coi trọng công việc và luôn hành xử đúng mực. Tại buổi lễ nhậm chức của ông Biden, tôi không nghi ngờ gì về việc ông ấy sẽ thể hiện sự tôn trọng. Đó là bản chất của Pence. Ông ấy không phải kiểu người dễ nổi nóng”.
Trái lại, Tổng thống Trump có kế hoạch không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden, khiến ông trở thành tổng thống sắp mãn nhiệm đầu tiên tẩy chay lễ nhậm chức của người kế nhiệm kể từ năm 1896 – khi Tổng thống Andrew Johnson từ chối tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Ulysses Grant.
Những định kiến không dễ xóa bỏ
Thế nhưng sự hợp tác này được cho là khó duy trì lâu dài bởi nhiều thành viên của đảng Dân chủ vẫn có định kiến với ông Pence, coi ông là nhân vật đã tiếp tay cho những “hành động hủy hoại” của Tổng thống Trump suốt 4 năm qua và không muốn tân tổng thống Mỹ trọng dụng ông.
Bất chấp nỗ lực đảm bảo chuyển giao quyền lực suôn sẻ của ông Pence, một số người vẫn thể hiện định kiến đối với ông. Hạ nghị sĩ Dân chủ Bonnie Watson Coleman cho biết: “Ông ấy không thể xóa nhòa 4 năm gắn bó trong chính quyền Donald Trump chỉ bằng 30 giây làm điều đúng đắn”. Trích dẫn chính sách của chính quyền Donald Trump về các vấn đề chủng tộc, dịch Covid-19 và nhiều vấn đề khác, bà Watson Coleman cho biết, ông Pence đã khiến “chúng tôi hoài nghi và giảm sự tin tưởng đối với ông ấy”.
Khi chủ trì phiên họp Quốc hội ngày 6/1, ông Pence đã thực hiện vai trò giống như ông Biden cách đây 4 năm. Ông Biden cũng từng đối mặt với những lời chỉ trích trong đảng của ông nhưng không gay gắt như những gì ông Pence phải hứng chịu. Đảng Dân chủ dù không thực hiện nỗ lực thách thức kết quả bầu cử năm 2016 mạnh mẽ như điều mà nhiều thành viên Cộng hòa đang làm hiện nay, song họ vẫn cho rằng ông Trump đã thua bà Hillary Cliton khi tính về số phiếu bầu phổ thông và cáo buộc Tổng thống Trump nhận sự giúp đỡ từ Nga. Giữa bầu không khí căng thẳng như vậy, ông Biden đã gặp gỡ ông Pence nhiều lần, thậm chí tiếp đón vợ chồng ông Mike Pence tại dinh thự chỉ một tuần sau khi bà Hillary Clinton thừa nhận thất bại.
Theo một số nguồn thạo tin, sau khi ông Pence nhậm chức vào năm 2017, ông Biden thường xuyên liên lạc với ông Pence. “Ông Biden đã tạo thói quen liên lạc với ông Pence, tất nhiên do những ưu tiên về chính trị”, một nguồn thạo tin cho biết. Tuy vậy, ông Biden đã phải từ bỏ thói quen này vào năm 2019 do vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các thành viên Dân chủ vì đã ca ngợi ông Pence là “một người tử tế” trong bài phát biểu tại Đại học Nebraska.
Nhiều thành viên đảng Dân chủ đã tỏ ra khó chịu trước lời nhận xét của ông Biden về ông Pence bởi cho rằng phó tổng thống là người phản đối quyền lợi của người đồng tính và quyền nạo phá thai. Hơn nữa, ông Pence cũng là người từng chỉ trích lập trường của chính quyền Obama-Biden về vấn đề ngân sách và việc rút quân ra khỏi Iraq./.