Sốt là biểu hiện bình thường của cơ thể
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều phụ huynh thấy con sốt cao nhất là co giật thì họ hoảng sợ, lo lắng thậm chí có người còn nghĩ rằng co giật để lại biến chứng, động kinh nên cho con uống thuốc, đây là sai lầm.
PGS Dũng cho biết biểu hiện sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể cứ khi có tác nhân gây bệnh thì cơ thể sốt lên để tiêu diệt vi trùng, vi rút, sốt là phản ứng tốt của cơ thể. Không ai muốn con sốt nhưng khi vi rút, vi trùng tấn công vào lúc nào thì sốt chính là dấu hiệu để cơ thể tấn công lại con vi rút, vi khuẩn đó, loại nó ra khỏi cơ thể.
PGS Dũng cho biết, nếu bình thường sốt đó không ảnh hưởng gì lắm đến sinh hoạt của cơ thể trẻ như: Sốt không làm em bé mệt, không làm em bé bứt rứt khó chịu, không làm em bé chán ăn thì bác sĩ khuyên cha mẹ không chữa sốt đó mà để tự nhiên. Ở những em bé sốt nhẹ như thế không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung thì phần lớn bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi.
Một số trường hợp các cháu sốt quá cao thì có thể làm em bé khó chịu, bứt rứt, có một số cháu khô miệng, ăn không được khiến gia đình lo lắng, đặc biệt là riêng ở trẻ con khi sốt cao có thể gây co giật.
Sốt là phản ứng của cơ thể chống lại vi khuẩn, vi rút gây bệnh
Tâm lý, trẻ em trẻ đang chơi bỗng dưng lên cơn co giật, mặt mũi tím tái, bất tỉnh. PGS Dũng cho biết có khi bác sĩ đang khám cho trẻ thì các cháu cũng tím tái người, giật đùng đùng.
Chính biểu hiện co giật này làm cho bố mẹ rất lo lắng, không chỉ riêng Việt Nam mà nước nào cũng lo.
Tuy nhiên, PGS Dũng cho rằng co giật chỉ do sốt cao đó là co giật lành tính, nó chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn từ 5 – 10 giây, có cháu vài chục giây tự dưng sẽ khỏi, các cháu lại tỉnh ngay.
Khi trẻ bị co giật do sốt cao cha mẹ cần nhớ 4 điều cần làm:
1. Đặt trẻ nằm nghiêng
Khi trẻ sốt, bố mẹ đang bế cháu hoặc đang chơi xuất hiện co giật cha mẹ không nên hoảng hốt. Lúc ấy, cha mẹ cần bình tĩnh, đặt nghiêng người trẻ ra ngay.
Tại sao phải đặt nằm nghiêng, PGS Dũng cho biết, vì khi co giật trẻ kèm theo đờm dãi, nếu nằm ngửa có thể chảy vào phổi, gây tử vong ngay do sặc phổi. Chính vì thế, đặt nghiêng nếu trẻ có đờm dãi chảy ra ngoài để làm thông đường thở cho trẻ.
PGS Dũng hướng dẫn cách đối phó với trẻ bị sốt co giật
2. Nới rộng quần áo, giữ thoáng không khí cho trẻ
Đồng thời, nới rộng quần áo ra cho mát, để nghiêng một lúc và bình tĩnh lấy chiếc khăn nhét vào miệng trẻ để phòng cơn co giật sau trẻ không sợ cắn vào lưỡi. Tuyệt đối không được đút ngón tay vào vì trẻ có thể cắn tay.
PGS Dũng cho biết nhiều cháu co giật, những người xung quanh vội vàng quây kín lại càng khiến cháu bé thiếu oxy để thở. Trong trường hợp này, mọi người không nên tò mò tập trung quá đông mà để cháu được thoáng.
3. Không cho trẻ uống thuốc động kinh
Trường hợp này nhiều cha mẹ lo lắng sợ con bị động kinh, cho uống cả depakine, PGS Dũng cho rằng cho con uống thuốc này chỉ hại thêm chứ không có tác dụng gì cả bởi vì những cơn co giật này không ảnh hưởng đến não trẻ.
Bởi vì, theo PGS Dũng một số trường hợp co giật ảnh hưởng tới não là do trẻ bị viêm não, viêm màng não mà bác sĩ không chẩn đoán chính xác.
Sau cơn co giật, trẻ sốt cao có thể hạ sốt bằng viên đạn đặt hậu môn rồi đưa trẻ đến bệnh viện đi khám để xem trẻ có biến chứng gì không ngoài triệu chứng sốt.
4. Đưa đến gặp bác sĩ
Khi trẻ hết cơn co giật, cha mẹ cần bình tĩnh rồi đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám và theo dõi các cháu sốt cao để xem có bệnh kèm theo như viêm màng não, viêm não hay không.
Hiện nay, trên thị trường có một vài loại thuốc được quảng cáo phòng co giật khi bị sốt cao. PGS Dũng cho rằng điều này không có bằng chứng khoa học.
"Giờ phút này không có thuốc nào phòng được co giật khi sốt cao, thế giới đã làm nghiên cứu trên trẻ sốt trên 38,5 độ mới cho thuốc hạ sốt, có cháu sốt đến đến 38,5 độ đã co giật nhưng thuốc kia không có tác dụng nào cho trẻ", ông nhấn mạnh.