Nếu ai đã từng trải qua việc chăm sóc trẻ nhỏ, hẳn sẽ hiểu được đây là 1 công việc không hề đơn giản, thậm chí là rất vất vả và mệt mỏi và dễ khiến chúng ta bị stress nhất.
Trẻ có thể khóc trong mọi tình huống, từ đói bụng, hay bị muỗi đốt, thấy lạnh quá, nóng quá, hoặc mệt mỏi, hoặc lo lắng, sợ hãi... và nhiều bà mẹ thừa nhận, họ từng bị ám ảnh bởi tiếng khóc của con trong nhiều năm sau khi sinh.
Tuy nhiên, dù việc chăm sóc trẻ nhỏ mệt mỏi đến thế nào đi chăng nữa, vẫn có những quy tắc nhất định mà chúng ta không được phép vượt qua, vì nó có thể khiến chúng ta phải trả giá đau đớn, thậm chí sống trong dằn vặt cả đời.
Câu chuyện dưới đây là một ví dụ như vậy.
Vào 1 ngày tháng 5 năm 2016, tại thành phố Perth của Australia, mẹ của cậu bé Noah, 3 tháng tuổi có việc phải ra khỏi nhà, để cậu bé Noah ngủ một mình trong phòng.
Cậu bé đáng thương Noah đã qua đời 1 cách oan uổng khi chỉ mới được 3 tháng tuổi vì hành động vô thức của người ông.
Khi đó trong nhà có ông của bé là Wayne William Downing, 48 tuổi đang ngủ trên ghế sofa.
Mẹ bé Noah đi được một lúc thì cậu bé tỉnh dậy. Có lẽ vì không thấy ai nên Noah đã khóc rất to. Mệt mỏi và cáu gắt vì bị làm phiền trong lúc ngủ, ông Downing đã đi vào phòng, bế Noah lên và rung lắc cậu bé dữ dội trong khoảng 4 đến 6 giây, với mục đích sẽ khiến cậu nín khóc và quay trở lại giấc ngủ.
Thế nhưng, khi mẹ bé Noah trở về, chị chỉ thấy con trai mình tím tái và cơ thể thì lạnh ngắt. Việc cứu chữa đã không còn kịp nữa, và cậu bé đáng thương đã tử vong vì sự tắc trách của ông mình.
Vụ việc khiến cho nhiều người dân Australia cảm thấy vô cùng bất bình. Tại sao một người ông chỉ vì muốn được ngủ tiếp mà đến nỗi khiến cháu mất mạng?
Tờ Daily Star đưa tin, phải đến lần thẩm vấn thứ 2 thì ông Downing mới thừa nhận đã rung lắc cậu bé Noah, và rằng lúc đó mình quá mệt mỏi nên "chỉ rung lắc cháu một chút thôi".
Một thẩm phán cho biết ông Downing đã làm như vậy với hy vọng rằng cậu bé Noah sẽ ngủ trở lại. Thế nhưng, việc rung lắc chỉ trong từ 4 đến 6 giây ấy đã gây nên những tổn thương khủng khiếp trong não và cột sống của Noah.
Ông Downing thừa nhận vào lúc đó, ông thấy đầu của đứa trẻ lắc từ bên này sang bên kia, từ sau ra trước. Tuy nhiên lời khai sau đó của người đàn ông 48 tuổi đã khiến cho dư luận tức giận hơn bao giờ hết: "Ngay khi bỏ thằng bé xuống, tôi đã biết mình đã gây ra chuyện gì... Tôi đã cố để ngủ trở lại".
Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là người ông đã biết có chuyện gì đó không ổn với cháu sau hành động rung lắc dữ dội, nhưng thay vì gọi cấp cứu ngay lập tức thì ông ta lại không hề làm gì mà chỉ muốn đi ngủ tiếp.
Thẩm phán Anthony Derrick đồng ý rằng ông Downing rất yêu quý Noah và không có ý định làm hại hay giết chết cậu bé.
Tuy nhiên, thẩm phán tỏ ra thất vọng trước sự thờ ơ của ông Downing, dù rằng với những thương tổn khủng khiếp đã gây ra cho cậu bé mới chỉ được 3 tháng tuổi, thì có lẽ việc tìm kiếm trợ giúp y tế nhanh chóng cũng không đem tới sự khác biệt nào.
Đây cũng là một bài học quan trọng cho các bậc phụ huynh cũng như những người trực tiếp chăm sóc trẻ nhỏ. Việc rung lắc trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh sẽ dẫn đến những thương tổn cực kỳ nguy hiểm, mà người ta gọi là Hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh.
Việc rung lắc trẻ sơ sinh là cực kỳ nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh là một thuật ngữ y học được định nghĩa liên quan đến các thương tổn gây ra bởi việc lắc mạnh trẻ. Hội chứng này chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ hơn hai tuổi, nhiều nhất là trong giai đoạn sơ sinh.
Do trẻ có cơ cổ rất yếu nên không thể giữ cho đầu được ổn định. Rung lắc mạnh khiến đầu trẻ di chuyển dữ dội qua lại dẫn đến chấn thương não. Khi đó sẽ xuất hiện tình trạng thiếu oxy đến não và có thể gây tử vong.
Nếu không tử vong và may mắn qua khỏi, trẻ vẫn có thể mắc phải những triệu chứng nguy hiểm sau:
- Giảm thị lực
- Nghe kém
- Chậm phát triển tâm thần và vận động.
- Trẻ gặp rối loạn về ngôn ngữ, nhận thức và hành vi. Khó tập trung và ghi nhớ mọi thứ.
- Động kinh
Theo Mirror