Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn: Bộ ba giọng nam cao nhạc Cách mạng, xuất sắc về kỹ thuật

Long Phạm |

(Tổ Quốc) - Cả Đăng Dương, Trọng Tấn và Việt Hoàn đều là những giọng nam cao hàng đầu về nhạc Cách mạng hiện nay.

Bắt đầu hát tam ca từ năm 1998, bộ ba Đăng Dương – Trọng Tấn – Việt Hoàn đã tạo nên thương hiệu trong suốt hơn 20 năm qua. Mỗi người một màu sắc, phong cách riêng nhưng ba nam ca sĩ đã cùng hợp thành tam ca nhạc Cách mạng xuất sắc, chuẩn chỉ về kỹ thuật lẫn xử lý, được đông đảo giới chuyên môn cũng như khán giả yêu thích, đánh giá cao.

Trọng Tấn – giọng hát mềm mại nhưng kỹ thuật điêu luyện

Trọng Tấn tên thật là Vũ Trọng Tấn, sinh năm 1976, từng tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội.

Anh bắt đầu nổi tiếng khi đoạt giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1997 và giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999. Ngoài ra, anh cũng đoạt Giải nhì cuộc thi hát thính phòng và nhạc kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000.

Anh cũng từng là giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội và có học vị thạc sĩ.

Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn: Bộ ba giọng nam cao nhạc Cách mạng, xuất sắc về kỹ thuật - Ảnh 1.

Bộ ba nhạc Cách mạng

Trong tam ca Đỏ thì Trọng Tấn là tên tuổi nổi tiếng và thành danh nhất. Anh sở hữu giọng leggiero tenor sáng mảnh, trữ tình. Đặc trưng của loại giọng này là mỏng nhẹ, linh hoạt, bay bổng và có độ sáng, âm vực rộng, hát thoải mái ở những nốt trên F4, thậm chí có thể thực hiện một số đoạn chạy nốt phức tạp.

Nhờ đó, Trọng Tấn khá linh hoạt trong việc xử lý các ca khúc, từ bán cổ điển tới nhạc nhẹ, nhạc trữ tình. Anh hát nhạc nào cũng thành công, trọng vẹn cảm xúc và "thâu tóm" được nhiều khán giả về phía mình.

Tuy không hát Opera hay nhạc cổ điển thuần, chủ yếu hát bán cổ điển và nhạc trữ tình, nhưng kỹ thuật của Trọng Tấn rất chuẩn mực, hát nét và xử lý bậc thầy, chỉ cần mở mồm ra là cộng hưởng. Âm thanh Trọng Tấn tạo ra rất đẹp, vừa có chút dựng tiếng để cộng hưởng độ vang nhưng vẫn mềm mại, êm ái và bỏ nhỏ mượt như ru. Ưu điểm quãng giọng rộng giúp Trọng Tấn lên cao dễ dàng, thoải mái mà vẫn chắc chắn.

Việc lấn sân sang nhạc nhẹ, Bolero là một bước chuyển ngoạn mục giúp Trọng Tấn trở nên đa dạng, thị trường hơn. Do đó, đối tượng khán giả của anh rất rộng, độ phủ sóng cao. Nhưng dù hát nhạc gì, Trọng Tấn vẫn đảm bảo nền kỹ thuật vững chắc, chuẩn chỉ, hầu như không có lỗi lầm, sai sót gì. Anh luôn được xem là một tiêu chuẩn về thanh nhạc dành cho các giọng tenor tại Việt Nam.

Đăng Dương – người giữ lửa kiên trung với nhạc Cách mạng

Đăng Dương tên thật Phạm Đăng Dương, sinh năm 1974 tại Hải Dương. Anh từng đoạt một giải Cống hiến, có học vị thạc sĩ và hiện đang giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội.

Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn: Bộ ba giọng nam cao nhạc Cách mạng, xuất sắc về kỹ thuật - Ảnh 3.

Trong tam ca Đỏ thì Đăng Dương là người có kỹ thuật lẫn giọng hát ở mức cao nhất, vì từng xuất thân là ca sĩ Opera (dòng nhạc hàn lâm ít ai theo đuổi được, đòi hỏi ca sĩ phải có thể lực lẫn kỹ thuật chuẩn). Anh được đào tạo bài bản suốt 10 năm tại Nhạc viện, với hai người thầy hàng đầu là NSND Quang Thọ và NSND Trung Kiên.

Đăng Dương từng đảm nhiệm vai chính trong một số vở Opera kinh điển được dàn dựng tại Việt Nam. Khi đó, anh phải vừa diễn vừa hát không mic trên sân khấu nhưng vẫn lấp đầy được nhà hát nhờ kỹ thuật cộng hưởng của mình.

Cũng là nam cao nhưng giọng Đăng Dương là lirico tenor nên dày, nam tính, chắc khỏe và âm lượng lớn hơn Trọng Tấn, thích hợp để hát Opera/nhạc cổ điển. Trong tam ca, anh thường đảm nhiệm phần chính ca, bè cao, hát những đoạn cao trào đòi hỏi tính sử thi, hùng tráng. Chỉ giọng hát Đăng Dương với nội lực, kỹ thuật dồi dào mới đủ sức truyền tải được những quãng cao trào hùng hồn, cuồn cuộn sức chiến đấu trong nhạc Cách mạng.

Đặc biệt hơn cả, Đăng Dương là người duy nhất trong bộ ba đến giờ vẫn trung thành với dòng nhạc Cách mạng hơi hướm bán cổ điển, không lấn sân nhạc nhẹ hay Bolero, trữ tình…

Điều này khiến Đăng Dương khó tiếp cận khán giả đại chúng như hai đồng nghiệp. Tên tuổi của anh ít được biết đến hơn và không phủ sóng, không có đối tượng khán giả rộng khắp.

Tuy nhiên, nam ca sĩ vẫn có được lượng khán giả trung thành cho riêng mình. Và trên hết, anh được nhiều đồng nghiệp, giới chuyên môn cũng như khán giả nể trọng, đánh giá cao nhờ việc giữ vững con đường, kiên trung với dòng nhạc chính thống.

Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn: Bộ ba giọng nam cao nhạc Cách mạng, xuất sắc về kỹ thuật - Ảnh 5.

Việt Hoàn – giọng hát ấm áp, tình tứ, thấm đẫm cảm xúc

Việt Hoàn sinh năm 1966, trong một gia đình nghệ thuật cả bố và mẹ là nghệ sĩ hát cải lương. Năm 18 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp trung học, anh đã đoạt giải nhất cuộc thi đơn ca toàn tỉnh Thái Bình năm 1985. Cũng trong năm này, anh được tuyển về Đội Văn nghệ Công an TP Hải Phòng. Tại đây, anh giành 2 huy chương vàng và huy chương bạc trong các kì hội diễn sân khấu và các cuộc thi.

Từ năm 1994 đến 1997, Việt Hoàn chuyển sang công tác tại Đoàn Ca múa Hải Phòng. Năm 1997, anh thi đỗ hệ đại học Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của NSND Lê Dung.

Năm 2001, anh bắt đầu công tác tại Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam, đến năm 2006 thì chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng trong năm này, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Trong tam ca, Việt Hoàn là người anh lớn, nhiều tuổi nhất và đường sự nghiệp cũng gian nan nhất, khi thời gian đầu đi hát khó khăn, không có tiền đi học. Rất may, anh được đích thân NSND Lê Dung cưu mang, "kéo" từ tỉnh lẻ lên Nhạc viện Hà nội để được học hành bài bản. Không những dạy học miễn phí, NSND Lê Dung còn nhắn NSND Thanh Hoa cho Việt Hoàn hát tại phòng trà của bà để có tiền trang trải cuộc sống ở Hà Nội.

So với hai đàn em, giọng hát Việt Hoàn thiên về trữ tình nhất, không nặng học thuật, không đặc màu cổ điển, thính phòng. Anh hát mùi, có chất dân ca, tân nhạc nên rất ấm áp, ngọt ngào. Tuy nhiên, khi cần lên cao trào, Việt Hoàn vẫn đảm bảo được kỹ thuật vững chắc, cộng hưởng tốt.

Việt Hoàn xử lý ca khúc rất tinh tế, linh hoạt, có chất tình tứ, thấm đẫm cảm xúc nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại