Jack Welch (1935-2020)
Bắt đầu từ việc trở thành chủ tịch và CEO trẻ nhất trong lịch sử 100 năm của General Electric (GE) vào năm 1981, Jack Welch đã dùng 20 năm thời gian để tăng vốn hóa của GE lên hơn 30 lần, đạt 450 tỷ USD.
Dưới sự lãnh đạo của ông, GE đã đạt được thành công vô cùng to lớn, cũng chính vì vậy mà Jack Welch trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tạp chí Fortune gọi ông là "Nhà quản lý giỏi nhất của thế kỷ XX", ông còn được gọi là "CEO hàng đầu của thế giới" hay "Doanh nhân người Mỹ đương đại thành công và vĩ đại nhất".
Năm 2001, khi thôi giữ chức CEO của General Electric, Jack Welch đã có một bài phát biểu từ chức trong công ty.
Trong bài phát biểu này, ông đã chia sẻ 9 nguyên tắc mà ông tin là có liên quan đến tương lai của các doanh nghiệp, chẳng hạn như trung thực là giá trị quan cốt lõi, thay đổi không phải là điều xấu, tinh thần hướng tới khách hàng là đặc điểm của một công ty tuyệt vời, tự tin là khả năng lãnh đạo quan trọng nhất hay mất đi 20% tài năng hàng đầu là thất bại của nhà lãnh đạo…
19 năm sau, khi nhìn lại bài phát biểu này, 9 gợi ý của Jack Welch khi đó quả thực vẫn chưa hề lỗi thời.
Dưới đây là 9 bài học cho các nhà quản lý giỏi nhất mà Jack Welch chia sẻ trong buổi phát biểu của mình.
1. Trung thực, giá trị quan cốt lõi
Đầu tiên, trung thực. Giá trị quan cốt lõi của một công ty cũng như tất cả các nhân viên là sự thành tín.
Có người hỏi tôi lo lắng chuyện gì về công ty nhất, chuyện gì có thể khiến tôi mất ăn mất ngủ, thứ tôi lo lắng, không phải là nghiệp vụ của nhân viên, mà là lo có người sẽ làm ra mấy chuyện phạm pháp ngu xuẩn, hủy hoại danh tiếng của công ty, đồng thời hủy hoại cả tiền đồ của chính mình.
Chúng ta cần duy trì giá trị quan này bằng cái tâm, đừng để bất kì nhân viên nào trong công ty hoài nghi lập trường giá trị quan này của bạn.
Trong mỗi một phương diện cuộc sống nghề nghiệp, bạn luôn phải là tấm gương của sự trung thực trong làm việc, đừng bao giờ để nhân viên dưới trướng thất vọng về mình.
2. Thay đổi, không phải chuyện xấu
Thứ hai, thay đổi. Hãy luôn nghĩ rằng, thay đổi là điều tốt, đừng vì lo lắng mình không thể gánh vác được tất cả mà mất ăn mất ngủ.
Thay đổi không phải chuyện xấu, có thay đổi, mỗi một giây phút đều là một cơ hội mới. Thay đổi không phải nguy cơ, hãy thay đổi, hãy cho mọi người thấy khả năng lãnh đạo của bạn.
Thay đổi có thể sẽ gây ra sự hoang mang, nhưng tất cả những gì bạn cần là dũng khí, đồng thời hưởng thụ quá trình này.
Cá nhân tôi cho rằng thay đổi sẽ chuyển hóa thành một lợi thế mạnh mẽ cho công ty, vì vậy, hãy nắm bắt nó cho thật tốt.
3. Tinh thần hướng tới khách hàng là đặc điểm của một công ty tuyệt vời
Thứ ba, khách hàng, đây chính là khởi nguồn tài sản của công ty. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp lớn lại quá chú trọng vào công việc nội bộ.
Tôi cho rằng có hai điểm có thể đẩy định hướng và sự hài lòng của khách hàng của GE lên một tầm cao mới: thứ nhất là thái độ trong phục vụ khách hàng, đây là điều quan trọng nhất để kết nối mọi thứ, từ khi sản phẩm còn ở công xưởng cho tới tay người tiêu dùng, từ lúc tiếp nhận được đơn hàng cho tới lúc xuất đơn hàng; tiếp theo là người lãnh đạo, họ phải là người xem khách hàng là trung tâm, giá trị quan này phải ăn sâu vào tâm họ.
Hướng về khách hàng là một tinh thần quan trọng trong các doanh nghiệp, hiểu được tâm lý và nhu cầu của khách hàng là điều tối quan trọng trong làm ăn kinh doanh.
4. Tận dụng tốt lợi thế quy mô lớn
Thứ 4, là quy mô và kết cấu của tổ chức. Bạn cần phải biết rằng, doanh nghiệp lớn cũng có những sai sót cố hữu riêng của họ, nhưng chúng ta đồng thời cũng phải tận dụng tốt lợi thế quy mô này.
Công ty của chúng tôi mỗi năm tiến hành hàng trăm cuộc sát nhập, đây là điều bình thường, và chúng ta cần phải tận dụng tốt nó.
Chúng ta phải đặt cược vào công nghệ và chấp nhận rủi ro, tiếp tục dám thử thách, bởi lẽ đây là một lợi thế bạn có. Bạn nhiều cơ hội và nguồn lực hơn những doanh nghiệp nhỏ, vì vậy, bạn luôn có thể không ngừng xông lên.
Bạn phải làm việc chăm chỉ, thiết lập vai trò làm gương cho các doanh nghiệp nhỏ, làm cho mỗi nhân viên đều có thể cảm nhận được rằng mình là một phần có ích trong doanh nghiệp, tích cực thưởng và ăn mừng khích lệ thành công của nhân viên, nói không với chủ nghĩa quan liêu, không sợ bày tỏ sự bất bình trong một khâu nào đó, giảm bớt các cấp bậc quản lý, thể chế cồng kềnh với quá nhiều cấp độ sẽ làm giảm hiệu quả, gia tăng khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên.
5. Xây dựng sự tự tin cho nhân viên là tài năng quan trọng nhất của một lãnh đạo
Thứ 5, tự tin, đơn giản hóa và hiệu suất. Tự tin là một nhân tố vô cùng quan trọng, sự tự tin của con người có được thông qua trải nghiệm các thăng trầm cuộc đời.
Một trong những trách nhiệm của một nhà quản lý đó là không ngừng "bơm" thêm sự tự tin cho nhân viên của mình.
Tôi đã từng chứng kiến không ít trường hợp những nhân viên từng rất mờ nhạt, sau này, thông qua không ngừng tích lũy kinh nghiệm mà trở nên tự tin hơn rất nhiều.
Bạn bắt buộc phải để nhân viên có cơ hội được thử, đi mạo hiểm, từ đó lấy được thành công. Bởi lẽ, mỗi một lần thắng lợi, là một viên gạch xây dựng nên bức tường tự tin cho mỗi người.
Tự tin, nó thúc đẩy con người ta hành động, giao tiếp bằng ngôn ngữ súc tích mà không cần biệt ngữ kinh doanh, biểu đồ phức tạp hay báo cáo dài dòng. Người tự tin nói năng đơn giản đúng trọng tâm, không phức tạp hóa vấn đề.
Thế giới ngày nay đang thay đổi quá nhanh, và không có thời gian cho sự phức tạp hóa. Trong bối cảnh thông tin toàn cầu, tốc độ là tất cả, sự tự tin và đơn giản là chìa khóa của tốc độ, chúng ta cần hành động táo bạo và trực tiếp.
6. Làm sao để quản lý 4 kiểu giám đốc bộ phận
Thứ 6, về năng lực lãnh đạo. Nó được thiết lập trên cơ sở thành tín, nhưng ngoài điều đó ra, bạn còn cần 4 loại năng lực khác.
Thứ nhất, là khả năng thích ứng với tốc độ toàn cầu hóa; thứ hai là khả năng hiệu triệu sự tích cực chủ động của tổ chức; thứ 3, sự can đảm khi đưa ra những quyết định khó khăn; thứ 4 là khả năng chấp hành tuyệt đối, truyền đạt quyết sách, không để thuộc hạ thất vọng.
Đây là 4 tiêu chí để đo lường nhân viên và chính bạn.
Khi quản lý người, hãy ngẫm về bản thân mình, căn cứ vào các loại hình nhà quản lý mà đánh giá đồng đội của mình.
Theo tôi, có 4 loại giám đốc và cách quản lý họ như này. Thứ nhất, có cùng giá trị quan với công ty và tạo ra được thành tích, thăng chức cho anh ta.
Thứ hai, vừa không công nhận giá trị quan của công ty, vừa không cho ra thành tựu, loại trừ. Thứ 3, tán đồng giá trị quan doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa cho ra thành tích, cho họ thêm một cơ hội.
Thứ 4 là kiểu mà bạn nên đề phòng nhất, không tán đồng giá trị quan của công ty nhưng lại cho ra thành tích, kiểu người như này không thích hợp để xuất hiện ở đây, bởi họ chính là những con dơi hút đi sức sống của cả một tập thể.
Bất luận ở trường học, doanh nghiệp, cơ quan hay nơi nào khác, đâu đâu cũng sẽ có những người ích kỉ, thành tích tuy rất tốt, nhưng họ có thể hi sinh người khác, đặt lợi ích của mình lên trên đầu, đè đầu cưỡi cổ người khác, tìm mọi cách để trèo lên cao.
Là một nhà quản lý, hãy học cách phán đoán và có những tính toán cũng như sắp xếp nhất định cho nhân viên dưới quyền mình, để đảm bảo cho ra được hiệu suất cũng như sự lành mạnh cho doanh nghiệp của mình, đừng để một vài con sâu lại làm rầu nồi canh ngon lành của bạn.
7. Đánh mất đi 20% những người tài năng nhất, là sự thất bại của một nhà quản lý
Thứ bảy, liên quan tới nhân viên. Công việc của một nhà quản lý là thu hút những người tài giỏi nhất về với mình.
Bạn là một phần của nhóm có ưu thế nhất, nhóm giỏi nhất và nhóm được ngưỡng mộ nhất. Vì vậy, câu hỏi đặt ra mỗi ngày là, thuộc hạ của tôi là giỏi nhất ư? Đoàn đội của tôi có giỏi nhất hay không?
Bạn nên là người tập hợp những người tài giỏi lại, bạn sở hữu tiếng tăm đủ để thu hút người tài, bạn sở hữu đủ nguồn lực để tập hợp lại những người tài năng nhất.
Đừng tuyển dụng chỉ vì số lượng, đó là điều đáng xấu hổ, chúng ta chỉ cần những nhân tài giỏi giang nhất, đó chính là nghĩa vụ của một nhà lãnh đạo.
Có được nhân tài, việc bạn cần làm chính là hết mình yêu thương, đồng thời khích lệ họ với phần thưởng xứng đáng, tạo ra một môi trường làm việc mà không ai nỡ rời đi.
Để mất đi 20% người tài giỏi nhất chính là thất bại của nhà quản lý, giữ lại 10% người tệ hại nhất cũng là một sai lầm.
Đừng giữ lại một ai đó chỉ vì lòng tốt, hay tống khứ ai đó chỉ vì một vài nguyên nhân không chính đáng nào đó, đó là điều ngu ngốc nhất trong quản lý kinh doanh.
8. "Mức độ thoải mái" sau khi được nhân lên thì chính là ưu thế
Công ty hàng chục, hàng trăm hay hàng ngàn con người, nếu mỗi người đều có quyền lên tiếng, thì đó chính là ưu thế lớn của cả công ty.
Nếu bạn trông thấy một giám đốc bộ phận nào đó chỉ biết ngồi trên chiếc ghế giám đốc rồi tự cao tự đại ra vẻ ta đây, chức cao vọng trọng, không quan tâm tới ý kiến của ai, hãy đuổi anh ta đi.
Thứ mà chúng ta cần là một công ty "thoải mái", nơi mà mỗi người, bất kể là chức vụ ra sao, cũng đều có thể giải quyết được vấn đề.
Đáng tiếc là phần lớn các công ty thì lại đều không có ưu thế này, vì vậy, nếu sở hữu nó, tuyệt đối đừng đánh mất.
9. Học hỏi từ các ý tưởng tới từ bên ngoài
Cá nhân tôi cho rằng đây là sự thay đổi lớn nhất trong 20 năm qua của GE. Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi lẫn nhau, học hỏi từ công ty khác, trên dưới trong ngoài công ty cùng học hỏi lẫn nhau.
Tri thức của thế giới đều là của chúng ta, bởi lẽ không ta luôn không ngừng tìm kiếm chúng.
Nhiều năm trước, Toyota đã dạy chúng tôi quản lý đầu tư, Motorola cho phép chúng tôi bắt đầu sử dụng Six Sigma, còn Cisco đã giúp chúng tôi đạt được số hóa.
Mỗi sáng ngủ dậy, chúng ta bắt buộc phải nhớ rằng mình cần phải tìm ra phương pháp cải thiện và phát triển đi lên, đừng để những quan điểm lỗi thời cắm rễ sâu bên trong chúng ta, đó là sai lầm nghiêm trọng, và tàn khốc hơn là rất nhiều công ty lớn đều mắc phải căn bệnh này, và còn muốn tiếp tục mắc căn bệnh này.
Học hỏi từ toàn cầu, đạt tới một tầm cao mới mỗi năm là điều mà một nhà quản lý cần nắm rõ và không ngừng thúc đẩy, phổ cập cho toàn bộ nhân viên của mình.