Phiên điều trần lớn nhất lịch sử về biến đổi khí hậu
Reuters nhận định, đây là phiên điều trần lớn nhất lịch sử gần 80 năm của ICJ . Kết quả của phiên điều trần có ý nghĩa về mặt pháp lý và chính trị, vì chúng sẽ được trích dẫn trong các vụ kiện liên quan đến biến đổi khí hậu, tại các tòa án từ châu Âu đến châu Mỹ Latinh và xa hơn nữa.
Vanuatu - quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nơi từ lâu phải đối mặt với những tàn phá nặng nề khi mực nước biển dâng cao và phải hứng chịu nhiều cơn bão với cường độ mạnh - sẽ đưa ra quan điểm đầu tiên tại phiên điều trần.
Phiên điều trần này diễn ra sau khi các quốc gia đang phát triển lên án hiệp ước tài chính tại Hội nghị thượng đỉnh COP29 , ở Baku - Azerbaijan hôm 24/11. Theo đó, các nước phát triển cam kết cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia nghèo đến năm 2035, để giúp họ đối phó với những tác động ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ralph Regenvanu - đặc phái viên của Vanuatu về biến đổi khí hậu và môi trường - cho biết, điều cấp thiết là phải loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cung cấp nhiều tiền hơn cho các quốc gia nghèo đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như quốc đảo nằm ở Thái Bình Dương như Vanuatu.
"Chúng tôi muốn lượng khí thải tích lũy trong lịch sử gây ra tác hại đáng kể cho khí hậu phải được tuyên bố là bất hợp pháp", Regenvanu nói với Reuters.
Theo ABC News , ngoài các quốc đảo nhỏ, nhiều nước phương Tây và các quốc gia "nghèo", ICJ cũng sẽ lắng nghe ý kiến từ hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Nhóm sản xuất dầu OPEC cũng sẽ đưa ra quan điểm của mình.
Kêu gọi đầu tư 2.600 tỷ USD để đảo ngược tình trạng suy thoái đất
Cơ quan điều hành của Liên Hợp quốc (UN) giám sát phiên điều trần do ICJ tổ chức nói với Reuters rằng, việc khôi phục đất đai bị thoái hóa trên thế giới và ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa sẽ cần ít nhất 2.600 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Theo nghiên cứu của UN, tình trạng suy thoái đất đang làm suy yếu khả năng duy trì sự sống của loài người trên hành tinh, nếu không đảo ngược được hoàn cảnh thì tình trạng này sẽ gây ra thách thức cho nhiều thế hệ.
Nghiên cứu cho biết thêm, khoảng 15 triệu km2 đất - lớn hơn diện tích Nam Cực - đã bị thoái hóa, và mỗi năm con số này tăng thêm 1 triệu km2. Việc không thống nhất về các bước phục hồi đất bị thoái hóa có nguy cơ gây tổn hại đến các nỗ lực song song nhằm hạn chế khí thải nhà kính để bảo vệ đa dạng sinh học do UN đứng đầu.
Ibrahim Thiaw - Tổng Thư ký Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) - cho biết, tình trạng hạn hán diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, kết hợp với nhu cầu lương thực của người dân tăng cao đang đe dọa sự ổn định của xã hội. Do đó, yêu cầu các nước cần có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường đất.
Theo Tổng Thư ký UNCCD, phần lớn các khoản đầu tư vào việc phục hồi đất trên thế giới đều đến từ tiền công quỹ và điều đó không đúng. Bởi vì về cơ bản, nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy thoái đất trên thế giới là sản xuất lương thực liên quan đến các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân chỉ cung cấp 6% số tiền cần thiết để phục hồi đất bị hư hại.
"Tại sao một bên làm suy thoái đất đai lại để bên khác có trách nhiệm khắc phục và phục hồi nó?", ông Thiaw nói và cho rằng chính phủ các nước cần thiết lập và thực thi nghiêm ngặt nhiều chính sách và quy định sử dụng đất hơn. Bởi lẽ, trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, thế giới cần sản xuất gấp đôi lượng lương thực trên cùng một diện tích đất, do đó cần chống thoái hóa đất đai hơn cả.
Ông Thiaw cho biết việc đạt được thỏa thuận về thắt chặt nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia tại phiên điều trần, sẽ là một trong những thỏa thuận khó khăn nhưng cần phải đạt được.
"Các nước giàu cần thay đổi suy nghĩ về khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu . Bởi lẽ số tiền ấy không phải cho người dân ở các nước nghèo, mà là khoản đầu tư giúp duy trì sự cân bằng của thế giới mà chính họ đang được hưởng", Tổng Thư ký UNCCD cho hay.