Mang thai 9 tháng 10 ngày người mẹ nào cũng háo hức mong chờ đến ngày em bé chào đời. Nhưng những ám ảnh về sự đau đớn trong ngày trọng đại đó của nhiều bà mẹ đi trước chắc chắn đã khiến các mẹ bầu không khỏi lo lắng, bồn chồn.
Với bất kỳ người mẹ nào thì đó cũng sẽ là kỷ niệm không thể quên trong đời khi vượt qua biết bao đau đớn chào đón đứa con nuôi dưỡng bao bọc suốt 9 tháng trời trong bụng.
Bởi thế mà người ta thường nói ''vượt cạn'' có lẽ là một trong những khoảnh khắc gây ám ảnh nhất với các mẹ bỉm sữa.
Để mang đến thế giới này một "thiên thần", mẹ phải trải qua cơn đau chuyển dạ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ và cơn đau đẻ như gãy hơn 20 chiếc xương sườn cùng lúc.
Đau chuyển dạ có lẽ là những giờ phút đau đớn nhất trong cuộc đời của những người làm mẹ. (Ảnh minh họa)
Mặc dù đã có sự chuẩn bị tinh thần và dự kiến sinh của bác sĩ nhưng việc bé yêu chào đời vào lúc nào luôn là một sự bất ngờ không thể biết chính xác được. Và cũng tùy theo cơ địa, người đau ít, người đau nhiều, người đẻ dễ, người đẻ khó.
Thế nhưng nếu như chẳng may rơi vào cơ địa đau đớn kèm đẻ khó mà còn được nghe văng vẳng bên tai những lời ca thán, so sánh móc máy thì chắc hẳn chẳng bà đẻ nào vui vẻ gì.
Thậm chí nhiều người còn phát điên vì bức xúc ngay trong giờ phút cần được an ủi, động viên nhất.
Điển hình như kỷ niệm đi đẻ của người mẹ trẻ trong câu chuyện dưới đây. Đăng tải trong một group dành cho hội chị em, mẹ trẻ có nickname T.T viết: ''Đi đẻ đã đau lại còn nghe cái câu: ''lúc sướng ai sướng cho!" của mấy bà già đi chăm con đẻ giường bên cạnh.
Bực mình, mình quay sang mắng tới tấp: ''Các bà im hết mồm vào cho tôi, đau thì phải kêu chớ liên quan gì đến các bà?''.
Lúc đẻ xong nghĩ lại mình hơi quá nhưng thực sự lúc ấy đau chết đi sống lại mà bác sĩ cứ khám xong lại bảo ra ngoài đi lại mấy tiếng đồng hồ cho dễ đẻ.
Các bà già bên giường cạnh thì hết người này đến người kia kể nể: ''Ngày xưa tôi đẻ đau tôi chỉ cắn răng", rồi mẹ chồng kể "đói khát mà vẫn đẻ con 5kg, rồi đẻ 2 hôm đi vạc bờ ruộng mà chả sao'', rồi vân vân và vân vân.
Xong lại ''giờ chúng nó sướng ăn nhiều mà đẻ con bé tí, đau 1 tí kêu lang làng nước lên''.
Bức xúc quá em, cho 1 tràng dài không biết họ có nghĩ mình vô lễ không nữa. Có mom nào đi đẻ mà bị nghe người ta nói như em không?''.
Bài tâm sự của người mẹ trẻ khiến 500 chị em rào rào đồng cảm.
Chẳng thế mà ngay sau khi bài viết này đăng tải, hàng trăm chị em đã thi nhau bình luận. Có người hào hứng kể lại kỉ niệm để đời của mình.
Có người đồng cảm sâu sắc với câu chuyện của ''chủ thớt''. Có người lại âm thầm like rồi đi ra vì thấy mình... còn may mắn chán, bởi giờ phút đau đớn nhất vẫn có người nhà tâm lý, sát cánh kề bên.
Thành viên Hoa Vũ bình luận: "Ôi giời ơi mẹ nó ạ, mình đi đẻ còn dữ dội hơn cơ.
Đã đau lắm rồi mà con vẫn chưa tòi ra, mở mãi mãi vẫn được có 2 phân mà cảm giác đau muốn chết đi sống lại. 16 tiếng mà con Mỡ nhà tôi nó không chịu tòi ra.
Lúc ấy mình kiệt sức rồi vì thức xuyên đêm mà lại đau không ăn uống, nằm ngồi được. Ấy vậy mà cứ khám là bác sĩ lại chửi cho tại sao lại rặn, mà mình có rặn đâu cho cam, nó tự thúc xuống đấy chứ.
Trong khi phòng đẻ cách ly với người nhà, có mỗi mình mình vật vã chống chọi. Phải nói đứa đầu mà em sợ đến già''.
Mẹ Phụng Phụng thì đồng cảm: ''Gặp mình cũng chửi luôn á. Mặc dù chưa cảm nhận được cơn đau đẻ như thế nào nhưng nghe thấy ghét lắm.
Cứ đâm chọt lúc người ta đang gặp khó khăn. Lúc ấy có còn thiết gì nữa đâu, đau thấy ông bà ông vải luôn làm gì có sức mà giải thích nhiều''.
Trong cơn đau chuyển dạ tưởng chết, một vài lời nói không đúng lúc, thậm chí vô duyên sẽ khiến nhiều mẹ trẻ cảm thấy vô cùng tủi thân, thậm chí bức xúc và khó chịu. Ảnh minh họa.
Tài khoản Thanh Nhan thì hài hước viết: ''Sao bạn không nhẹ nhàng ôn tồn bảo: ''Các bà các mẹ đau chỉ cắn răng thì có gì mà kể, con tưởng cắn lưỡi luôn mới kinh''.
Mẹ Huyền Trân chia sẻ câu chuyện đi đẻ của bản thân: "Mình cũng bị y chang như chủ thớt luôn. Đợt ấy mình đau lắm, không muốn rên la đâu vì bác sĩ dặn không sẽ mất sức nhưng đau quá vẫn phải quằn quại, rên khe khẽ lắm rồi mà vẫn bị nói.
Lúc đó tuy đau nhưng mình vẫn lấy hết sức lực, mình vừa cười vừa nói: ''Tại lúc sướng 2 người cùng sướng mà giờ có mình con đau nên con phải la cho chồng con biết nó đau như nào. Mấy bác căng quá. Vậy là mấy bả hết nói mà cũng không hỗn với ai''.
''Em lúc mới mở 2 phân đau nhói tí thôi. Gắng đi lòng vòng ở sân gặp thằng cha đưa vợ đi sinh, nói câu ''đau thì kêu thế lúc đó có sướng không em mà giờ khóc vậy?''.
Ôi tức quá, em mới ngước đầu lên trừng mắt, gằm nó phát rồi chửi ''Bộ mi ngứa mồm hả?''. Thế là nó im. Vô phòng nằm thi thấy nó đi ra. Thế là nó tránh mặt luôn. Ai ngờ vợ nó sinh cách em 15 phút'', nickname Thanh Hoai Ho kể lại kỉ niệm đi đẻ của mình.
Mẹ Nguyễn Tú Anh cũng tranh thủ kể chuyện: "Em trước cũng vậy, đi đẻ đau kêu mấy bạn y tá vào, mấy bạn ấy vào rồi quát ''kêu lắm thế''. Ôi thề, thế là vừa đau vừa tức, 3 máu 6 cơn lên em quạt vào mặt cho.
Em bảo: ''Đau không được kêu à? Tôi đi đẻ mất tiền chứ có xin của nhà các bà không mà cấm tôi kêu?''. Thế là tịt không nói gì luôn''.
Nickname Luyến Nguyễn thì tỏ rõ cảm xúc vui mừng: ''Hên quá 2 lần đi đẻ không nghe ai nói kiểu đó, mà mình đau toàn im re chịu, không dám la sợ mất sức. Lúc đó có ai nói gì chắc cũng không có tâm trạng gì để quan tâm nữa''.
Người xưa vẫn nói " đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn đơn côi một mình" để cho thấy trách nhiệm nặng nề cũng như nỗi khó khăn, vất vả của người mẹ.
Chính vì vậy, nguồn động lực lớn nhất của các bà mẹ, không chỉ có chồng hay những người thân mà còn cần lắm sự cảm thông, thấu hiểu tâm lý từ cả những người xung quanh và cả những người lạ dù chưa hề quen biết.