Reuters đưa tin, ngày hôm nay (7/1), trong khi đại diện Mỹ-Trung Quốc tiến hành đàm phán cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh, thì hải quân Mỹ đã điều một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tới vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong một chiến dịch "đảm bảo tự do hàng hải" (FONOP).
Bà Rachel McMarr, nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), xác nhận tàu khu trục USS McCampbell đã di chuyển vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa với mục đích thách thức "những tuyên bố hàng hải phi lý".
Theo bà McMarr, chiến dịch này không được tiến hành để nhắm tới riêng một quốc gia nào, hay để đưa ra một tuyên bố về chính trị.
Wall Street Journal dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ tiết lộ, tàu USS McCampbell đã đi qua Đảo Cây, đảo Linh Côn, và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) - bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp.
Tuy nhiên, Reuters nhận định hành động của quân đội Mỹ đang ngầm nhắm tới Trung Quốc, bởi cũng trong thời gian ngày 7 và 8/1, các quan chức của hai nước Mỹ-Trung sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại trực tiếp đầu tiên tại Bắc Kinh, kể từ sau khi lãnh đạo hai nước đạt được thỏa thuận đình chiến thuế quan trong vòng 90 ngày.
"Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc!"
Thực chất, mối quan hệ giữa hai "ông lớn" này vẫn đang rất căng thẳng dù đang trong giai đoạn đình chiến thương mại.
Gần đây, nhiều quan chức "diều hâu" của Bắc Kinh đã tỏ rõ thái độ hiếu chiến về quan hệ Trung-Mỹ, điển hình là đại tá không quân Đới Húc với kiến nghị "chặn đầu và đâm chìm chiến hạm Mỹ", nếu hải quân Mỹ còn tiếp tục tuần tra Biển Đông trong hội thảo của Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/12.
Ngoài ra, thiếu tướng La Viện cũng lên tiếng gay gắt tại diễn đàn về công nghiệp quân sự Trung Quốc tại Thâm Quyến: "Người Mỹ sợ nhất là chết. [...] Chúng ta đánh chìm một tàu khiến 5.000 binh lính Mỹ thương vong, đánh chìm hai tàu khiến 10.000 binh lính Mỹ thương vong, thử hỏi Mỹ có sợ không?"
Các tàu chiến của Mỹ. Ảnh: Getty.
Được biết, trong ngày đầu tiên làm việc dưới chức danh Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Patrick Shanahan nhấn mạnh 3 lần "Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc" để yêu cầu các nhân viên Lầu Năm Góc ghi nhớ Trung Quốc chính là ưu tiên trọng yếu của nước Mỹ về trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Đáp lại hành động trên của phía Mỹ, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố đanh thép rằng nếu Mỹ muốn tìm kiếm quan hệ đối địch thì sẽ tìm thấy đối thủ (là Bắc Kinh).
Trước đây hai nước cũng từng nhiều lần đấu khẩu gay gắt về các vấn đề an ninh trong khu vực, trong đó vấn đề Biển Đông và đảo Đài Loan là hai chủ đề nóng nhất.
Nhiều quan chức cấp cao Mỹ, trong đó gồm Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (vừa từ chức) lên án gay gắt hành động quân sự hóa và bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kì ngày 4/10/2018, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa:
"Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982."
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh rằng "hoạt động của các bên ở biển Đông cần thực hiện trên cơ ở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định ở biển Đông và trong khu vực” khi phát biểu về việc Trung Quốc điều động máy bay đến Biển Đông tập trận bắn đạn thật ngày 28/9/2018.