Phương Dung là một trong những danh ca Bolero nổi tiếng bậc nhất Việt Nam trước 1975. Tên tuổi của bà một thời từng chói sáng hơn cả Thanh Tuyền, Giao Linh.
Dấu ấn của Phương Dung in đậm tới mức, khán giả ưu ái gọi bà bằng mỹ từ đầu tính thi ca là "Nhạn trắng Gò Công" (nơi bà sinh ra).
Đứng hát trên sân khấu đã hơn nửa thế kỷ, tiếng hát "gọi nhạn trong sương" Phương Dung đến nay vẫn không hề mỏi mệt, để mỗi lần cất lên đều đem lại những âm vang mê hoặc, gợi nhớ một thời vàng son xưa cũ.
Tiếng hát đẳng cấp của "Nhạn trắng Gò Công"
Danh ca Phương Dung sinh tại mảnh đất Gò Công (Tiền Giang) và nổi tiếng từ rất sớm (17 tuổi), với nhạc phẩm để đời "Nỗi buồn gác trọ" của cặp ca nhạc sĩ Mạnh Phát – Hoài Linh.
Phương Dung hát Nỗi buồn gác trọ
Từ những bản thu âm đầu tiên này, Phương Dung đã thể hiện rõ chất giọng lyric soprano (nữ cao trữ tình) đẳng cấp sánh ngang với những danh ca lừng lẫy trước và cùng thời như Thái Thanh, Thanh Tuyền.
Giọng hát của Phương Dung tinh khiết, mềm mại và đầy sức sống, gợi lên màu xanh chuối nõn nà và tràn trề ssinh lực của thiên nhiên.
Quãng giọng của Phương Dung trải dài từ E3 – D5 (gần 2 quãng). Khi hát ở quãng trung và cận cao khoảng từ C4-B4, tiếng hát của bà đẹp vô địch. Nó vang sáng lanh lảnh, tạo nên những dư âm khó quên trong tai người nghe.
Phương Dung hát Hai mùa mưa
Phương Dung xuống thấp mỏng nhẹ như cơn gió lướt qua nhưng vẫn rõ tiếng. Còn khi lên quá nốt C5 (Đô cao), đôi khi giọng ca của bà có phần bị cụt lủn, tức là vang lên đúng cao độ nhưng lại không hề ngân dài.
Sở dĩ như vậy bởi Phương Dung dàn trải làn hơi không đều. Khi hát những nốt trung hoặc cận cao (chiếm phần lớn bản nhạc), Phương Dung vận hầu hết làn hơi của mình vào, thổi phồng sinh khí cho những nốt nhạc vốn đều đều nhàm chán phải lóe sáng mê hoặc khán giả.
Ngoài ra, cũng vì đã vận hết làn hơi vào những nốt thấp nên khi lên cao hơn C5, bà muốn ngân hay belt đúng kỹ thuật thì làn hơi đã cạn.
Vì vậy, mỗi lần lên cao quá, Phương Dung chỉ chạm đến nốt, chứ chưa thể ngân nga thoải mái so với những bậc thầy về kỹ thuật như Thái Thanh hay Hương Lan.
Trong bài hát nổi tiếng "Nửa đêm thức giấc" sau, Phương Dung mỗi lần hát nốt D5. Của chữ "khép, kín…" (1:00) đều chỉ có thể "chạm", chứ không đủ làn hơi để ngân nga kéo dài.
Phương Dung hát Nửa đêm thức giấc
Không quá rèn giũa nhưng bản chất vẫn là ngọc quý
Phương Dung không dày công trau dồi kỹ thuật cho điêu luyện nhưng vẫn tạo cho mình đẳng cấp riêng. Tiếng hát của bà vang lộng, sang sảng nhưng không quá vững chãi như Hoàng Oanh.
Giọng hát bẩm sinh của Phương Dung là sự kết hợp hoàn hảo để đáp ứng đầy đủ thẩm mỹ nghe nhạc truyền thống của người Việt Nam: Âm thanh vang sáng nhưng phải mềm mại ngọt ngào, lên cao không quá mạnh mẽ.
Điều này thể hiện rõ qua màn song ca của Phương Dung và Hoàng Oanh – hai cây đại thụ của dòng nhạc trữ tình quê hương. Giọng Hoàng Oanh vang sáng rực rỡ với những âm vang đặc biệt, nhưng lại có gì đó không liền mạch và không ngọt ngào như những chuỗi ngân của Phương Dung.
Hoàng Oanh khi hát lên nốt cao cũng không mượt mà như Phương Dung. Điển hình như ở nốt A4 (La), nếu Phương Dung có thể ngân nga đầy đặn ở chữ "nhau", thì Hoàng Oanh lại cắt đi cụt lủn để tránh lộ nhược điểm nếu kéo dài.
Bù lại, ở những chỗ xuống thấp đến nốt F3 (Fa thấp) đoạn "biển sâu", "rưng rưng sầu", nốt trầm của Hoàng Oanh dày cồm cộp, rõ lời rõ tiếng hơn hẳn Phương Dung.
Phương Dung song ca Hoàng Oanh
Tuy được khán giả biết đến rộng rãi với tên gọi "Nhạn trắng Gò Công", nhưng giọng hát của Phương Dung man mác, mang nỗi sầu lơ đãng, mơ hồ chứ không buồn thảm như tiếng nhạn. Có lẽ một phần vì giọng hát đầy sinh khí kia đã thổi hồn cho bài hát thêm phần sống động.
Trái với Giao Linh - một giọng hát vang vọng nhưng mang âm điệu buồn não nuột, Phương Dung khi cất tiếng ca mang mỗi nỗi buồn rất khác, nhẹ nhàng nhưng lại đau đáu hướng về một thời vàng son dĩ vãng.
Trong liên khúc dưới đây, khi khán giả đang trĩu lòng với giọng ca réo rắt của Giao Linh, tiếng hát Phương Dung cất lên như ánh sáng rực rỡ làm vơi đi bao nỗi buồn bủa vây, dù cho bản nhạc Phương Dung đang hát cũng não nề không kém!
Phương Dung song ca Giao Linh
Đẳng cấp trường tồn với thời gian
Một điều kỳ lạ ở giọng hát Phương Dung chính là gần như không đổi dù đã hơn nửa thế kỷ hoạt động.
Trong liên khúc Phương Dung hát chung với Giao Linh và đàn em Cẩm Ly vừa qua khi xấp xỉ 70, bà vẫn thể hiện rõ mồn một giọng hát rạo rực, đầy sức sống đặc trưng, với những nốt cao nhẹ bẫng và âm thanh đẹp tròn trịa khiến ngay cả danh ca Giao Linh cũng không thể sánh bằng.
Phương Dung hát cùng Giao Linh, Cẩm Ly
Hầu hết các ca sĩ miền Nam nổi tiếng trước năm 1975 đều có phong cách phát âm rất riêng biệt. Mỗi người tự tạo nên một trường phái cho mình.
Chẳng hạn, Hoàng Oanh nổi tiếng với phong cách phát âm chuẩn xác, miền nào ra miền đấy, Thái Thanh với cách hát trau chuốt, điệu đà, vuốt sắc ca từ đã trở thành tên tuổi. Riêng Phương Dung, cô có cách nhả chữ mộc mạc không màu mè, âm thanh tròn vành vạnh không thể bị nhầm lẫn với ai khác.
Cách phát âm tròn trịa và không gò bó, vuốt sắc này khiến cho giọng hát phát huy tối đa công lực, âm thanh tạo ra vang vọng và thoải mái.
Phương Dung phát âm một số từ rất riêng. Bà cố tình để cái chất chân quê, mộc mạc của mình len lỏi đến từng câu chữ của bài hát. Ở những chữ "hấp hối", hay chữ "gầy" có âm "â" khác âm "a", Phương Dung phát âm thành ra như "háp hối", "gày".
Bà đẩy khẩu hình tròn để tạo âm thanh vằng vặc theo cách phát âm của người Gò Công hoặc miền Nam nói chung.
Gừng càng già càng cay, điều này đúng hoàn toàn với giọng hát của Phương Dung. Tiếng hát vang vọng và dịu ngọt như ánh trăng rằm của "Nhạn trắng Gò Công" để lại dư âm dài vô tận trong tai nghe của khán thính giả.