Đẳng cấp của Kim Dung!

Hoàng Cương |

Thời trai trẻ, ai đọc truyện Kim Dung mà không ít nhất một lần hình dung ra bản thân xách kiếm đi khắp Đại giang Nam Bắc, hành hiệp trượng nghĩa, khoái ý ân cừu.

Lần đầu tiên người viết được “gặp” Kim Dung là năm 1988, khi đang học lớp sáu. Chỉ là cuốn thứ hai trong bộ Cô Gái Đồ Long do Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch.

Tuy không đầu không đũa nhưng cũng đủ để mở ra cả một thế giới vừa huyền ảo lại vừa hiện thực, có nội hàm văn hóa phong phú và tính tượng trưng cao độ - chẳng khác nào tuyệt học Càn Khôn Đại Na Di của Minh giáo Ba Tư…

Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, tác phẩm của Kim Dung và các nhà văn cùng thể loại được xếp vào dòng "tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình" nhưng người ta vẫn quen gọi ngắn gọn là "truyện chưởng" hoặc "chưởng Kim Dung", giống như "xe Honda" được dùng chung cho mọi loại xe máy vậy.

Nói thế là đủ hiểu tầm ảnh hưởng của Kim Dung với độc giả lớn đến mức nào. Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào sách của ông được xuất bản cũng vậy.

Ngay các tác giả cùng tề danh "Võ hiệp ngũ đại gia" với ông là Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh và Ôn Thụy An cũng đều phải công nhận Kim Dung chính là "võ lâm minh chủ".

Đẳng cấp của Kim Dung! - Ảnh 1.

Kim Dung- võ lâm minh chủ của dòng tiểu thuyết võ hiệp.

Bất kể cố gắng ra sao, Tiêu Dật, Nghê Khuông, Huỳnh Dị cũng không thoát khỏi cái bóng quá lớn mà Kim Dung để lại, nhóm tác giả trẻ tuổi Phượng Ca, Tiểu Đoạn, Thương Nguyệt,

Bộ Phi Yên, Thời Vị Hàn, Phương Bạch Vũ dù biến hóa đủ đường cũng không thể khiến các tác phẩm của họ trở nên hấp dẫn hơn những Xạ Điêu Tam Bộ Khúc, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thiên Long Bát Bộ, Lộc Đỉnh Ký, Hiệp Khách Hành…

"Võ lâm minh chủ" hay "Thiên hạ đệ nhất", tôn vinh ông bằng bất kỳ danh xưng nào cũng hoàn toàn xứng đáng.

Những năm khoảng 1984 – 1990, ở Hà Nội có khá nhiều gia đình sống bằng một căn tiệm cho thuê sác cũ bé con con mà đồ "gia bảo" là chục quyển "chưởng Kim Dung" cọc cạch, khi đó vẫn được coi là sách cấm – bìa bọc giấy xi măng, thi thoảng còn bị mất một, hai trang, tiền đặt cọc thì như trên trời, có lúc lên đến cả chỉ vàng. 

Mang được về nhà thì lén lút đọc, lén lút bàn tán, lén lút mộng mơ.

Độc giả có đủ mọi hạng người, ngay cả các nhà văn tên tuổi như Kim Lân, Xuân Sách, Nguyễn Khải, Ông Văn Tùng, Trọng Hứa, nhà phê bình Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy cũng say Kim Dung như điếu đổ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển thậm chí còn in mấy quyển khảo luận về Kim Dung và bán đắt như tôm tươi.

Sau này, khi xã hội dần mở cửa, các nhà xuất bản địa phương bắt đầu được in truyện chưởng (nhưng chủ yếu dưới tên tác giả Việt Nam), làn sóng phim bộ Hong Kong (chủ yếu của đài TVB) tràn vào, Kim Dung lại càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết và đến năm 2001, khi Công ty văn hóa Phương Nam chính thức mua bản quyền và bắt đầu tái bản toàn bộ tác phẩm Kim Dung ở Việt Nam, ngọn lửa đam mê kiếm hiệp lại một lần nữa bùng cháy.

Đẳng cấp của Kim Dung! - Ảnh 2.

Các tác phẩm của Kim Dung đến gần hơn với khán giả Việt qua phim ảnh.

Không khó để lý giải vì sao "chưởng Kim Dung" lại đủ khả năng lôi cuốn đến hàng tỷ độc giả ở cộng đồng Hoa ngữ và các quốc gia lân cận, từ học sinh sinh viên cho tới các bậc trí thức "đức cao vọng trọng".

Đầu tiên, nó có sự kết hợp tài tình giữa đại chúng và cao nhã thông qua "kỹ xảo điêu luyện về nghệ thuật biểu hiện".

Ông chắt lọc tinh hoa của tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, hòa trộn với sức sáng tạo và nền tảng kiến thức rộng rãi của bản thân, vận dụng thủ pháp văn học cận đại phương Tây, mượn chuyện giang hồ để gửi gắm tình đời, trong văn có võ, trong võ lại có văn, cả hai đan xen quấn quít để làm nổi bật lẫn nhau, khiến cho độc giả dù nhã hay tục đều có thể cùng thưởng thức mà không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, học vấn.

Thời trai trẻ, ai đọc truyện Kim Dung mà không ít nhất một lần hình dung ra bản thân xách kiếm đi khắp Đại giang Nam Bắc, hành hiệp trượng nghĩa, khoái ý ân cừu.

Các nhân vật chính của ông đều thoát hẳn khỏi khuôn mẫu truyền thống, luôn đủ võ đủ hiệp, nhân cách độc lập, hoàn toàn mang dáng dấp của con người hiện đại.

Họ thường xuyên do dự trước những vướng mắc giữa tình và nghĩa, cuối cùng đành lựa chọn cách từ bỏ giang hồ về ở ẩn, "hẹn cùng nàng chăn dê nơi tái ngoại" hoặc "nguyện suốt đời vẽ lông mày cho nàng", hay "cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ".

Kim Dung khéo mượn hoàn cảnh phi thường của võ hiệp để biểu đạt tình yêu cuộc sống, tạo ra mỹ cảm.

Đẳng cấp của Kim Dung! - Ảnh 3.

Nhân vật Kiều Phong và A Châu trong Thiên Long Bát Bộ.

Nếu Cổ Long và Ôn Thụy An sở trường về đoản thiên, hệ liệt thì tiểu thuyết của Kim Dung chủ yếu là trường thiên (12/15 bộ), kết cấu tuy lớn nhưng lại có lớp lang, mạch lạc, chặt chẽ hơn hẳn dòng võ hiệp truyền thống.

Lồng ghép bối cảnh lịch sử cũng là thế mạnh của ông, chưa kể đến Bách gia chư tử, thi từ, ca phú, âm nhạc, hội họa, chơi cờ, trồng hoa, thưởng rượu, những yếu tố phụ đó luôn xuất hiện đúng nơi đúng chỗ, càng khiến độc giả phải say sưa hưởng thụ từng câu từng chữ, khó mà dứt ra nổi.

Riêng về mô tả võ công, Kim Dung càng chứng tỏ đẳng cấp của một "nhất đại tôn sư" trong giới.

Khác với Lương Vũ Sinh lề lối cứng nhắc, khác với Cổ Long thích thách đố trí tưởng tượng của độc giả, võ công trong các tác phẩm Kim Dung luôn được mô tả kỹ càng, tên gọi độc đáo, cách thi triển càng độc đáo, có đến vài trăm loại mà hầu như không trùng lắp, đầy mới mẻ và khác biệt.

Ông dùng võ thuật để ca ngợi vẻ đẹp uyên áo của triết học phương Đông, đề cao ngộ tính, thậm chí, coi võ thuật như một công án Thiền, mà chuyện Trương Vô Kỵ học Thái Cực Quyền,

Thạch Phá Thiên thấu triệt thần công trong bài thơ Hiệp Khách Hành hay Lệnh Hồ Xung học Độc Cô Cửu Kiếm đều gợi nhớ rất nhiều đến Lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông hay tư tưởng "vạn vật quy ư nhất" của Đạo giáo.

Hấp dẫn và lôi cuốn như vậy, không ngạc nhiên khi tiểu thuyết Kim Dung liên tục được dàn dựng thành phim trong khoảng 40 năm qua, nhưng chủ yếu là phim truyền hình.

Hầu như năm nào cũng có ít nhất một tác phẩm của ông tái xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, bởi đơn giản, còn người xem thì nhà đài còn tiếp tục sản xuất.

Năm 1994, trong buổi trao đổi với sinh viên Đại học Bắc Kinh, Kim Dung cho biết ông không thực sự hài lòng vì "người ta cứ thích thay đổi nguyên tác, tự ý đưa thêm quá nhiều thứ vào".

Tuy nhiên, vẫn có những phiên bản thực sự xuất sắc và để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng khán giả hâm mộ, như Xạ Điêu Anh Hùng Truyện (1982), Thần Điêu Hiệp Lữ (1983), Lộc Đỉnh Ký (1984), Ỷ Thiên Đồ Long Ký (1986), Thần Điêu Hiệp Lữ (1995), Thiên Long Bát Bộ (1996), Tiếu Ngạo Giang Hồ (1996).

Nhưng những cú sốc lớn nhất về mặt cải biên phải kể đến tập phim điện ảnh Tiếu Ngạo Giang Hồ 2 của đạo diễn Từ Khắc đã gây ra những cuộc tranh cãi rất lớn khi tạo ra mối tình "không tưởng" giữa Lệnh Hồ Xung và Đông Phương Bất Bại, chỉ thua kém chút ít về mức độ "xào nấu" là hai tập Lộc Đỉnh Ký của vua hài Châu Tinh Trì.

Đẳng cấp của Kim Dung! - Ảnh 4.
Đẳng cấp của Kim Dung! - Ảnh 5.

Tạo hình của Đông Phương Bất Bại và mối tình của hắn với Lệnh Hồ Xung được miêu tả trong phim Tiểu ngạo giang hồ năm 1992 từng là cú sốc với các fan của tiểu thuyết Kim Dung.

Dù tất cả đều rất ăn khách nhưng do tinh thần tôn trọng danh tác đã bị các nhà làm phim vứt bỏ không thương tiếc nên những bộ phim này cũng bị chỉ trích kịch liệt và không ít người hâm mộ nhiệt thành của Kim Dung đã từ chối không thưởng thức.

"Chưởng Kim Dung", dù nổi tiếng như vậy nhưng không phải lúc nào cũng được đón nhận nhiệt tình. Nhiều người thậm chí chỉ coi nó là một dạng cận văn học nhưng trên thực tế, đã trở thành văn học.

Bởi nó đã thực sự tạo ra một thế giới nghệ thuật có những lề lối và quy luật riêng, và người Việt Nam đã may mắn được đón nhận nó từ những ngày đầu tiên, thông qua những bản dịch phải gọi là xuất sắc của Hàn Giang Nhạn, Phan Cảnh Trung, Từ Khánh Phụng…

Lý thuyết xám còn cây đời mãi xanh tươi. Sự phân chia thể loại hay độ sang hèn trong văn học hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng chỉ là tương đối, luôn có những tác phẩm vượt qua xuất xứ để vươn lên và tồn tại mãi với thời gian.

"Chưởng Kim Dung" là một trường hợp như vậy!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại