Ý tưởng cải cách tiếng Nga đã phổ biến ngay từ trước Cách mạng tháng Mười nhưng Viện hàn lâm Khoa học Nga phải mất một thời gian dài mới xúc tiến cải cách và không vội vã áp dụng nó trên toàn quốc. Sau năm 1917, chính quyền Bolshevik mới hành động quyết liệt hơn nhiều: Họ chủ trương vứt bỏ mọi thứ “lạc hậu” – từ chế độ Sa hoàng , đến tôn giáo, kinh tế, và ngôn ngữ.
Năm 1918, một sắc lệnh về quy tắc chính tả mới đã được ban hành và tất cả các ấn phẩm in buộc phải tuân theo. Chính tả trước Cách mạng hầu như bị cấm.
Sao cần cải cách?
Chính tả thời Sa hoàng khá khó và những người Bolshevik cần một cuộc cải cách ngôn ngữ nhằm làm cho việc học hành dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ chính yếu của họ là xóa bỏ nạn mù chữ. Chỉ vài năm trước Cách mạng tháng Mười, theo các ước tính khác nhau, chỉ khoảng 40% dân số Nga biết đọc biết viết. Nhưng theo chỉ đạo của lãnh tụ Vladimir Lenin thì “giai cấp cầm quyền mới” – công nhân và nông dân, sẽ phải chủ động tích cực trong mọi lĩnh vực đời sống. Do vậy, chính quyền Xô viết non trẻ yêu cầu toàn thể dân chúng tuổi từ 8 đến 50 phải học đọc và học viết.
Một cuộc điều tra vào năm 1926 cho thấy chỉ trong vài năm, tỷ lệ người biết chữ ở vùng nông thôn của Liên Xô đã tăng lên tới mức 50%.
Xóa một số chữ cái khỏi bảng chữ cái Nga
Trước Cách mạng, bảng chữ cái Nga gồm 35 ký tự. Không có bộ quy tắc thống nhất về chính tả, chỉ có một bảng chữ cái được Pi-e Đại đế thông qua. Pi-e muốn giảm quyền lực của Nhà thờ Chính thống giáo nên đã đưa ra một bảng chữ cái giản lược dùng cho các sắc lệnh của chính phủ, các tài liệu thế tục, và các tờ báo đầu tiên ở nước Nga.
Chính quyền Bolshevik đã bỏ 2 chữ cái và thay thế một số chữ cái khác bằng những chữ tương đương đơn giản hơn đã tồn tại sẵn trong bảng chữ cái Nga, đồng thời kết hợp các ký tự nghe giống nhau thành một. Như vậy, chỉ thời gian ngắn sau Cách mạng, bảng chữ cái Nga có 32 chữ. Sau đó, chữ “ё” được phê chuẩn làm một ký tự riêng nên số chữ cái tăng lên thành 33. Và bảng chữ cái Nga ổn định như vậy đến giờ.
Vladimir Lenin (trái) và Anatoly Lunacharsky (phải) phụ trách cải cách chính tả Nga. Ảnh: Sputnik.
Sắc lệnh của chính quyền Xô viết có một số quy định như sau:
1. Loại bỏ chữ “ѣ” (đọc là yat), thay thế chữ này bằng chữ “e” (колѣно - колено, вѣра - вера, въ избѣ - в избе).
2. Xóa chữ “ѳ” (đọc là phita), thay bằng chữ “ф” (Фома, Афанасий, фимиам, кафедра).
3. Ngừng dùng chữ “ъ” (đọc là er) ở cuối các từ và bộ phận của từ ghép. Quy tắc này khiến người ta phải ghi nhớ các từ cần chữ “ъ” ở cuối. Nhưng nó có lợi thế là giúp tiết kiệm tới... 4% lượng văn bản cần in. Nhà ngôn ngữ học Lev Uspensky từng tính toán được rằng chữ “ъ” ngốn đến 8,5 triệu trang giấy mỗi năm.
Tuy nhiên chữ “ъ” vẫn được giữ lại ở giữa từ như một dấu hiệu ngắt.
4. Xóa bỏ chữ “i” và thay bằng chữ “и”. Quy tắc này về sau gây một số khó khăn trong trường hợp viết tháu vì chữ “и” dễ bị trộn lẫn với các chữ như “ш” hoặc “м”.
5. Khuyến khích dùng chữ “ё” dù rằng điều này không bắt buộc.
(...)
Việc cải cách chính tả Nga được xã hội Liên Xô tiếp nhận thế nào?
Những người Nga lưu vong rời bỏ nước Nga sau Cách mạng đã từ chối sử dụng bộ chính tả mới, đồng thời tố Đảng Bolshevik là làm biến dạng tiếng Nga. Cho đến tận thập niên 1940 và 1950, các ấn phẩm của cộng đồng Nga lưu vong vẫn được in bằng hệ thống chính tả cũ. Sau này họ đã học và quen dần với quy tắc chính tả mới.
Khó khăn cũng xảy ra với những người đã biết đọc biết viết từ trước đó. Trong thư từ cá nhân, nhiều người tiếp tục sử dụng bảng chính tả cũ, nhưng số khác thì đã nhanh chóng học chính tả mới. Các giáo viên thì buộc phải làm quen với chính tả mới.
Một trong các thách thức lớn nhất là việc phải “dịch” sang chính tả mới tất cả các tác phẩm văn học cổ điển Nga thế kỷ 18 và 19. Chẳng hạn một số vần thơ bị ảnh hưởng bởi quy tắc mới về đuôi từ.
Tuy nhiên, nỗ lực lớn lao trên cũng có một số mặt tích cực: Tác phẩm của nhiều nhà văn lớn, vốn nằm rải rác ở nhiều tạp chí và bộ sưu tập văn chương khác nhau, đã được tập hợp lại, “dịch” và xuất bản trong một bộ toàn tập thống nhất./.