Chính phủ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với bất đồng nội bộ sau khi Washington kêu gọi Berlin gửi bộ binh tới Syria trong bối cảnh Mỹ muốn rút quân khỏi đất nước Trung Đông.
"Chúng tôi muốn lực lượng bộ binh Đức thay thế một phần binh lính của chúng tôi" tại khu vực thuộc quyền kiểm soát của liên minh chống IS, đại diện đặc biệt của Mỹ về Syria James Jeffrey phát biểu trước báo giới Đức hôm chủ nhật (7/7).
Năm ngoái Tổng thống Trump tuyên bố giành chiến thắng trước IS và yêu cầu rút 2.000 lính Mỹ khỏi Syria.
Cuộc chiến tranh tại Syria đã kéo dài hơn 7 năm (ảnh: AFP)
Lời đề nghị của Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ các đối tác trong liên minh của bà Merkel, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
"Sẽ không có lính bộ Đức tại Syria", một quan chức lãnh đạo của SPD, Thorsten Schaefer-Guembel viết trên Twitter.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo phe bảo thủ trong Quốc hội Đức Johann Wadephul lại chia sẻ với hãng tin DPA rằng, Berlin không nên ngay lập tức từ chối Mỹ.
"An ninh của chúng ta, không phải là của người Mỹ, đang được quyết định trong khu vực này", Wadephul nói. Ông cũng là một ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Đức - thay thế cho bà Ursula von der Leyen nếu bà trở thành người đứng đầu Ủy ban châu Âu.
Washington đặt ra hai mục tiêu tại đông bắc Syria: hỗ trợ lực lượng người Kurd từng bị IS đánh đuổi khỏi miền bắc Syria, và cố gắng ngăn cản IS hồi sinh tại Syria.
Mỹ hy vọng châu Âu sẽ giúp đỡ bằng việc thuyết phục Anh, Pháp và Đức. Cho tới thời điểm hiện tại, Berlin đã triển khai các máy bay giám sát và một số hỗ trợ quân sự phi cận chiến khác tại quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên lịch sử của nước Đức khiến ngân sách quốc phòng và những can thiệp quân sự nước ngoài luôn gây ra tranh cãi.
Bên cạnh SPD, Đảng Xanh, Đảng Những người Dân chủ và Đảng Lề trái – tất cả đều bày tỏ mong muốn bà Merkel từ chối lời yêu cầu gửi quân tới Syria của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn báo Handelsblatt ngày 6/7, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng, Tổng thống Trump muốn "các chư hầu" thay vì đồng minh.
"Tôi mong chính phủ liên bang [Đức] nói với ông ấy một hoặc hai lần rằng, không phải chuyện của ông" khi người Mỹ muốn can thiệp vào chi tiêu quốc phòng Đức, ông Schroeder nói.