Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc chỉ tiêu thụ 323,29 tấn vàng, giảm 38,25% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải cho điều này, hiệp hội vàng Trung Quốc cho rằng người dân nước này giảm mua vàng vì tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và giá vàng tăng.
Trong khi đó, sản lượng vàng của Trung Quốc đã giảm 7,3% xuống còn 217,8 tấn trong nửa đầu năm. Nguyên nhân dường như là do cú sụt giảm trong quý 1, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc. Quý 2, Hiệp hội vàng Trung Quốc cho biết sản xuất trong nước đã trở lại bình thường và tăng 5,81% so với quý đầu tiên.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang ở mức cao kỷ lục bởi sự không chắc chắn của các nền kinh tế. Ngay khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc và lan ra toàn cầu, giá kim loại quý này đã bắt đầu nhích lên và tiếp tục tăng cao trong làn sóng Covid-19 thứ 2.
Giá vàng hiện nay đã tăng 30% so với hồi đầu năm. Hôm 27/7, giá vàng tương lai đạt mức cao kỷ lục 1.931 USD/ounce. Nhiều nhà phân tích dự đoán vàng sẽ tăng lên tới 2.000 USD vào tháng 9.
Giá vàng tăng thường đi cùng với sự không chắc chắn của các nhà đầu tư về nền kinh tế. Suốt nhiều thập niên qua, vàng luôn được coi là tài sản an toàn cho những người đặt cược vào việc giá đồng USD sẽ giảm và thị trường tài chính trải qua những sóng gió, bất ổn.
"Khi mà các nhà đầu tư không chắc chắn về sức khỏe thị trường, họ sẽ tiếp tục bỏ tiền vào vàng", Lindsey Bell, chiến lược gia đầu tư của Ally Invest, chia sẻ.
Cú tăng của giá vàng là điều dường như đã được dự báo từ trước. Khi đại dịch tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất xuống mức thấp lịch sử nhằm giúp nền kinh tế phát triển. Với những gì từng xảy ra trong quá khứ, giá vàng thường ngược lại với lãi suất của đồng USD.
Mặc dù giá vàng cao có thể là một chỉ số về sự không chắc chắn của nền kinh tế nhưng thị trường tài chính Mỹ nhìn chung vẫn tốt nhờ các chính sách tích cực của FED. S&P 500 hiện đang tăng nhẹ trong năm 2020 dù có lúc giảm tới 34% trong tháng 3.
Tuy nhiên, các gói kích thích của chính phủ này sẽ tạo ra nợ công. Chính điều này thúc đẩy nhiều người mua vàng như một biện pháp chống lạm phát tiềm ẩn có liên quan tới các khoản nợ. Ngoài ra, gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi kéo theo sự sụt giảm với các hoạt động thương mại và kinh tế giữa 2 nước. Điều này tạo ra một sự không chắc chắn rất lớn khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.