Theo báo Nhật Kyodo News, người dân Bình Nhưỡng ngày càng hy vọng về một bước đột phá kinh tế trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Một số người dân địa phương bày tỏ hy vọng rằng nền kinh tế Triều Tiên sẽ được hồi sinh, nhờ sự cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Trong khi, Mỹ vẫn khá chần chừ trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên do chưa đạt được sự đồng thuận về các bước chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tại Bình Nhưỡng, những khẩu hiệu thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như phản đối "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" từng thịnh hành giờ đây không còn phổ biến.
Gần đây, các biểu ngữ và bảng hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng kinh tế được đưa ra, nhấn mạnh sự nghiêm túc của Triều Tiên về việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia thay vì tăng cường khả năng vũ khí.
Sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Mỹ tuyên bố tiếp tục thắt chặt trừng phạt Triều Tiên, dù vậy giá cả hàng hóa hầu như không thay đổi nhiều và mọi người vẫn sống như bình thường ở Bình Nhưỡng, dù nhiều nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Triều Tiên đã đình trệ trước bối cảnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Vào cuối tuần, các nhà hàng và cơ sở giải trí, chẳng hạn như một câu lạc bộ thể thao - nơi người dân thưởng thức bóng bàn và phòng tắm hơi - có rất nhiều du khách.
Tại khách sạn Potonggang của Bình Nhưỡng, khách được phép truy cập internet qua Wi-Fi từ cuối năm 2018, người dân địa phương nói. Màn hình kỹ thuật số cỡ lớn được thiết lập ở một số nơi trong thủ đô, luân phiên chiếu các khẩu hiệu khác nhau.
"Vì chúng tôi đã hoàn thành hệ thống hạt nhân, chúng tôi sẽ dành tất cả nỗ lực để xây dựng kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân phía trước", Yu Kwang Sung, một quan chức chính phủ 35 tuổi, nói với Kyodo News.
Kim Jin Sung, một nhà nghiên cứu công nghệ thông tin 27 tuổi, cũng nói: "Tôi hy vọng mối quan hệ của đất nước chúng tôi với Mỹ sẽ được cải thiện hơn nữa", anh tin rằng sự hài hòa trong quan hệ với Washington sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên vẫn còn chiến tranh về mặt lý thuyết khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 - trong đó các lực lượng đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo chiến đấu bên cạnh Hàn Quốc, Triều Tiên được Trung Quốc, Liên Xô hỗ trợ - chấm dứt trong một thỏa thuận ngừng bắn mà không có hiệp ước hòa bình.
Tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên của hai lãnh đạo tại Singapore vào ngày 12/6/2018, ông Kim Jong Un và ông Donald Trump đã đồng ý rằng Mỹ sẽ cung cấp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên để đổi lấy "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên. Trong các cuộc đàm phán trực tiếp sắp tới của họ, ông Kim có khả năng thúc giục ông Trump giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế và cho phép nước này nhận viện trợ nhân đạo từ các quốc gia khác, các chuyên gia đối ngoại cho biết.
Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cụ thể đối với phi hạt nhân hóa, bao gồm đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa. "Mỹ nên có hành động đối ứng" - Uriminzokkiri, trang web tuyên truyền của Triều Tiên, cho biết ngày 15/2.
Cũng trong ngày 15/2, tờ báo có ảnh hưởng nhất của Triều Tiên Rodong Sinmun cho biết "Triều Tiên sẽ phát triển quan hệ đối ngoại với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền của CHDCND Triều Tiên và thân thiện với họ dù khác biệt về ý tưởng và hệ thống xã hội." Triều Tiên sẵn sàng "bắt tay và tạo ra một lịch sử mới" ngay cả với một quốc gia có sự thù địch trong quá khứ, nếu bây giờ họ có ý định cải thiện mối quan hệ, Rodong Sinmun nói thêm.
"Một số quan chức Triều Tiên rất tự tin về hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Mỹ. Họ nói rằng có thể thấy kết quả lịch sử và đáng ngạc nhiên sau hội nghị thượng đỉnh", một nguồn tin quen thuộc với tình hình ở Bình Nhưỡng nói.