"Chúng tôi buộc phải bỏ rời bỏ quê hương, đất nước vì các tay súng Jabhat Al Nusra và IS", Ahmad, 53 tuổi nói khi đang ở ngồi trong trại tị nạn Bar Elias ở Lebanon. Anh quê gốc ở Idlib nhưng đã phải rời bỏ quê nhà để chạy tới đây vào 5 năm trước.
Tất cả những người còn lại sống trong khu lán trại này đều đến từ nhiều nơi ở Idlib, nơi quân đội Syria đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công quy mô lớn để đánh bật các nhóm phiến quân ra khỏi thành trì cuối cùng của chúng.
Khi cuộc tấn công đang gần kề, Ahmad nói rằng anh lo sợ cho gia đình mình, những người đang mắc kẹt ở Idlib.
"Ngay bây giờ không có bom rơi, đạn lạc vì người ta vẫn đang họp. Nhưng nếu khủng bố không đầu hàng, quân đội Syria sẽ tiến đánh và giành lấy Idlib. Không còn lựa chọn nào khác và chúng tôi ủng họ điều đó", Ahmad nói.
Liên Hợp Quốc và Mỹ cùng một số quốc gia khác đang thúc giục chính phủ Syria và đồng minh Nga, Iran đàm phán để tiền tới một giải pháp hòa bình, nhưng Ahmad cùng nhiều người tị nạn khác cho rằng vấn đề hiện tại nằm ở các lực lượng nổi dậy.
"Chúng sẽ không để mọi người rời khỏi đó để tới các khu vực an toàn hơn. Quân đội Syria sẽ mở nhiều hàng lang nhưng bọn khủng bố sẽ không để ai rời đi vì chúng sẽ sử dụng họ như những lá chắn sống", Ahmad cho hay.
Ngồi trong trại tị nạn cùng Ahmad, một người đàn ông khác cũng tên là Ahmad, 28 tuổi nói rằng anh lo cho em gái cùng con cái của mình ở quê nhà.
"Em gái tôi không thể trốn thoát khi những kẻ khủng bố đang ngăn người dân rời khỏi khu vực", Ahmad chia sẻ.
Tuy nhiên, ngay cả khi rời khỏi Idlib, những người tị nạn cũng sẽ không thể tới Lebanon hay Thổ Nhĩ Kỳ. Cả 2 quốc gia này hiện đã đóng cửa biên giới sau khi lo ngại dòng người tị nạn có thể lên tới 4,5 triệu người Syria tràn qua một khi xung đột nổ ra.
Các tổ chức cứu trợ cho biết cuộc tấn công của quân đội Syria sẽ khiến ít nhất 800.000 người phải đi tị nạn. Họ sẽ hướng tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Ankara không mong muốn điều đó, Tổng thống Erdogan đang thúc giục Nga và Syria ngừng bắn để thương lượng nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, Matxcơva và Damascus đã nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là đánh bật khủng bố ra khỏi thành trì cuối cùng chúng kiểm soát.
"Không nên đàm phán với họ. Nhưng nếu họ chấp nhận đầu hàng, đó sẽ là quyết định tốt nhất", đại sứ Nga tại Syria Alexander Lavrentiev nhấn mạnh.